"TP.HCM cần nâng mức phong tỏa nếu trong 15 ngày chưa kiểm soát được dịch"

"Rõ ràng biến chủng Delta rất dễ lây lan, nên các phương án chống dịch truyền thống sẽ không còn nhiều hiệu quả như trước", chuyên gia cho biết.

Trao đổi với Zing, giáo sư Teo Yik-Ying - Hiệu trưởng Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, thuộc Đại học Quốc gia Singapore - cho rằng trong trường hợp có F0, cách ly cả hộ gia đình có ca nhiễm cũng là một giải pháp thích hợp. Thành phố cần lên kịch bản tính toán, dự trù nguồn cung vật tư, thiết bị y tế để phát hiện thiếu hụt, từ đó tìm cách bổ sung trước khi kho y tế cạn kiệt.

Với biến chủng Delta lây lan nhanh chóng, ông nghĩ nếu sau 15 ngày phong tỏa dịch bệnh vẫn lây lan mạnh, TP.HCM cần nâng mức độ phong tỏa nghiêm ngặt hơn nữa.

"Tôi nghĩ rằng lây nhiễm khi cách ly tại nhà là khó tránh khỏi. Một khi đã thực thi phương án cách ly ca bệnh tại nhà, gần như chắc chắn người nhiễm virus corona có thể lây sang thành viên trong gia đình, hoặc người ở cùng nhà, đặc biệt với biến chủng Delta lây lan nhanh chóng. Cách tiếp cận lâu dài để giảm rủi ro chính là phụ thuộc vào vaccine. Tiêm chủng cho mọi người, đặc biệt là các thành viên trong gia đình, là cách tiếp cận tốt nhất. Một chiến lược khác là giữ cho người nhiễm bệnh cách ly hoàn toàn với các thành viên khác trong gia đình.

Điều này rất khó khăn, đặc biệt là ở các thành phố, khi mà diện tích nhà và căn hộ thường nhỏ, các thành viên phải dùng chung nhà tắm hay nhà vệ sinh. Đây đều là những nơi rất dễ lây lan Covid-19. Nhưng khi không còn lựa chọn nào khác, chính quyền có thể cách ly toàn bộ hộ gia đình", ông Teo Yik-Ying nói.

Theo ông Teo, hệ thống chăm sóc sức khỏe phải luôn có chỗ để chăm sóc những người mắc bệnh có các triệu chứng nghiêm trọng. Một số người nhiễm virus corona mà không có bất kỳ triệu chứng nào có thể được cách ly các cơ sở cộng đồng, không nhất thiết phải ở hoàn toàn trong bệnh viện.

"Điều cần thiết là nên đặt ra một vài khu vực chỉ dành cho việc chăm sóc bệnh nhân Covid-19 bởi đây là căn bệnh dễ lây nhiễm. Nhân viên y tế sẽ cách ly khu vực và thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết cho nhóm bệnh nhân này", ông Teo cho biết.

Theo ông Teo,  Việt Nam có thể triển khai cách tiếp cận mô hình hóa, sử dụng dữ liệu dịch tễ học và thống kê để xem nhu cầu oxy, giường bệnh trong khoảng thời gian một tuần, hai tuần, một tháng tới. Từ đó chính quyền sẽ xem xét liệu có khả năng xảy ra tình trạng thiếu hụt hay không. Nếu có tình trạng thiếu hụt tại một khu vực, đây là lúc họ tiếp cận nguồn cung y tế từ những vùng khác. Quan trọng là phải liên lạc với họ từ sớm nếu trong tương lai số ca mắc tiếp tục tăng.

Biến chủng Delta rất dễ lây lan, nên các phương án chống dịch truyền thống sẽ không còn nhiều hiệu quả như trước. Việc TP.HCM đang thực hiện mức độ phong tỏa giống như mức độ phong tỏa vào năm 2020 cần thắt chặt hơn nữa. Chính quyền cần phải tăng mức độ hạn chế di chuyển để lượng người tiếp xúc hay đi lại trong cộng đồng giảm xuống mức thấp nhất.

Ông Teo cũng đưa ra đề xuất thứ 2 chính là tiêm chủng ngừa giảm nguy cơ lây nhiễm, ngay cả với biến thể Delta. Đặc biệt ở nhóm người có nguy cơ cao như người cao tuổi, nhân viên y tế, công nhân làm công tác giao thông vận tải, trong trường học, như giáo viên.

"Bộ xét nghiệm tại nhà hiệu quả dựa vào một số điều kiện. Đầu tiên, liệu có một bộ dụng cụ tự xét nghiệm cho tất cả người dân Việt Nam dễ dàng mua với giá rẻ hay không. Ngoài ra, độ chính xác của bộ dụng cụ này là bao nhiêu. Khả năng tiếp cận dễ dàng và độ chính xác của bộ dụng cụ là rất quan trọng. Thứ hai, người dân nên sử dụng bộ xét nghiệm tại nhà như thế nào, khi nào họ cần sử dụng, và họ nên hành động thế nào nếu bộ kit đưa ra kết quả dương tính.

Vì vậy, một quy trình cụ thể và rõ ràng với những người tự xét nghiệm tại nhà rất quan trọng. Nếu kết quả dương tính, họ cần tự cách ly tại nhà, gọi điện cho đường dây nóng Bộ Y tế Việt Nam để được làm xét nghiệm PCR. Nếu kết quả PCR dương tính, họ có thể bị cách ly, hoặc tự cách ly, và cả những người tiếp xúc gần cũng vậy. Nu không có các quy trình cụ thể, việc tự xét nghiệm tại nhà là một hành động lãng phí và không cần thiết. Nếu ai đó có kết quả dương tính mà không được theo dõi, hay không biết phải làm gì với kết quả này thì không có ích gì cả", ông Teo chia sẻ.

Thanh Mai

Người dân TP.HCM vẫn mua rau xanh giá cao gấp 3-4 lần

Người dân TP.HCM vẫn mua rau xanh giá cao gấp 3-4 lần

Thị trường thực phẩm trong những ngày gần đây ghi nhận nhiều biến động về giá cả và sức mua, do tác động dịch bệnh COVID-19. Đáng chú ý là các mặt hàng rau củ, quả tại TP.HCM tăng giá mạnh, gấp 3 - 4 lần so với trước.