Bà Kristalina Georgieva nói tại hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai (FII) ở Riyadh: "Chúng tôi lo ngại trước hết về tâm điểm của cuộc chiến, về sự mất mát bi thảm về nhân mạng cũng như sự tàn phá và suy giảm hoạt động kinh tế".
Bà Georgieva cho biết "các chuỗi tác động" đã hiện rõ ở các nước láng giềng như Ai Cập, Lebanon và Jordan, đồng thời nói thêm rằng sự bất ổn có thể "giết chết" dòng doanh thu du lịch.
"Các nhà đầu tư sẽ ngại đến nơi đó, trong khi chi phí bảo hiểm, nếu bạn muốn vận chuyển hàng hóa, sẽ tăng lên", bà nói.
Cuộc xung đột Israel-Hamas vốn đã trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn, đã tạo thêm bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu đang chịu ảnh hưởng của lạm phát dai dẳng và chi phí vay cao.
Theo các quan chức Israel, vụ xung đột bắt đầu vào ngày 7/10, khi các chiến binh Hamas giết chết ít nhất 1.400 người, chủ yếu là dân thường và bắt giữ hơn 200 con tin.
Trong khi đó phía Hamas cho biết những tuần qua Israel đã liên tục đáp trả bằng chiến dịch ném bom không ngừng, giết chết hơn 5.700 người Palestine, chủ yếu là dân thường. Đồng thời, Israel cũng cắt nguồn cung cấp nước, điện, nhiên liệu và thực phẩm.
Bà Georgieva cho biết, cuộc chiến đang diễn ra vào thời điểm "tăng trưởng chậm, lãi suất cao và chi phí trả nợ tăng lên".
Đầu tháng này, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay ở mức 3%, chậm hơn mức tăng trưởng 3,5% được ghi nhận vào năm 2022, vẫn thấp hơn mức tăng trưởng trung bình trong lịch sử.
Vào năm 2024, quỹ dự kiến tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu sẽ tăng 2,9%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo của quỹ vào tháng 7 năm tới.
Các ngân hàng trung ương đã tung ra đợt tăng lãi suất mạnh nhất trong nhiều thập kỷ trong nỗ lực kiểm soát lạm phát tăng vọt sau khi Nga xâm chiếm Ukraine vào năm ngoái.
Bà Georgieva nói: "Chúng tôi muốn thấy sự bình thường hóa chính sách tiền tệ theo thời gian, vì vậy chúng tôi không vui mừng với việc tăng từ 0 lên 5 quá nhanh".
"Và bây giờ chúng tôi đang ở đây, lời kêu gọi của chúng tôi gửi tới mọi người là thắt dây an toàn [và] đảm bảo rằng bạn hiểu rằng lãi suất cao hơn sẽ kéo dài hơn", bà nói thêm.
Tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho rằng ngân hàng trung ương có xu hướng giữ lãi suất ổn định trở lại tại cuộc họp tháng 11, đồng thời để ngỏ khả năng tăng lãi suất sau đó nếu các nhà hoạch định chính sách phát hiện thêm những dấu hiệu tăng trưởng kinh tế kiên cường.
Fed đã tăng lãi suất 11 lần lên mức hiện tại là 5,25% đến 5,5% trong nỗ lực kiềm chế việc tăng giá mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái.