TP.HCM thành lập 20 đoàn kiểm tra hàng thực phẩm Tết

Để đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Tân Sửu 2021, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã thành lập 20 đoàn kiểm tra với hơn 300 thanh tra viên.

Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan cho biết, lượng hàng hóa phục vụ cho Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 về TP.HCM đang rất dồi dào. Trước Tết 2 tháng, Ban đã thanh kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, đặc biệt là ở các kho nguyên liệu. Hiện nay sẽ tập trung kiểm tra nhiều ở các kênh phân phối như các chợ truyền thống, cửa hàng;…

Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, để đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP đã thành lập 20 đoàn kiểm tra với hơn 300 thanh tra viên, tăng cường kiểm tra việc phân phối, kinh doanh, tiêu thụ những mặt hàng thực phẩm Tết, rượu bia, bánh mứt, rau củ quả, trái cây, các loại thịt dùng để chế biến thực phẩm, các kho lạnh tích trữ thực phẩm để phụ vụ Tết...

Không khí mua sắm Tết Tân Sửu 2021 đã bắt đầu  tại TP.HCM. Ảnh: T.Tân
Không khí mua sắm Tết Tân Sửu 2021 đã bắt đầu  tại TP.HCM. Ảnh: T.Tân

Bắt đầu đêm 15/1, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã đến kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tại Chợ đầu mối Bình Điền (Quận 8). 

Hiện trung bình mỗi ngày tại chợ đầu mối Bình Điền tiêu thụ khoảng 250 tấn thực phẩm, gồm rau củ quả, thịt, thủy hải sản... Ban quản lý chợ dự kiến trong 10 đêm cận Tết Nguyên đán, lượng hàng hóa về chợ có thể tăng bình quân 20%-25% so với ngày thường. Đặc biệt những đêm cao điểm nhất vào 27 và 28 tháng Chạp, sản lượng có thể tăng từ 50%-60%, đạt khoảng 3.600 đến 4.000 tấn/đêm.

Trong đó, mặt hàng thịt heo vào đêm cao điểm có thể tăng hơn 2 lần, rau củ có thể tăng gấp 2 lần và trái cây tăng gấp 4 lần so với ngày thường.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, để chuẩn bị nguồn hàng hóa cung ứng Tết Tân Sửu 2021, các doanh nghiệp trên địa bàn đã sản xuất, dự trữ cung ứng cho hai tháng Tết là 19.679,7 tỷ đồng, trong đó nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.132,6 tỷ đồng. Riêng Tháng cao điểm phục vụ Tết, tính từ mùng 1 đến 30 tháng Chạp Âm lịch, tổng giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp chuẩn bị là 10.425,6 tỷ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.172,4 tỷ đồng.

Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 22% – 54,5% nhu cầu thị trường, như thịt gia cầm 7.488,2 tấn (chiếm 54,5%), trứng gia cầm 67,9 triệu quả (47%), thực phẩm chế biến 1.051,8 tấn (28,1%), thịt gia súc 5.594,4 tấn (21%), dầu ăn 1.671,8 tấn (27,5%), gạo 3.943,2 tấn (31,5%)...

Hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu cung ứng cho người tiêu dùng TP.HCM chủ yếu từ 3 nguồn chính gồm: Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường chiếm từ 30% - 40% thị phần; các chợ đầu mối với mặt hàng rau - củ - quả, thủy hải sản, thịt gia súc, chiếm 60% - 70% thị phần; các doanh nghiệp khác chiếm 10% - 20% thị phần.

Q.HUY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương