Phạt lao động công ích với người bạo lực gia đình, có thực sự phù hợp và khả thi?

Thường trực Ủy ban Xã hội đề xuất bổ sung điều 33 quy định về biện pháp “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” với hành vi bạo lực gia đình.

Ngày 16.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) sửa đổi.

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết ông băn khoăn về các hành vi được xem là bạo lực gia đình như “ngăn cản thành viên gia đình ra khỏi nhà, gặp người thân, quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh”. Ngoài ra, điều khoản cưỡng ép thành viên gia đình học tập, lao động quá sức cũng gây nhiều tranh cãi. 

“Trên đất nước Việt Nam bây giờ, rất nhiều cha mẹ ngoài việc con đi học ở trường còn có học thêm, hết ở trường lại chạy đến nhà thầy cô học thêm suốt” - ông Cường nói và băn khoăn những hành vi này khi bị tố cáo sẽ xử lý thế nào.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội đề xuất bổ sung chế tài “thực hiện công việc phục vụ cộng đồng” đối với hành vi bạo lực gia đình.

Theo đó, dự thảo luật quy định áp dụng chế tài thực hiện công việc phục vụ cộng đồng đối với người trên 18 tuổi có hành vi bạo lực gia đình đã bị áp dụng biện pháp góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư mà tiếp tục có hành vi bạo lực nhưng chưa tới mức bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các công việc phục vụ cộng đồng bao gồm: trồng, chăm sóc cây xanh ở khu vực công cộng; sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, đường phố, ngõ phố, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc các công trình công cộng khác; các công việc khác liên quan cải thiện môi trường sống và cảnh quan của cộng đồng. Dự thảo luật cũng quy định, chủ tịch UBND xã là người ra quyết định và tổ chức biện pháp thực hiện; thời gian thực hiện công việc phục vụ cộng đồng mỗi lần không quá 24 giờ và không quá 8 giờ mỗi ngày.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng hiện các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi BLGĐ hiệu quả chưa cao. Bởi vậy, việc bổ sung một biện pháp mang tính xã hội, phục vụ lợi ích cộng đồng và theo nhu cầu của cộng đồng là cần thiết. Đây là biện pháp mạnh mẽ có tính răn đe và giáo dục cao trong phòng chống BLGĐ, không trái với các công ước, điều ước quốc tế về lao động cưỡng bức.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá đây là biện pháp mới, cũng là một chế tài có thể áp dụng đối với người có hành vi BLGĐ, có thể hiệu quả hơn so với những biện pháp theo quy định hiện hành.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, biện pháp áp dụng của Tòa án với hành vi cải tạo không giam giữ cũng chỉ quy định không quá 4 giờ/ngày và không quá 5 ngày/tuần; nhưng dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) lại quy định áp dụng biện pháp phục vụ cộng đồng với người có hành vi bạo lực gia đình không quá 8 giờ/một ngày. Ông Huê băn khoăn như vậy liệu có phù hợp và bảo đảm tính khả thi; có tính đến bảo đảm sinh kế cho người bị áp dụng biện pháp này?

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tiếp tục rà soát kỹ, đảm bảo quy định này tương thích với điều ước quốc tế, nhất là Công ước 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Theo Chủ tịch Quốc hội, báo cáo của Ủy ban Xã hội dẫn luật Thi hành án hình sự có hình phạt cải tạo không giam giữ tương tự chế tài nói trên. Tuy nhiên, hình phạt cải tạo không giam giữ là quyết định của tòa, còn ở dự thảo luật là quyết định hành chính của chủ tịch UBND cấp xã.

Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý về tính khả thi của quy định này: “Có trường hợp vi phạm ở cơ sở nhưng là người tổ chức, cơ quan đơn vị, suốt ngày ở trên này thì khó làm được công việc phục vụ cộng đồng. Rồi một ông đi làm 2 ông đi trông thì lấy đâu người mà đi trông. Một tiền gà 3 tiền thóc”, Chủ tịch Quốc cho rằng sẽ khả thi hơn nếu coi chế tài này như một biện pháp bổ sung.

Thanh Mai