Tổng thống Trump phát biểu tại vườn hồng Nhà Trắng: “Các thị trưởng và thống đốc bang phải thực thi pháp luật mạnh mẽ cho tới khi bạo lực bị dập tắt… Nếu một thành phố hoặc một bang không có những hành động cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, tôi sẽ triển khai quân đội Mỹ và nhanh chóng giải quyết tình hình cho họ”.
Ở bên ngoài tường rào, những người lính, sĩ quan quân đội và cảnh sát chống bạo động đã được triển khai để phong tỏa hoàn toàn “trái tim” của chính phủ Mỹ. Người ta có thể nghe thấy rõ những tiếng la hét của người biểu tình. Trump cũng nghe thấy.
Phần lớn người dân Mỹ chưa bao giờ được thấy những cảnh tượng như vậy diễn ra trên đất nước của họ. Một tuần sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd ở Minneapolis, các cuộc biểu tình rầm rộ tiếp tục diễn ra tại nhiều thành phố lớn ở Mỹ, trong đó có thủ đô Washington, nơi Trump đang mạo hiểm bước ra bên ngoài Nhà Trắng lần đầu tiên kể từ khi tình trạng bất ổn diễn ra trên toàn quốc.
|
Tuy nhiên, những người trông đợi một lời kêu gọi hòa bình từ Trump sẽ cảm thấy thất vọng hoàn toàn. Trump vẫn là Trump: mặc dù đất nước đang chìm trong hỗn loạn và cuộc khủng hoảng này đã cho thấy sự thất bại chính trị của ông, nhưng ông không hướng đến toàn bộ quốc gia - ông chỉ hướng đến những cử tri bảo thủ cánh hữu của mình, và đó chủ yếu là những người da trắng.
Tổng thống Trump không quan tâm đến những đòi hỏi của người biểu tình, trong 7 phút phát biểu tại vườn hồng, ông không nói một lời nào về những đòi hỏi đó. Điều duy nhất ông quan tâm là cơ hội chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới, vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế.
Trump tuyên bố: "Tôi là tổng thống của luật pháp và trật tự". "Luật pháp và trật tự" là cụm từ được ông nhắc lại tới 2 lần. Vì vậy, nếu cần thiết, Trump sẽ triển khai "hàng nghìn binh sĩ được trang bị toàn diện" tới các bang, bất kể các bang có đồng ý hay không. Đó là một sự leo thang gây sốc và là sự sỉ nhục với chủ nghĩa liên bang của Mỹ, làm tách rời mối liên hệ giữa chính quyền liên bang và các tiểu bang.
Theo phóng viên Jim Acosta của hãng tin CNN thì "đó là lời nói của một nhà độc tài". Liệu Tổng thống Trump có thể làm điều đó hay không? Theo luật pháp Mỹ, việc triển khai lực lượng cảnh sát thuộc quân đội Mỹ ở trong nước bị cấm. Tuy nhiên, Trump đang viện dẫn Đạo luật nổi dậy, một đạo luật mập mờ có từ năm 1807, quy định một trường hợp ngoại lệ, cho phép triển khai lực lượng cảnh sát quân đội ở trong nước để đàn áp các "cuộc nổi dậy" và "phản loạn".
Nhưng theo quan điểm của nhiều luật sư, bước đi này chỉ có thể thực hiện nếu thống đốc các bang có yêu cầu rõ ràng về sự hỗ trợ từ chính quyền liên bang. Điều đó cũng đã được Bộ Tư pháp Hoa Kỳ xác nhận vào năm 1981. Năm 2006, thống đốc tất cả 50 bang của Mỹ cũng đã cản trở thành công nỗ lực của Tổng thống George W. Bush nhằm vận dụng điều luật này trong một trường hợp tương tự.
Cho đến nay, chưa một thống đốc nào yêu cầu Trump viện trợ quân sự và không có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ làm điều đó. "Chúng tôi từ chối điều đó", Thống đốc New York Andrew Cuomo thuộc đảng Dân chủ nói trên CNN.
Đồng nghiệp của ông, Thống đốc Jay Pritzker từ bang Illinois cho biết: "Tôi từ chối ý tưởng rằng chính phủ có thể gửi quân tới Illinois". Tổng thống Trump được coi chính là "người nổi loạn", lời nói của ông chỉ làm gia tăng "căng thẳng chủng tộc" chứ không giải quyết được gì. Ngay cả thành viên đảng Cộng hòa Charlie Baker, thống đốc bang Massachusetts, cũng nói rằng nước Mỹ đang cần "lòng trắc ẩn", nhưng điều đó “không thể tìm thấy” ở Trump.
Một số người khác thì ngược lại, họ tin rằng Trump có thể né tránh ý chí của các tiểu bang nếu ông thực sự muốn. Điều này không phải là "không hợp lý", Stephen Vladeck, Giáo sư luật học tại Đại học Texas lập luận, "Đạo luật nổi dậy trao quyền cho tổng thống quyết định xem liệu hoàn cảnh có yêu cầu hay không".
Vậy đâu là quan điểm đúng, điều này được các học giả và các nhà bình luận pháp lý tranh luận mạnh mẽ. Tuy nhiên, Trump đã gần đạt được một mục tiêu: màn trình diễn của ông là một cảnh quay chính trị mà tất cả mọi người đột nhiên nói đến - một chương trình thực tế kỳ lạ, trong đó nhân vật chính là người đàn ông từng trốn tránh nghĩa vụ quân sự với giấy chứng nhận y tế, ít nhất có thể trở thành một người đàn ông mạnh mẽ.
Chương trình này vẫn còn tiếp tục sau bài phát biểu mang tính kích động chiến tranh của Trump. Tổng thống sau đó diễu hành từ Nhà Trắng tới Nhà thờ St. John’s - "Nhà thờ của các Tổng thống" bên ngoài khu phức hợp chính phủ, nơi đã bị hư hại trong các cuộc bạo loạn. Đi cùng Trump có Bộ trưởng Tư pháp Bill Barr, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper, con gái Ivanka Trump, con rể Jared Kushner, cố vấn Stephen Miller và những người khác.
Đứng trước Nhà thờ St. John’s được bảo vệ kỹ càng, Trump tạo dáng trước ống kính máy quay, vụng về cầm một quyển Kinh thánh trên tay. "Chúng ta là quốc gia vĩ đại nhất thế giới", ông nói. Để có được những phút tạo dáng đáng xấu hổ này của Trump, Lực lượng Vệ binh Quốc gia trước đó đã kiên quyết xua đuổi hàng trăm người biểu tình ôn hòa ra khỏi công viên Lafayette bằng cách sử dụng hơi cay và đạn cao su. Đó là bạo lực quân sự, chỉ để Trump ghi hình trước ống kính máy quay.
Nữ Giám mục Mariann Edgar Budde thuộc Nhà thờ St. John’s nói trên báo Washington Post rằng Trump đã lợi dụng Nhà thờ St. John’s để "làm nền" cho buổi ghi hình của mình mà không có sự cho phép của bà. "Chúng tôi cần các nhà lãnh đạo có đạo đức, và ông ấy thì chỉ chia rẽ chúng tôi".
Trump đã tự trốn tránh những người biểu tình trong suốt một tuần, thậm chí ông còn được đưa xuống tạm lánh trong hầm ngầm của Nhà Trắng khi người biểu tình vây kín bên ngoài khu nhà này. Việc Trump chỉ xuất hiện sau khi các phương tiện truyền thông đưa nhiều thông tin khiến ông trông có vẻ “yếu đuối”, hoàn toàn không phải ngẫu nhiên.
Một khả năng khác có thể dẫn tới sự can đảm bất ngờ của Trump, đó là cuộc gọi điện cho Tổng thống Nga Vladimir Putin vào buổi sáng, người mà Trump ngưỡng mộ - giống như nhiều nhà độc tài khác - vì "có quyền kiểm soát rất lớn đối với đất nước của mình".
Ngay sau đó, tại cuộc họp trực tuyến, Trump đã chỉ trích các thống đốc bang khi cho rằng họ là những người "gây nực cười cho toàn thế giới". Ông yêu cầu họ tống cổ những người biểu tình "vào tù trong mười năm" và "cai trị họ" - trong bối cảnh những người Mỹ gốc Phi đang không ngừng gây áp lực ở bên ngoài.
Trong tuyên bố của mình tại vườn hồng Nhà Trắng, Trump hầu như không giới hạn từ ngữ để nói về người biểu tình. Ông cho rằng họ là "những kẻ vô chính phủ chuyên nghiệp", là "tội phạm", “phe cực đoan cánh tả”. Hành động của họ được coi là "chủ nghĩa khủng bố bản địa" và phải bị trừng phạt.
Tuy nhiên, những người biểu tình không hề sợ hãi, nhất là khi vụ việc người đàn ông da màu George Floyd thiệt mạng vẫn chưa được giải quyết rõ ràng, mặc dù bản báo cáo khám nghiệm tử thi lần thứ hai đã được công bố.
Những người biểu tình tiếp tục di chuyển ở nhiều thành phố cho đến tận đêm khuya - và ngay cả ở New York, nơi lần đầu tiên một lệnh giới nghiêm được áp đặt trong bối cảnh như vậy - bởi thường thì lệnh giới nghiêm chỉ được áp đặt khi thành phố phải đối mặt với một cơn bão lớn đang đến gần.
Trong khi đó, cảnh sát chống bạo động tiếp tục triển khai các chướng ngại vật mới hơn, cao hơn tại Nhà Trắng.
(Nguồn: TTXVN)