Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết trong thời gian vừa qua đã ghi nhận 628 ca tay chân miệng trong tuần qua, tăng gần gấp ba lần so với trung bình một tháng trước.
Tính riêng 4 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận gần 1.600 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng với 96% trẻ bệnh ở độ tuổi 1-5. Số ca tăng ở cả trường hợp nhập viện điều trị nội trú và khám ngoại trú.
Theo HCDC, số ca bệnh tay chân miệng có sự gia tăng báo động ở hầu hết các quận huyện. Trong đó, quận 8, Bình Tân, khu vực 2 và 3 của TP Thủ Đức, Bình Chánh, Tân Phú có số ca tăng cao so với trung bình 4 tuần trước.
Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng Thành phố |
Hai tuần đầu tháng 5, Bệnh viện Nhi đồng 2 ghi nhận gần 500 ca khám ngoại trú và 40 trường hợp nhập viện và có xu hướng tăng dần. Hầu hết các bệnh nhi nhập viện trong tình trạng sốt nhiều ngày liên tục, kèm theo các mụn nước nổi đỏ ở tay, chân, thậm chí vết loét ở họng làm cản trở việc ăn uống. Tỷ lệ nhập viện hầu hết ở mức độ nhẹ, mức độ 2B (mức độ nặng) chiếm khoảng 5-6%.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết gần đây mỗi ngày viện tiếp nhận khoảng 100-120 trẻ đến khám mỗi ngày, tăng gấp đôi so với đầu tháng.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết mỗi ngày Khoa Nhiễm - Thần kinh có khoảng hơn 30 trẻ mắc tay chân miệng nằm viện, số ca mắc gia tăng gấp khoảng 1,5 lần so với đầu tháng.
Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, HCDC khuyến cáo người chăm sóc trẻ và trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám bệnh.
Bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng ngừa. Nguồn lây chính của tay chân miệng từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ bệnh. Bệnh thường gặp ở trẻ tuổi mẫu giáo vì trẻ có thói quen cho tay vào miệng.
Dinh dưỡng đầy đủ theo tuổi, ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, tránh thức ăn chua, cay... Trẻ còn bú cần tiếp tục cho ăn sữa mẹ.
Trẻ thường đau họng miệng do vết loét nên có thể sử dụng thuốc tráng niêm mạc dạng sữa nhũ dịch để dịu cơn đau rồi mới cho trẻ ăn. Chú ý vệ sinh răng miệng.
Phụ huynh cần theo dõi, cảnh giác các dấu hiệu như sốt cao, thở bất thường, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì, ngủ gà, chới với, hay giật mình, hoảng hốt, ngồi không vững hoặc đi loạng choạng, run tay chân, co giật, vã mồ hôi, nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú, yếu tay chân, da nổi bông, vân tím hoặc xanh tái.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến cho biết, rẻ bệnh tay chân miệng chỉ có sốt nhẹ dưới 38,5 độ C, loét miệng, hồng ban mụn nước lòng bàn tay chân, tỉnh táo, chơi, thường được bác sĩ cho điều trị ngoại trú. Phụ huynh cần cho trẻ uống thuốc theo toa bác sĩ, hạ sốt khi sốt trên 38 độ C bằng paracetamol liều 10-15 mg/kg/lần uống, có thể lặp lại mỗi 4- 6 giờ khi sốt lại.
Cho trẻ nghỉ học, nghỉ ngơi tại nhà, tránh kích thích, cách ly với trẻ khác trong 10-14 ngày đầu của bệnh. Tái khám mỗi 1-2 ngày trong 8-10 ngày đầu của bệnh. Trẻ bị sốt phải tái khám mỗi ngày cho đến khi hết sốt ít nhất 48 giờ.
SEA Games 31: Những anh chị em ruột cùng thi đấu và đem lại vinh quang cho quốc gia
Có không ít cặp anh chị em ruột giành HCV, HCB mang lại vinh dự cho toàn đoàn tại SEA Games 31.