Trung Quốc 'mượn' phim Hollywood để dọa Mỹ?

Lực lượng Không quân Trung Quốc mới đây đăng tải một đoạn video ngắn, trong đó có cảnh các máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân H-6 tấn công giả định vào một nơi trông giống Căn cứ Không quân Andersen của Mỹ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương.

Đoạn video được đăng trên tài khoản Weibo của Lực lượng Không quân Quân Giải phóng Nhân dân ngày 19/9, ngày thứ hai Trung Quốc có cuộc diễn tập ở gần Đài Loan. Theo Reuters, động thái này nhằm bày tỏ sự tức giận đối với chuyến thăm của một quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao Mỹ tới Đài Bắc.

Video nói trên dài 2 phút 15 giây, được trình bày như một đoạn quảng cáo phim Hollywood, với phần nhạc nền trang nghiêm, gây xúc động. Trong phim có cảnh các máy bay ném bom H-6 cất cánh từ một căn cứ ở sa mạc.

Video này được đặt tên là “Thần chiến tranh H-6K tấn công”. Bay được nửa đường, một viên phi công nhấn nút thả tên lửa xuống đường băng cạnh biển, không được xác định cụ thể là nơi nào. Quả tên lửa rơi xuống đường băng, và hình ảnh vệ tinh cho thấy nơi này có thiết kế rất giống với Căn cứ Andersen.

Guam là nơi đặt các cơ sở quân sự lớn của Mỹ, trong đó có một căn cứ không quân, nơi sẽ đóng vai trò then chốt trong việc ứng phó với bất kỳ cuộc xung đột nào ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Âm nhạc đột ngột dừng khi các hình ảnh hiện lên với cảnh mặt đất rung chuyển rồi tới cảnh vụ nổ, cảnh quay từ trên cao xuống.

“Chúng tôi là những người bảo vệ an ninh cho bầu trời đất mẹ; chúng tôi có niềm tin và có khả năng bảo vệ an ninh cho bầu trời quê hương”, không lực Trung Quốc bình luận trong một đoạn miêu tả ngắn về video.

Theo Reuters, cả Bộ Quốc phòng Trung Quốc lẫn Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ đều chưa bình luận gì về video này. Collin Koh - nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chiến lược và quốc phòng Singapore - cho rằng video nói trên “nhằm cảnh báo Mỹ rằng ngay cả ở những vị trí tưởng chừng an toàn và ở phía sau như Guam cũng có thể bị đe dọa khi cuộc xung đột liên quan tới các điểm nóng trong khu vực như Đài Loan hoặc Biển Đông bùng nổ”.

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hong Kong dẫn nguồn tin từ một số nhà quan sát cho rằng một số cảnh trong video nói trên trông giống như được lấy trực tiếp từ bộ phim giành giải Oscar năm 2008 mang tên The Hurt Locker và bộ phim hành động năm 1996 mang tên The Rock.

Báo này cũng dẫn nguồn tin thân cận với quân đội Trung Quốc xác nhận việc "mượn" hình ảnh. Nguồn tin giấu tên này nói với Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng rằng việc cơ quan tuyên truyền của quân đội Trung Quốc "mượn" các cảnh trong phim Hollywood để làm cho sản phẩm của mình hoành tráng hơn là điều khá phổ biến. Tuy nhiên, việc “mượn” cảnh phim Mỹ này khó có thể khiến quân đội Trung Quốc phải đối diện với các vấn đề về vi phạm bản quyền khi “chỉ dùng vài giây” và “không nhằm mục đích thương mại”.

Theo một nhà bình luận quân sự từ Hong Kong, người dân Trung Quốc không quan tâm tới việc trong video có chuyện "mượn" cảnh phim Hollywood hay không mà họ để ý nhiều hơn tới thông điệp tuyên truyền đưa ra: đó là quân đội Trung Quốc sẽ không bao giờ để bất kỳ lực lượng nước ngoài nào can thiệp vào vấn đề Đài Loan.

Tờ báo dẫn lời chuyên gia Song Zongping nói: “Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc không chỉ tập trung duy nhất tới Guam. Mỹ có các máy bay ném bom chiến lược triển khai ở một số căn cứ quân sự tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có cả các căn cứ ở Nhật Bản”.

Cảnh tấn công giả định trong video. Ảnh cắt từ video.
Cảnh tấn công giả định trong video. Ảnh cắt từ video.

Ngày 21/9, Bộ Tư lệnh Tác chiến miền Đông Trung Quốc - chịu trách nhiệm về việc tấn công Đài Loan - cũng thực hiện một video tuyên truyền của riêng mình mang tên “Sẽ thế nào nếu chiến tranh nổ ra ngày hôm nay?”, trong đó có cảnh binh lính chạy vào những ngọn đồi rậm rạp cây cối và tên lửa đạn đạo được phóng ra.

“Đất mẹ, tôi thề sẽ chiến đấu vì Người cho tới chết”, những dòng chữ Trung Quốc lớn màu vàng hiện lên vào cuối đoạn video và hình ảnh các vụ nổ lớn ở hậu cảnh màn hình. Máy bay ném bom H-6 đã thực hiện một số chuyến bay quanh và gần Đài Loan, theo thông tin từ không quân Đài Loan, bao gồm cả các chuyến bay hồi tuần trước.

Trong một diễn biến khác, ngày 18/9, Hãng phim Disney (Mỹ) đã trình chiếu trước khán giả Trung Quốc bộ phim Mộc Lan, nói về những anh thư nữ kiệt của Trung Hoa. Trong phim, cô gái giả trai đã thoát khỏi tập tục truyền thống để thay cha bảo vệ đất nước. Cô gái đã trở thành một chiến sĩ dân tộc cực đoan, tuân thủ quyền lực tối thượng của một Hoàng đế, chống lại những chiến binh da rám nắng ở phía Tây (ám chỉ người Hồi giáo) xâm lăng Trung Hoa.

Cốt chuyện của phim rất giống "diễn văn tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc", nhằm biện minh cho chính sách đàn áp người Hồi giáo thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, phía Tây Trung Quốc, phản đối chính quyền Bắc Kinh. Đó là chưa kể đến diễn viên đóng vai ông bố của Mộc Lan rất giống Chủ tịch Tập Cận Bình.

Theo tờ Le Figaro (Pháp), “Nỗ lực của Disney để chiều lòng Bắc Kinh đã biến thành thảm họa”. Bộ phim dựa theo một huyền thọai của Trung Quốc nhưng kịch bản và lời thoại đã được kiểm duyệt với mục đích tuyên truyền, song đã gặp thất bại tại Trung Quốc trong khi trên thế giới ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi tẩy chay.

Từ 10 năm nay, Trung Quốc đã khai thác Hollywood như một công cụ để phát huy "quyền lực mềm", tài trợ và quảng bá những kịch bản được chọn lọc kỹ. Để có thể xâm nhập thị trường 1,3 tỷ người, nhiều hãng phim nước ngoài phải tuân thủ các tiêu chuẩn của Trung Quốc về văn hóa, tập quán và nhất là nội dung chính trị.

Theo tờ Le Figaro, cho đến nay, sự kiểm soát của cơ quan tuyên truyền để sản xuất phim thường xuyên thất bại bởi khó có thể làm một cuốn phim tuyên truyền ăn khách. Loại phim này không những không làm hài lòng khán giả ngoại quốc, mà còn không được yêu thích tại Trung Quốc bởi khán giả trong nước không ưa những màn trình diễn "ngu ngơ sáo rỗng".

Hơn nữa, những hình ảnh Trung Quốc đưa vào phim chỉ nhằm được thông qua khâu kiểm duyệt, hơn là cần cho kịch bản. Phim Mộc Lan cũng như vậy, với sự "đồng lõa" của Disney, chính quyền Trung Quốc đã áp đặt tới cùng, đến mức mà nữ diễn viên chính là Lưu Diệc Phi phải lên tiếng ủng hộ chính sách đàn áp tại Hong Kong và một phần ngoại cảnh được quay gần một trại cải tạo ở Tân Cương.

Trong phần mở đầu, Disney còn cám ơn 8 cơ quan chính quyền Tân Cương trong đó có công an địa phương, lực lượng quản lý các trại cải tạo hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ. Hệ quả là bộ phim bị tẩy chay ở khắp nơi. Ở nước ngoài, từ một năm nay, những lời kêu gọi đã tràn ngập Internet, từ Hong Kong, Đông Nam Á cho đến Mỹ. Nhiều nghị sỹ Mỹ đã viết thư yêu cầu Disney giải thích về mối quan hệ với chính quyền Tân Cương.

Tại Trung Quốc, phim Mộc Lan cũng không thu hút được người xem. Một khán giả sau khi xem phim đã phải thốt lên: "Nếu bạn tôn trọng lịch sử và văn hóa Trung Quốc thì đừng xem. Kho tàng lịch sử của chúng ta bị hư hại. Điều này làm tôi phát ốm". Trong khi đó, chính quyền Bắc Kinh - nơi phê chuẩn bộ phim - gượng gạo giải thích: "Phim thất bại vì thiếu hiểu biết về văn hóa Trung Quốc".

Một nền văn hóa mà chính quyền Trung Quốc tham gia bóp méo, tờ Le Figaro kết luận.

(Nguồn: TTX/Reuters/SCMP)

P.V

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương