Những ngày gần đây, bộ phim Hàn Quốc "Exhuma: Quật Mộ Trùng Ma" đang là bộ phim hot nhất phòng vé ở xứ kim chi và cả ở Việt Nam. Với đề tài khai thác chất liệu pháp sư trong thể loại kinh dị, huyền bí không còn mới mẻ nhưng bộ phim vẫn tạo được ấn tượng nhờ kịch bản, những yếu tố ẩn dụ hấp dẫn xoay quanh chuyện khai quật mộ phần.
Bộ phim kể về câu chuyện của 4 nhân vật chính trong đó có thầy phong thủy Kim Sang Deok (Choi Min Sik), người hộ tang Yeong Geun (Yoo Hae Jin) và 2 pháp sư trừ tà Hwa Rim (Kim Go Eun), Yoon Bong Gil (Lee Do Hyun).
Một cảnh thực hiện nghi lễ do Kim Go Eun đóng trong phim "Exhuma: Quật Mộ Trùng Ma". |
Họ nhận nhiệm vụ di dời ngôi mộ của một gia đình Hàn Quốc giàu có sống ở Mỹ. Họ đã bắt đầu hành trình trên một ngọn núi hoang vu, hẻo lánh, rồi vô tình giải phóng thế lực tà ác bên dưới ngôi mộ. Những rắc rối và hành trình tháo gỡ cũng từ đó diễn ra.
Nhân bộ phim này, khán giả Việt Nam được biết đến nhiều hơn về khái niệm đạo Shaman của Hàn Quốc và cả nghề pháp sư ở xứ sở kim chi.
Vậy bạn biết được những gì về thứ nghề đặc biệt này?
Theo trang Asian Traditional Theatre and Dance, khái niệm pháp sư Hàn Quốc (đạo Shaman) bao gồm các nghi lễ tôn giáo - ma thuật, cả nghi lễ chung cho một nhóm cộng đồng dân cư và riêng tư từng gia đình, cá nhân.
Trong những nghi lễ này, trọng tâm là trải nghiệm cá nhân (mudang) của pháp sư cũng như khả năng của pháp sư trong việc liên lạc với thế giới linh hồn, nơi sinh sống của nhiều vị thần khác nhau.
Với lịch sử trải dài khoảng 5.000 năm, pháp sư được xem là hệ thống tín ngưỡng lâu đời nhất ở Hàn Quốc. Người Hàn Quốc đồng ý rằng truyền thống pháp sư của họ bắt nguồn từ Trung Á và được kết nối với Vành đai pháp sư phía Bắc, nối Hàn Quốc với Trung Á, Siberia và phía bắc Scandinavia.
Ảnh minh họa. |
Mặc dù trong một số thời kỳ nhất định, pháp sư được coi là một dạng văn hóa dân gian "thấp kém, cổ hủ", nhưng nó chưa bao giờ biến mất hoàn toàn ở Hàn Quốc.
Sau khi đánh giá lại bản sắc văn hóa Hàn Quốc vào giữa thế kỷ 20, người ta thống nhất rằng đạo Shaman chính là yếu tố đã hình thành nên bản sắc đầu tiên của văn hóa Hàn Quốc.
Ngày nay các nghi lễ pháp sư vẫn là một phần của cuộc sống hàng ngày, cả trong môi trường nông nghiệp và đô thị, ở mọi vùng miền của Hàn Quốc.
Ví dụ, các công trình xây dựng tòa nhà chọc trời hiện đại đều được khánh thành với các nghi lễ do pháp sư thực hiện. Trong khi đó, một số truyền thống âm nhạc và khiêu vũ "cổ điển" cũng bộc lộ rõ ràng nguồn gốc của chúng là từ đạo pháp sư. Hơn nữa, nhiều nghệ sĩ dân gian đương đại đều xuất thân từ các gia đình pháp sư lâu đời.
Ảnh minh họa. |
Ai có thể trở thành pháp sư?
Người ta có thể trở thành pháp sư theo 2 cách.
Trường hợp thứ nhất, người đó có thể được sinh ra trong một gia đình pháp sư và do đó trở thành một pháp sư kế truyền. Loại pháp sư "cha truyền con nối" này được gọi là seseupmundang. Hệ thống di truyền là mẫu hệ và do đó một người đàn ông có thể trở thành pháp sư thông qua hôn nhân, tức lấy vợ là pháp sư.
Trường hợp thứ hai, người ta cũng có thể trở thành pháp sư thông qua một trải nghiệm thần bí hoặc cái gọi là "bệnh pháp sư" (sinbyeng), sau đó cần phải làm lễ nhập môn. Kiểu pháp sư "được các linh hồn lựa chọn" này được gọi là gangsinmudang.
Họ thường có khả năng đi vào trạng thái thôi miên và sở hữu năng lực thần bí, chẳng hạn có thể nhảy múa trên những con dao sắc nhọn...
Các pháp sư "cha truyền con nối" không tham gia vào những kiểu hành nghề có yếu tố cực đoan, gây nguy hiểm này. Nhiệm vụ chính của họ chỉ đơn giản là thực hiện tươm tất các nghi lễ "Gut" đúng theo cách của một vị pháp sư.
Các gia đình pháp sư thường dạy con cái họ về âm nhạc, khiêu vũ hoặc các loại hình nghệ thuật dân gian khác. Vì vậy, ngày nay nhiều nghệ sĩ có tên tuổi hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật dân gian ở Hàn Quốc thậm chí đều xuất thân từ các gia đình pháp sư.
Trong các truyền thuyết của Shaman giáo thường đề cập đến các khái niệm "thần bảo hộ" và "vạn vật đều có linh hồn".
Theo thống kê từ các học giả Hàn Quốc, có hơn 10.000 vị thần bảo hộ pháp sư Shaman. Các bộ phim truyền hình Hàn Quốc cũng thường xuất hiện các pháp sư Shaman. Bộ phim được giới trẻ yêu thích gần đây "Mặt trăng ôm Mặt trời" có nhắc đến tình yêu tuyệt vời giữa một vị vua và một nàng pháp sư Shaman.
Ảnh minh họa. |
Theo nhật báo Hàn Quốc Hankyoreh, Hàn Quốc có ít nhất khoảng 300.000 đến 800.000 pháp sư. Dân số hiện tại của Hàn Quốc khoảng hơn 50 triệu người, cứ 100 người sẽ có 1 người là pháp sư Shaman. Vì vậy, với 50,2% dân số Hàn Quốc là phụ nữ, cứ 50 phụ nữ sẽ có 1 người là nữ pháp sư Shaman.
Thu nhập hàng năm của các pháp sư Shaman và các ngành nghề liên quan lên đến 3,8 tỷ won (72 tỷ VNĐ).
Nghi lễ pháp sư diễn ra như thế nào?
Điều cốt lõi của đạo Shaman Hàn Quốc là nghi lễ "Gut". Đó có thể là một buổi lễ riêng tư, cá nhân, chẳng hạn như nhằm mục đích chữa khỏi bệnh, cầu sức khỏe, trường thọ hoặc mở đường sang thế giới bên kia.
Lễ "Gut" cũng có thể là một buổi lễ hoành tráng, diễn ra chung. Ví dụ, một ngôi làng tổ chức nghi lễ nhằm mục đích cầu cho mùa màng bội thu, may mắn cho ngư dân hoặc đẩy lùi bệnh dịch. Các phần nghi lễ được kết hợp với các tiết mục nhảy múa và âm nhạc mang tính giải trí nhiều hơn.
Về nguyên tắc, một nghi lễ pháp sư của Hàn Quốc được chia thành 12 phần. Hầu hết các nghi lễ ít nhiều đều có chung cấu trúc và chức năng. Tuy nhiên, ở mỗi vùng miền, địa phương lại có những điểm riêng tùy theo văn hóa từng nơi.
Mục đích cụ thể và các thể loại "Gut" cũng rất đa dạng. Khi một thầy cúng phụ trách một sự kiện mang tầm quốc gia, Nara-gut sẽ được thực hiện. Nhân vật Nokyoung, thầy cúng xuất hiện trong bộ phim truyền hình "Mặt trăng ôm mặt trời" đã thực hiện loại nghi lễ Nara-gut này.
Còn nghi lễ "Gut" được thực hiện để cầu cho sự thịnh vượng của một gia đình hoặc doanh nghiệp được gọi là Cheonshin-gut.
Ngoài ra, còn có nhiều nghi thức khác nhau như Jinhon-gut cầu nguyện cho sự an lành của người chết. Seongju-gut để cầu may mắn cho gia đình và Byeong-gut cầu sức khỏe cho người bệnh.
Nguồn: Taideyliopisto
Tình cảnh sau 25 ngày khủng hoảng y tế tại Hàn Quốc: Nhiều bệnh nhân chấp nhận "án tử", người thân bất lực trước hiện thực đau lòng
Nhiều người cho rằng việc bác sĩ rời bệnh viện giống như một "bản án tử hình" với các bệnh nhân.