![]() |
Sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Ảnh minh họa: ITN |
Dù được xem là xương sống cho sự phát triển lâu dài của đất nước, nhưng các ngành khoa học cơ bản hiện đang đối mặt với tình trạng suy giảm người học đáng báo động. Trong bối cảnh thiếu hụt nhân lực, nếu không có những giải pháp chiến lược và kịp thời, Việt Nam có thể tụt lại phía sau trong cuộc đua nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ.
Tuyển sinh ảm đạm, hồi chuông cảnh báo
Theo dữ liệu từ các cơ sở giáo dục đại học và Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, nhiều ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản đang có kết quả tuyển sinh không mấy khả quan. Năm 2023, các nhóm ngành như nông lâm nghiệp và thủy sản, khoa học tự nhiên, toán và thống kê rơi vào tốp có kết quả tuyển sinh thấp nhất. Sang năm 2024, tình hình vẫn chưa khả quan hơn khi chỉ có khoảng 2% thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành khoa học cơ bản.
Tỷ lệ ít ỏi này phản ánh rõ ràng mức độ quan tâm thấp của giới trẻ đối với lĩnh vực vốn được ví như nền tảng cho mọi thành tựu khoa học - công nghệ. Đây không chỉ là thách thức của ngành giáo dục mà còn là vấn đề cần được nhìn nhận từ góc độ phát triển bền vững quốc gia.
Nguyên nhân vì sao giới trẻ "quay lưng"?
Việc các ngành khoa học cơ bản không còn được ưa chuộng đến từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là cơ hội việc làm sau tốt nghiệp không rộng mở và thiếu tính cạnh tranh so với các ngành kinh tế, công nghệ hay kỹ thuật. Thứ hai là mức thu nhập và chế độ đãi ngộ dành cho đội ngũ làm khoa học, đặc biệt là trong khu vực nghiên cứu, còn thấp, thiếu hấp dẫn.
Không ít học sinh phổ thông và cả phụ huynh vẫn mơ hồ về con đường nghề nghiệp sau khi học xong các ngành như Toán học, Vật lý, Hóa học hay Sinh học. Việc tư vấn, hướng nghiệp còn hạn chế khiến nhiều học sinh không rõ “học xong rồi sẽ làm gì”. Bên cạnh đó, nội dung đào tạo hiện nay được đánh giá là còn nặng lý thuyết, ít gắn với thực tiễn. Trong khi đó, truyền thông lại chưa thực sự chú trọng quảng bá hình ảnh của các nhà khoa học hay những ứng dụng cụ thể của khoa học cơ bản vào đời sống.
Ngoài ra, các ngành khoa học cơ bản còn thiếu sự liên kết với doanh nghiệp và hoạt động thực tiễn. Xã hội vẫn giữ định kiến rằng học ngành này là để trở thành giảng viên hoặc nhà nghiên cứu trong môi trường khép kín. Trong khi đó, thực tế, kiến thức và kỹ năng của ngành khoa học cơ bản có thể áp dụng linh hoạt trong các lĩnh vực như công nghệ, y học, tài chính, môi trường…
Cần thay đổi cách tiếp cận
Để vực dậy sức hút của khoa học cơ bản, trước hết cần thay đổi nhận thức xã hội về vai trò của lĩnh vực này. Khoa học cơ bản không “khô khan” như nhiều người lầm tưởng. Đó chính là nền móng tạo ra các bước tiến vượt bậc trong công nghệ, y tế, năng lượng, trí tuệ nhân tạo…
Do đó, các nhà khoa học, giáo viên và cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh việc lan tỏa những câu chuyện thành công, truyền cảm hứng từ các nhân vật thực tế, đồng thời giới thiệu rõ ràng các ứng dụng thực tiễn của khoa học cơ bản trong đời sống hàng ngày.
Ở góc độ giáo dục, các trường đại học cần đổi mới chương trình đào tạo theo hướng gắn kết lý thuyết với thực hành, lồng ghép các dự án nghiên cứu với bài học thực tiễn. Việc thành lập các câu lạc bộ khoa học, diễn đàn học thuật sẽ tạo điều kiện để sinh viên giao lưu, nuôi dưỡng đam mê khám phá. Ngoài ra, cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để mở rộng cơ hội thực tập, việc làm, khởi nghiệp từ chính những nền tảng khoa học.
Chính sách cần đồng bộ và đột phá
Về chính sách, việc cải thiện chế độ đãi ngộ cho giảng viên, nhà nghiên cứu là yêu cầu cấp thiết. Mức lương, phúc lợi, cơ hội thăng tiến cần xứng đáng với đóng góp của họ. Bên cạnh đó, cần có các quỹ hỗ trợ nghiên cứu khoa học, học bổng khuyến học cho sinh viên giỏi trong lĩnh vực này.
Việc lồng ghép khoa học cơ bản với đổi mới sáng tạo cũng là một hướng đi chiến lược. Khi người học thấy rõ giá trị của tri thức khoa học trong việc giải quyết các vấn đề thực tế, từ công nghệ đến môi trường, họ sẽ chủ động lựa chọn con đường này thay vì bị động “né tránh”.
Không thể có một nền công nghiệp công nghệ cao, không thể có đổi mới sáng tạo mạnh mẽ nếu thiếu đi nền tảng vững chắc từ khoa học cơ bản. Đã đến lúc cần hành động mạnh mẽ và đồng bộ để “giải cứu” lĩnh vực cốt lõi này, không chỉ bằng lời kêu gọi mà bằng chính sách, chiến lược và đầu tư cụ thể.
Khi được nhìn nhận đúng giá trị, khoa học cơ bản sẽ không còn là lựa chọn ít ỏi, mà sẽ trở thành con đường hấp dẫn đối với những người trẻ đam mê khám phá, sáng tạo và khát khao đóng góp cho sự phát triển của đất nước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Ngày 4/4, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, cùng đoàn công tác đến thăm và làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Viện Hàn lâm).