Trump và Biden: Màn 'so găng' sớm nhất trong lịch sử Mỹ

Sáng 28/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden (đại diện đảng Dân chủ) và cựu Tổng thống Donald Trump (đại diện đảng Cộng hoà) bước vào phiên tranh luận đầu tiên sau nhiều tuần điều chỉnh chiến lược với hàng loạt vấn đề do đài CNN tổ chức ở Atlanta (bang Georgia).

Ông Biden và ông Trump chuẩn bị gì cho cuộc tranh luận đầu tiên?

Tuy hiện đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa vẫn chưa mở đại hội đảng toàn quốc để chính thức đề cử ai sẽ đại diện đảng tham gia đường đua Nhà Trắng vào tháng 11 tới, song với số đại biểu trong tay, ông Biden và ông Trump gần như đã chắc vé tranh cử (hiện chỉ đợi công bố chính thức).

Về cơ bản, cả hai nhóm tranh cử của ông Trump và ông Biden đều có những mục tiêu tương tự nhau trước thềm diễn ra phiên tranh luận đầu tiên, đó là chỉ trích đối phương là "bên gây rối" và hoàn toàn không đủ tư cách đảm nhiệm chức vụ trong nhiệm kỳ tới. 

Cả hai nhóm tranh cử đã dành nhiều tuần qua để điều chỉnh chiến lược tranh luận trên nhiều vấn đề khác nhau từ kinh tế, ngoại giao cho đến năng lực đảm nhiệm chức vụ của đối phương.

Để chuẩn bị cho phiên tranh luận, ông Biden tập hợp các trợ lý đáng tin cậy về Trại David trong nhiều ngày nhằm thảo luận và chuẩn bị chuyên sâu cho màn đối đầu đầu tiên với ông Trump. Ông Biden đã có các buổi thảo luận không chính thức về nhiều chủ đề, biên soạn danh sách câu hỏi có thể có cũng như câu trả lời cho từng câu hỏi đó. Đương kim tổng thống cũng tham gia các phiên tranh luận giả định kéo dài 90 phút, tương đương thời gian diễn ra phiên tranh luận chính thức.

Trump và Biden: Màn 'so găng' sớm nhất trong lịch sử Mỹ- Ảnh 1.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải).

Theo hãng tin Reuters, nhóm của ông Biden sẽ xoáy vào chính sách cực đoan về phá thai của ông Trump. Các nguồn thạo tin của CNN thì cho biết rằng phía ông Biden cũng sẽ khai thác lỗ hổng và điểm yếu trong các phát ngôn của vị cựu tổng thống trong suốt thời gian qua.

Phần mình, ông Trump đã huy động sự giúp đỡ của một số nhân vật được cho là phó tướng tiềm năng của ông Trump trong cuộc đua Nhà Trắng năm nay, cũng như các thượng nghị sĩ, chuyên gia chính sách và các đồng minh khác để giúp ông lên chiến lược kỹ lưỡng trước phiên tranh luận sắp tới. 

Các nguồn tin nói với CNN, trong những tuần gần đây, ông Trump đã tham gia vào khoảng một chục cuộc thảo luận kiểu này, được nhóm tranh cử của ông gọi là các cuộc "thảo luận chính sách" không chính thức. 

Các cuộc tranh luận tổng thống Mỹ thường thu hút hàng chục triệu người xem và xuyên suốt lịch sử đã xác định được cục diện của một số cuộc đua. Lần này các chiến lược gia cho rằng có rủi ro đối với cả hai ông khi họ đang trong một cuộc đua với tỉ lệ ủng hộ sít sao.

Giới chuyên gia đánh giá rằng phiên tranh luận này rất quan trọng, vì đây là lần đối đầu đầu tiên giữa hai ứng viên hàng đầu trong cuộc bầu cử Mỹ năm nay. Phiên tranh luận sẽ cho cử tri thấy rõ nét nhất về sự khác biệt giữa ông Trump và ông Biden về các chính sách, lập trường của hai nhân vật này trên nhiều vấn đề.

Trump và Biden: Màn 'so găng' sớm nhất trong lịch sử Mỹ- Ảnh 2.

Đội ngũ truyền thông làm việc tại phòng báo chí trong khuôn viên Viện Công nghệ Georgia ngay trước cuộc tranh luận tổng thống đầu tiên giữa ông Trump và ông Biden tại TP Atlanta, bang Georgia, Mỹ ngày 27/6 (giờ Mỹ). Ảnh: Reuters

Ngày càng nhiều CEO Mỹ ủng hộ Trump tranh cử

Bất chấp cảm xúc lẫn lộn về Trump, ngày càng nhiều CEO Mỹ ủng hộ ông vì thấy các chính sách của Biden quá thiên tả, tức bảo vệ quyền lợi lao động, can thiệp nhà nước vào nền kinh tế.

Ngày 17/1 tại Diễn đàn Davos ở Thụy Sĩ, CEO JP Morgan Jamie Dimon cho rằng nhà băng mình sẽ ổn với việc Biden hay Trump đắc cử. "Công ty tôi sẽ tồn tại và phát triển nhờ cả hai", ông nói.

Nhưng điều gây chú ý là nhân vật có tầm ảnh hưởng tại Phố Wall này dịu giọng hơn khi nhận xét riêng về Trump. "Thành thật mà nói, ông ấy đã đúng về NATO, khá đúng về nhập cư, phát triển nền kinh tế khá tốt, cải cách thuế thương mại hiệu quả. Ông ấy đúng về một số vấn đề ở Trung Quốc", Dimon nói.

Theo Le Monde, bình luận của Jamie Dimon như cú hích cho xu hướng ngày càng nhiều CEO lớn ở Mỹ đổi thái độ trong cuộc đua trở lại Nhà Trắng vào tháng 11 tới của Trump. Giữa Biden, người theo đuổi nhiều chính sách cánh tả nhất trong nửa thế kỷ, và Trump, thì họ "ít ghét" Trump hơn.

"Dimon là hiện thân của một cộng đồng doanh nghiệp bay đến giải cứu Trump bất chấp cảm xúc lẫn lộn của họ về ứng cử viên", tờ báo Pháp bình luận.

Ví dụ nổi bật nhất là CEO Tesla Elon Musk. "Doanh nghiệp của Musk phù hợp với các ưu tiên của Biden nhưng lại có vẻ thân thiện với Trump", cựu dân biểu đảng Dân chủ Joe Cunningham nói trên Wall Street Journal.

TÚC