Tựa game Việt về bi kịch gia đình gây sốt cộng đồng mạng quốc tế: Dẫu thế nào, đừng để con bạn lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình

Thông qua cốt chuyện có phần đen tối dưới góc nhìn của một cậu bé, game truyền tải thông điệp về tầm quan trọng của tình cảm gia đình. Các game thủ quốc tế đánh giá rất cao tựa game này, thậm chí gọi nó là một kiệt tác.

Bad Parenting 1: Mr. Red Face (tạm dịch: Ba mẹ tồi: Ông Mặt Đỏ), tựa game indie do Studio 22 - một nhà phát triển đến từ Việt Nam sản xuất hiện đang nhận nhiều chú ý trong cộng đồng game thủ quốc tế. Game được đánh giá 97% tích cực trên nền tảng Steam cùng nhiều bình luận khen ngợi. 

Đáng nói, cốt truyện game truyền tải một bị kịch gia đình, khi bố mẹ vì những vấn đề khác nhau của riêng mình mà bỏ bê con cái, dẫn đến một cái kết đau lòng. Câu chuyện game dưới góc nhìn của cậu con trai tên Ron vì thế chạm đến trái tim của nhiều game thủ.

Poster game Bad Parenting 1: Mr. Red Face
Poster game Bad Parenting 1: Mr. Red Face

Điều gì đã xảy ra trong Bad Parenting: Mr. Red Face?

Ron, nhân vật chính trong game, đứa con trai trong gia đình 3 người. Game mở đầu với ngày sinh nhật của Ron. Nhưng trái ngược với sự hào hứng của cậu bé, bố mẹ cậu lại không hề nhớ ngày sinh nhật của con mình. Mẹ cậu, một phụ nữ lam lũ điển hình, sau một ngày dài làm việc, trở về nhà lúc tối muộn, lảng tránh câu hỏi về quà sinh nhật của con trai bằng cách kể cho cậu... một câu chuyện kinh dị. 

Gia đình Ron
Gia đình Ron

Ông Mặt Đỏ (Mr. Red Face) trong câu chuyện của bà, sẽ xuất hiện vào lúc nửa đêm để tặng quà cho những đứa trẻ ngoan, và nếu Ron muốn nhận quà, hãy đi ngủ sớm. Cậu bé ngoan ngoãn nghe lời. Trước khi về phòng, bố Ron xuất hiện và quát cậu bé vì lèo nhèo. 

Đêm hôm đó, ông Mặt Đỏ - một người đàn ông với khuôn mặt đỏ gay xuất hiện trong phòng của Ron. Ông ta thực sự đã tặng quà cho cậu bé và biến mất trước tủ quần áo. Ron vui mừng mở hộp quà, bên trong là một con búp bê rất giống cậu với phần cổ lỏng lẻo, vẹo sang một bên. Dẫu vậy, được nhận quà là đủ để khiến cậu bé vui vẻ. 

Nhưng, ông Mặt Đỏ không phải là một người tốt. Những diễn biến tiếp theo trong game là hành trình của Ron cùng chú búp bê của mình lần lượt giải cứu bố và mẹ bị ông Mặt Đỏ bắt đi. Các bí mật của câu chuyện thực sự xảy ra trong game lần lượt được hé mở trong hành trình của cậu bé. Cuối cùng, nó dẫn người chơi đến một cú twist (bước ngoặt nội dung), phơi bày toàn bộ bị kịch gia đình Ron.

Một sáng nọ, mẹ Ron quyết định nghỉ làm một buổi để dành thời gian ở nhà với con. Nhưng bà không thấy cậu bé đâu. Sau một hồi loanh quanh tìm kiếm, bà vào phòng Ron, mở cửa tủ và phát hiện sự thật kinh hoàng. Con bà đã chết, thi thể cậu bé nằm trong tủ quần áo. Sự việc sau đó được trình báo công an. 

Hình tượng Mr. Red Face - ông Mặt Đỏ trong game
Hình tượng Mr. Red Face - ông Mặt Đỏ trong game

Hóa ra, ông Mặt Đỏ chính là bố Ron, một người đàn ông nát rượu. Và câu chuyện kể từ đầu game được diễn tả dưới góc nhìn của linh hồn cậu bé ngây thơ. Sau cuộc cãi vã với vợ, bố cậu bé lại tiếp tục nốc rượu tới say xỉn, mặt đỏ phừng phừng. Tiếp đó, trong cơn ảo giác khi không còn là chính mình, gã đã sát hại Ron và giấu thi thể cậu trong tủ quần áo trước khi bỏ trốn. 

Cuối game, nhà phát triển đưa chúng ta tới với hình ảnh linh hồn Ron trong thế giới đằng sau cánh tủ quần áo, nơi có rất nhiều cô bé, cậu bé khác mà cậu từng gặp trong hành trình giải cứu bố mẹ trước đó. Giờ đây, Ron nhìn chúng với ánh mắt của sự đồng cảm, và người chơi hiểu được rằng, tất cả đều là nạn nhân của những bi kịch gia đình. Game kết thúc và để lại sự khắc khoải lớn trong lòng người chơi. 

Những đứa trẻ tội nghiệp - nạn nhân của bạo lực gia đình ở thế giới sau cánh tủ trong Bad Parenting: Mr. Red Face
Những đứa trẻ tội nghiệp - nạn nhân của bạo lực gia đình ở thế giới sau cánh tủ trong Bad Parenting: Mr. Red Face

Hơn cả một tựa game kinh dị, Bad Parenting: Mr. Red Face là một áng văn buồn khó quên, nhắc nhở chúng ta về giá trị của 2 tiếng gia đình

Nhìn lại câu chuyện về gia đình Ron trong game, chúng ta có thể thấy rất quen thuộc như đã từng gặp đâu đó trong cuộc sống ngoài kia. Một gia đình nghèo, người vợ vất vả đi làm từ sáng tới khuya để trang trải, trong khi chồng là một tên bợm nhậu không làm gì ngoài việc tạo ra ác mộng cho vợ con. Cả 2 đều không có thời gian dành cho con, khi cứ mãi vật lộn với mớ bòng bong của chính bản thân mình. Để rồi bi kịch xảy đến, không còn gia đình nào cho họ nữa.

Trong game, dù có một người bố tệ hại, nhưng Ron chưa bao giờ ghét bố. Cậu bé luôn tìm lý do để lý giải cho hành động của bố, cho rằng bố cũng có những nỗi khổ của mình. Con búp bê dường như đại diện cho một phần trong Ron - phần biết bố cậu tệ thế nào nhưng cậu chưa bao giờ muốn tin vào nó. Nhưng với sự vô tâm đến cùng cực của người lớn, cuối cùng, bi kịch vẫn xảy đến. Mẹ cậu, dù rất yêu thương Ron nhưng lại không có thời gian dành cho con vì còn phải lo cơm áo gạo tiền. Đến khi bà quyết định thay đổi, thì mọi thứ đã quá muộn. 

Với người viết bài, game để lại 2 chữ: tiếc nuối. Giá như mẹ Ron dành ra chỉ vài phút mỗi sáng trước khi đi làm hay mỗi tối trước khi ngủ để tâm sự nhiều hơn với con. Giá như bố Ron đừng để rượu gặm nhấm nhân cách của ông từng ngày. Giá như gia đình cậu khá giả hơn 1 chút?... Có thể mọi chuyện đã khác. Có thể cảnh cuối game đã là hình ảnh Ron cùng bố mẹ đến công viên chơi cùng các bạn thay vì thế giới sau cánh tủ... 

Ron - cậu bé đáng thương trong Bad Parenting: Mr. Red Face
Ron - cậu bé đáng thương trong Bad Parenting: Mr. Red Face

Dù không được biết đến nhiều ở Việt Nam, nhưng Bad Parenting: Mr. Red Face lại được các game thủ quốc tế đón nhận nồng nhiệt. Tựa game nhận về rất nhiều đánh giá tích cực trên các nền tảng và khiến người ta phải nói nhiều về nó. Nhiều người cho rằng trò chơi nên được phổ biến nhiều hơn, và biết đâu nó có thể nâng cao nhận thức của người lớn về sự quan tâm cần có của họ dành cho con trẻ, đặc biệt là những bậc phụ huynh.

"Tôi đến từ Thổ Nhĩ Kỳ. Hai tuần trước khi trò chơi này phát hành ở đây, một cô bé tên Narin đã mất tích. Cuối cùng, Narin được tìm thấy đã chết, được cho là bị chính những người trong gia đình sát hại. Lúc đầu trò chơi không được biết đến nhiều ở Thổ Nhĩ Kỳ nhưng sau đó nó đã khiến những người chơi rơi lệ. Thật không thể chấp nhận thực tế khi một đứa trẻ phải sợ hãi cha mẹ mình và thậm chí bị họ sát hại. Mỗi lần lướt tới trò chơi này, tôi lại thấy buồn ghê gớm. Tôi khuyên bạn hãy thử chơi và giới thiệu với nhiều người khác, tôi tin nó sẽ giúp nâng cao nhận thức của những người làm cha, làm mẹ", chia sẻ của tài khoản Thunder.

"Trò chơi này là một kiệt tác, nó cuốn hút bạn từ đầu đến cuối. Nó ám chỉ những thông điệp sâu sắc nhưng lại không hề nói thẳng ra mà để bạn tự nghiền ngẫm. Một câu chuyện về gia đình buồn nhưng ngọt ngào theo cách của nó, nó sẽ chậm rãi găm sâu vào tâm hồn bạn", tài khoản Rhetrospec bình luận.

"Trò chơi này, thực sự đã khiến tôi trân trọng cuộc sống của mình hơn. Thực sự đáng tiếc khi không ít bậc cha mẹ đã làm những điều tương tự trong game với con mình. Câu chuyện phản ánh rất đúng tâm lý của đứa trẻ, con búp bê là phần "biết" trong bạn, phần thực tế phũ phàng mà chúng ta đôi khi gạt đi vì tình yêu thuần khiết của một đứa trẻ. Game kể chuyện rất tinh tế, khuyên các bạn hãy thử chơi dù chỉ một lần", tài khoản Vanadium_GD nói.

Đứng sau tựa game giàu cảm xúc này là một nhà phát triển độc lập người Việt tên Studio 2002. Game được phát hành lần đầu trên trang web riêng của tác giả và sau đó được phát hành cả trên Steam, hiện vẫn nhận rất nhiều chú ý từ cộng đồng. Được biết, Studio 2002 là một nhà phát triển khá có tiếng trong cộng đồng game độc lập Việt Nam. Bad Parenting dự kiến được phát triển nhiều phần với nội dung xoay quanh các vấn đề gia đình, mỗi quan hệ giữa cha mẹ và con cái, Mr. Red Face là phần đầu tiên của loạt game này. Game hiện được bán với giá chỉ 30 nghìn đồng, nếu có thời gian bạn hãy tự mình trải nghiệm, cũng như ủng hộ tác giả.

Mỹ Diệu

Loại “bạo lực gia đình” mới âm thầm lan rộng: Trẻ bị tổn thương nặng nề nhưng cha mẹ vẫn hớn hở, tự hào tưởng mình biết dạy con

Loại “bạo lực gia đình” mới âm thầm lan rộng: Trẻ bị tổn thương nặng nề nhưng cha mẹ vẫn hớn hở, tự hào tưởng mình biết dạy con

Các góc cạnh, sắc nhọn của trẻ bị mài nhẵn, trở thành kiểu người không có ý kiến độc lập, lòng tự trọng rất thấp và hèn nhát.