“Từ bỏ” - Cuốn sách giúp bạn ‘lật ngược’ niềm tin về thành công và thất bại

Có một niềm tin đã ăn sâu vào đa số chúng ta, rằng người thắng cuộc không bao giờ bỏ cuộc và người bỏ cuộc sẽ chẳng đi đến đâu.

Có một niềm tin đã ăn sâu vào đa số chúng ta, rằng người thắng cuộc không bao giờ bỏ cuộc và người bỏ cuộc sẽ chẳng đi đến đâu. Và chúng ta đang trả giá cho niềm tin đó, khi cân nhắc từ bỏ một công việc tồi tệ hay rời bỏ một mối quan hệ độc hại, ta đều có xu hướng mắc kẹt quá lâu trên một lộ trình chẳng còn phù hợp.

Cuốn sách “Từ bỏ” (tựa gốc: Quit) của Tiến sĩ về Tâm lý học Nhận thức Annie Duke sẽ giúp bạn “lật ngược” những niềm tin phổ biến về thành công và thất bại. Annie Duke cho rằng, sự kiên trì cũng tồn tại những mặt trái. Nó có thể thôi thúc bạn quyết chí theo đuổi một mục tiêu khó khăn và xứng đáng, nhưng cũng chính nó khiến bạn tiếp tục con đường khó khăn vốn không còn đáng theo đuổi nữa.

“Từ bỏ” - Cuốn sách giúp bạn ‘lật ngược’ niềm tin về thành công và thất bại

Võ sĩ quyền anh Muhammad Ali là một minh chứng rõ ràng cho việc này. Vào năm 1974, khi quay trở lại sàn đấu, ông được nhiều người nhận định là khó có khả năng chiến thắng một đối thủ trẻ trung, vạm vỡ và “bất bại” trong giới quyền anh thời điểm đó. Nhưng với sự kiên trì và quyết tâm, Ali đã giành chiến thắng và lần nữa khẳng định danh hiệu võ sĩ “vĩ đại nhất mọi thời đại”. Nếu câu chuyện chỉ dừng tại đây, Ali hẳn là ví dụ tuyệt vời cho sức mạnh của sự kiên trì. Nhưng mọi thứ không dừng tại đó.

Sự kiên trì đã giúp Ali chiến thắng và chính nó cũng đã giữ Ali trên sàn đấu suốt bảy năm sau đó, bất chấp mọi lời khuyên can và dấu hiệu cảnh báo rằng sức khỏe của ông đang đi xuống. Vì điều này, ông đã phải trả giá đắt ở cuối sự nghiệp với nhiều trận thua liên tiếp, mắc hội chứng Parkinson và giảm sút về thể chất lẫn tinh thần.

Dựa trên những nghiên cứu khoa học về quyết định từ bỏ, Annie đã chỉ ra rằng chúng ta đều có khuynh hướng cân đo rất kém giữa lựa chọn kiên trì và từ bỏ. Cụ thể, khi đối mặt với tình huống xấu, ta có xu hướng kiên trì quá lâu, nhưng khi có được trạng thái tốt đẹp thì ta lại từ bỏ quá sớm. Từ bỏ, theo định nghĩa của Annie Duke, không có nghĩa là buông xuôi, đầu hàng mà là kỹ năng tư duy biết buông đúng lúc, bỏ đúng việc nhằm gia tăng sự lựa chọn, giảm thiểu rủi ro và rút ngắn thời gian đạt được thành công.

Có vô số cuốn sách khuyên chúng ta phải kiên trì theo đuổi mục tiêu nhưng hiếm có cuốn sách nào dành thời gian để thảo luận về việc bạn nên từ bỏ để thành công. Và Annie Duke đã làm điều đó. Xuyên suốt mười một chương sách, tác giả sẽ giúp bạn có cái nhìn khác đi về quyết định từ bỏ và hiểu được nên từ bỏ cái gì, từ bỏ khi nào để cải thiện kỹ năng ra quyết định của mình.

Trong “Từ bỏ”, tác giả tập trung vào giải pháp và đề ra những chiến lược nhằm giúp bạn cải thiện khả năng ra quyết định của mình. Bạn sẽ biết cách tư duy theo giá trị kỳ vọng để xác định xem liệu con đường mình đang đi có đáng để duy trì hay không, biết lập bộ tiêu chí khai tử để phòng tránh việc đưa ra những quyết định tồi tệ, đồng thời biết cách lên kế hoạch dự phòng để đa dạng hóa cơ hội của bản thân.

“Từ bỏ” - Cuốn sách giúp bạn ‘lật ngược’ niềm tin về thành công và thất bại

Một điểm cộng khác của sách là Annie đã chia nhỏ các khái niệm tâm lý học và kinh tế học phức tạp thành những phân tích gãy gọn và dễ hiểu. Cô cũng đưa ra nhiều dẫn chứng và câu chuyện từ những người nổi tiếng mà qua đó bạn sẽ được chứng kiến những thăng trầm, thành bại, đến từ quyết định tiếp tục hay từ bỏ của các nhân vật.

Với những phân tích sâu sắc, chặt chẽ và dẫn chứng cụ thể, Annie Duke sẽ giúp bạn học cách mở khóa thành công theo một cách hoàn toàn mới mẻ. Cho dù bạn đang phải đối mặt với một quyết định kinh doanh hay một lựa chọn cá nhân quan trọng, việc nắm vững kỹ năng từ bỏ sẽ giúp bạn có những bước tiến vững chắc trên hành trình của mình./.

DUNG TRẦN

'Hội chứng con vịt' - khi những người trẻ vùng vẫy dưới lớp vỏ ngoài thong dong, hoàn hảo

"Hội chứng con vịt" - khi những người trẻ vùng vẫy dưới lớp vỏ ngoài thong dong, hoàn hảo

Hội chứng con vịt (hội chứng con vịt Stanford) xảy ra khi ta cố gắng tạo ra hình ảnh hoàn hảo dù bản thân đang phải vật lộn với cuộc sống.