TP.HCM nói gì về thông tin chậm đưa F0 đi điều trị?

Ông Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế - thừa nhận có tình trạng F0 chậm chuyển đi điều trị. 

Chiều 13-7, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Ông cho biết việc chậm đưa F0 đi điều trị có thể xảy ra nhưng không phải chủ trương như thế, mà do quá trình ca nhiễm gia tăng nhanh chóng, quá trình vận hành sẽ có sự chệch choạc. Các trường hợp phản ánh sẽ được giải quyết trong thời gian ngắn. 

Thời gian qua, TP thực hiện test nhanh để phát hiện sớm F0, sau đó sẽ xét nghiệm PCR để xác định. Ngay khi test nhanh có kết quả dương tính, TP cũng phải lập tức triển khai điều tra truy vết, xem như các ca F0.  Bệnh nhân nào có triệu chứng phải được chuyển đi điều trị ngay, chưa có triệu chứng thì tạm thời đưa đến khu cách ly.

Theo ông Hưng, đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm tăng cao, TP đã xây dựng, thực hiện nhiều kịch bản nhằm đáp ứng công tác điều trị, hạn chế mức tử vong. Một số trường hợp chuyển bệnh nhân còn khó khăn nhưng thời gian không nhiều. 

TP.HCM nói gì về thông tin chậm đưa F0 đi điều trị?

"Một số trường hợp F0 dù chuyển bệnh nhân có chậm đi nữa, nhưng trường hợp bệnh nhân có triệu chứng thì phải ưu tiên giải quyết, không để chậm trễ quá trình chuyển bệnh nhân đã có xét nghiệm dù là xét nghiệm kháng nguyên nhanh hay xét nghiệm PCR khẳng định", ông Hưng nói. 

Về dự báo tình hình dịch sau 15 ngày giãn cách xã hội, ông Phan Văn Mãi cho biết dự báo sẽ có 3 tình huống:

Thứ nhất là TP kiểm soát được dịch COVID-19, lúc này sẽ xem xét lại việc thực hiện chỉ thị 16, có thể là chỉ thị 16 hay chỉ thị 15 hoặc chỉ thị 19.

Tình huống thứ 2 là chúng ta chưa kiểm soát được và dịch vẫn gia tăng, lúc này sẽ tiếp tục chỉ thị 16 một thời gian và có thể thực hiện 16+ ở một số địa bàn.

Tình huống 3 là dịch gia tăng mạnh mẽ, mất kiểm soát; TP phải tính đến tình huống phong tỏa với biện pháp mạnh hơn.

Việc áp dụng tình huống nào phụ thuộc vào việc thực hiện chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày. Từng người dân, từng hộ gia đình, từng cơ quan phải thực hiện nghiêm các quy định. Các cơ quan chức năng cũng phải thực hiện hết chức trách nhiệm vụ của mình để đạt được mục tiêu phòng chống dịch cao nhất. 

"Kết quả sau 15 ngày phụ thuộc vào hành động của mỗi chúng ta. Tôi mong muốn người dân thời gian tới tiếp tục chung sức đồng lòng chống dịch, để không phải áp dụng các biện pháp xấu nhất để chống dịch", ông Phan Văn Mãi nói.

Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết thời gian tới, TP sẽ rà soát lại các kế hoạch, các phương án phù hợp với tình hình. Không chỉ là cung ứng hàng hóa mà phải đảm bảo cơ sở vật chất cho điều trị bệnh nhân và chăm lo cho người yếu thế…

Ông Mãi khẳng định cho đến nay mục tiêu phòng chống dịch, an toàn sức khỏe của người dân là trên hết và trước hết, nên việc duy trì sản xuất phải đảm bảo an toàn mới sản xuất, nơi nào không an toàn thì phải dừng để củng cố.

Thanh Mai