TP.HCM sẽ xây dựng cơ chế đặc thù phát triển thành phố Thủ Đức

Lãnh đạo TP.HCM cho biết thành phố đang tiến hành các công tác nghiên cứu quy hoạch chung khu vực 21.000 ha Thành phố Thủ Đức.

Hôm nay (9/1), TP.HCM đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội năm 2021.

Năm nay, TP.HCM xác định là năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư. Thành phố đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 6% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 6.500 USD; tạo việc làm mới cho 140.000 lao động, tỷ lệ thất nghiệp dưới 4%.

Thành phố cũng đặt ra chỉ tiêu xây dựng mới đạt 8 triệu m2 điện tích nhà ở. Diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 21m2/người. 

Việc thành lập Thành phố Thủ Đức là nhiệm vụ trọng tâm của TP.HCM trong năm 2021. Ảnh: Zing
Việc thành lập Thành phố Thủ Đức là nhiệm vụ trọng tâm của TP.HCM trong năm 2021. Ảnh: Zing

Tại Hội nghị, lãnh đạo TP.HCM cùng các sở, ngành đề xuất nhiều giải pháp phát triển thành phố Thủ Đức. Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết TP.HCM đang nghiên cứu lập quy hoạch chung khu vực hơn 21.172 ha của TP Thủ Đức theo tỷ lệ 1/25.000 - 1/10.000, với các mục tiêu phát triển giao thông xanh, khả năng chống chịu, quản lý ngập lụt.

Việc thành lập TP Thủ Đức được coi là một những nhiệm vụ trọng tâm của TP.HCM trong năm 2021.

Cùng với đó, TP.HCM đang lập quy hoạch phân khu 5 địa điểm Trường Thọ (147 ha), Tam Đa và dọc Đông Tây mới (1.000 ha); hành lang tuyến Metro số 1 (493 ha); hành lang Vành đai 2 (600 ha) và khung chính sách khai thác giá trị đất áp dụng cụ thể cho Vành đai 2.

Bên cạnh đó, thành phố xem xét nhiệm vụ lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 không gian ngầm đô thị khu trung tâm hiện hữu 930 ha và khu đô thị mới Thủ Thiêm 657 ha.

Một nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 cũng tập trung cho Thủ Đức là triển khai Dự án chống ngập bền vững.  Đây là dự án có mức đầu tư hơn 1 tỷ USD do Chính phủ và doanh nghiệp Hà Lan thực hiện theo mô hình PPP. 

Ông Trương Trung Kiên, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, đề xuất UBND TP.HCM xây dựng cơ chế về tài chính (tỷ lệ phân bổ thu ngân sách), cơ chế nguồn lực trong giai đoạn đầu thành lập TP Thủ Đức. Ông Kiên đề xuất UBND TP.HCM phân bổ 100% nguồn thu từ tiền sử dụng đất lại cho thành phố Thủ Đức trong 5 năm đầu.

Năm 2020 tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) trên địa bàn TPHCM chỉ đạt 1,39% so với năm 2019, với mức tăng đến 8,32%.  

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của TP.HCM năm 2020 ước đạt 43,8 tỷ USD, tăng 3,1% so với năm trước; nhập khẩu ước đạt 50,8 tỷ USD, giảm nhẹ 1,1% so với cùng kỳ.

Giữa khó khăn vì COVID-19, thu ngân sách nhà nước vẫn hơn 371.000 tỷ đồng, đạt 91,5% dự toán. Tổng chi ngân sách ở mức hơn 84.000 tỷ đồng. Lượng kiều hối cũng đạt hơn 5,5 tỷ USD.

Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Lê Thị Huỳnh Mai đề xuất cần tập trung hoàn thiện và ổn định bộ máy của thành phố Thủ Đức, mở ra cơ hội tăng năng suất lao động, tăng tốc phát triển, đóng góp chung vào kinh tế TP.HCM và cả nước.

Bà Mai cũng đề nghị giải quyết dứt điểm các vấn đề liên quan đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng, đưa nguồn lực đất đai vào phát triển kinh tế thành phố, sớm hình thành khu đô thị hiện đại tầm cỡ khu vực.

Giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng TP.HCM bước vào năm 2021 với một tâm thế rất đặc biệt, với nhiều sự kiện trọng đại, nhiều dự báo về tình hình quốc tế và trong nước có nhiều cơ hội cũng như khó khăn mới. TP.HCM phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất 20 chỉ tiêu đề ra.

Ông  Phong yêu cầu bộ máy chính quyền phải chủ động, sáng tạo hơn khi thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2021. Các sở, ban, ngành, quận, huyện cần đưa ra các chương trình, kế hoạch công tác cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế, có tính khả thi cao.

Tuyến metro số 1 là một trong những dự án sẽ đưa vào vận hành trong năm 2021 của TP.HCM. Ảnh: VnExpress
Tuyến metro số 1 là một trong những dự án sẽ đưa vào vận hành trong năm 2021 của TP.HCM. Ảnh: VnExpress

Trong xây dựng chính quyền đô thị, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu tập trung thực hiện Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, lưu ý thành lập TP Thủ Đức đảm bảo tiến độ.

Dự kiến, trong quý I/2021, TP.HCM hoàn thành nghiên cứu và thực hiện các nội dung phân cấp của TP.HCM cho TP Thủ Đức. TP.HCM cũng nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP Thủ Đức trình các cơ quan Trung ương.

Về các giải pháp phục hồi kinh tế, TP.HCM triển khai gói hỗ trợ lần 2 đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 và đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa; tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu.

Năm nay, thành phố tập trung đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông để phát triển ngành logistics. Các công trình sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành là dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng; vận hành thương mại tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành – Suối Tiên); hoàn tất giải phóng, bồi thường mặt bằng tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương); hoàn thành sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh; hoàn thành nút giao thông Mỹ Thủy (quận 2).

Đối với các dự án khởi công mới sẽ mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý; bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn, Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi; xây dựng rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ.

Q.HUY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương