Để giúp các nhà khoa học, doanh nhân và tư vấn tiếp cận các thông tin kết quả nghiên cứu của các nữ khoa học và doanh nhân đổi mới sáng tạo có khả năng ứng dụng cao trong cuộc sống, cũng như các mô hình thương mại hóa công nghệ thành công, chiều 9/5, tại Hải Phòng, Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp (thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam) phối hợp với Chi hội NTT Trường Đại học Hàng Hải và Hội tự động hóa Việt Nam tổ chức Hội thảo chuyên đề “Nữ trí thức với Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và chuyển đổi số”.
Hội thảo có sự tham gia của các lãnh đạo Hội NTT Việt Nam, các nữ khoa học gia, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đông đảo nữ trí thức trường Đại học Hàng Hải.
TS Phạm Thị Mỵ - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nữ trí thức Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Phạm Thị Mỵ - Phó Chủ tịch thường trực Hội NTT Việt Nam nhấn mạnh, hiện nay nữ trí thức Việt Nam đã và đang tham gia rất nhiều công trình khoa học trọng điểm quốc gia, cũng như tham gia các đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ và cấp cơ sở. Việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu ấy để ứng dụng vào sản xuất và thực tiễn là một yêu cầu và nhiệm vụ cấp bách. Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ và Khởi nghiệp (Trung tâm COSTAS) là cánh tay nối dài của Hội Nữ trí thức Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ này.
“Nhân ngày Sở hữu trí tuệ 26/4 và ngày khoa học công nghệ 18/5, Hội Nữ trí thức Việt Nam và trực tiếp là Trung tâm COSTAS kết hợp với Chi hội NTT Trường ĐH Hàng Hải tổ chức Hội thảo này nhằm mục đích giúp cho chị em nữ trí thức có thể thương mại hóa sản phẩm, kết quả nghiên cứu để ứng dụng vào sản xuất để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, cũng như thực hiện tốt mục tiêu chuyển đổi số. Đây chính là con đường đưa giúp các chị có thể hội nhập và đóng góp nhiều hơn nữa cho đời sống và sức khỏe cộng đồng” – TS. Phạm Thị Mỵ phát biểu.
Hội thảo thu hút được sự quan tâm, tham gia của các nữ khoa học gia, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đông đảo nữ trí thức trường Đại học Hàng Hải. |
Chia sẻ về thực trạng nữ trí thức với thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, ThS Lê Thị Khánh Vân – Giám đốc Trung tâm COSTAS nhấn mạnh tỉ lệ nữ khoa học chiếm 47% trong tổng đội ngũ nhân lực nghiên cứu phát triển, nhưng chủ nhiệm đề tài chỉ chiếm 25 – 27%. Đặc biệt, trong hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu còn khó khăn hơn. Nguyên nhân đến từ những khác biệt về mục tiêu của nhà khoa học và doanh nghiệp: Khoa học vì tri thức, khoa học vì khoa học, trong khi các doanh nghiệp lại quan tâm tới lợi nhuận.
ThS Lê Thị Khánh Vân – Giám đốc Trung tâm COSTAS chia sẻ về thực trạng thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học của các nữ trí thức |
“Trước đây, các kết quả nghiên cứu sau khi nghiệm thu được các nhà khoa học chuyển giao cho doanh nghiệp mang tính tự phát. Chủ trì các đề tài nghiên cứu phải tự tìm kiếm nơi áp dụng kết quả nghiên cứu của mình. Đối với các nhà khoa học nữ thực sự các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN) càng khó thương mại hóa hơn rất nhiều so với nam giới do chức năng kép vừa làm mẹ, làm vợ mà vẫn bảo đảm nghiên cứu khoa học. Do vậy, việc hỗ trợ các nhà khoa học nữ, quảng bá, giới thiệu và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu trong thị trường KH&CN, kết nối đầu tư và gắn kết họ với các doanh nghiệp thực sự là rất cần thiết hiện nay” - ThS Lê Thị Khánh Vân, Giám đốc Trung tâm COSTAS cho biết.
Tại Hội thảo, Giám đốc Trung tâm COSTAS cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm, những kết quả trong việc hỗ trợ các nhà khoa học nữ kết nối với doanh nghiệp, thương mại hóa kết quả nghiên cứu thành công.
GS.TS Vũ Thị Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Hóa học công nghiệp, Giám đốc Phòng thí nghiệm lọc hóa dầu chia sẻ kinh nghiệm kết quả ứng dụng sản phẩm phụ gia tại nhà máy xi măng Tân Thắng |
Giới thiệu các sản phẩm từ kết quả nghiên cứu khoa học lọc hóa dầu và công nghệ sinh học, GS.TS Vũ Thị Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Hóa học công nghiệp, Giám đốc Phòng thí nghiệm lọc hóa dầu cũng chia sẻ những khó khăn trong việc quá trình hoạt động của một phòng thí nghiệm trọng điểm tự chủ về tài chính. Từ khi thành lập tới nay, phòng thí nghiệm phải vừa bám sát những nghiên cứu hàn lâm, nghiên cứu cơ bản định hướng, vừa bám sát mục tiêu nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ. Hiện Phòng thí nghiệm có nguồn nhân lực đổi mới sáng tạo ổn định và sở hữu ngân hàng công nghệ sản phẩm độc đáo, với đầy đủ các chứng nhận về sở hữu trí tuệ, sẵn sàng chuyển giao.
Chia sẻ kinh nghiệm về quá trình thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và hình ảnh về chuỗi giá trị sản phẩm, GS.TS Vũ Thị Thu Hà cho biết: “Để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, bất kỳ sáng chế và công nghệ phải đi qua tất cả các khâu từ nghiên cứu tới bán hàng, dịch vụ và phải đi qua một thung lũng chết đó chính là quá trình sản xuất. Để vượt qua được thung lũng chết cần nguồn đầu tư rất lớn. Nhưng nếu không vượt qua được thung lũng chết đó thì suốt đời nhà khoa học chỉ nghiên cứu. Còn doanh nghiệp thì luôn phải đi đặt hàng hoặc nhập công nghệ từ nơi khác về, và phần giá trị gia tăng thì luôn nằm ở các nơi khác trên thế giới”.
GS.TS Vũ Thị Thu Hà đặt câu hỏi mở "Chúng ta chọn ở đâu trong chuỗi giá trị sản phẩm?" |
Với câu hỏi mở “Chúng ta chọn ở đâu trong chuỗi giá trị sản phẩm?”, GS.TS Vũ Thị Thu Hà bày tỏ hy vọng thông qua hoạt động kết nối cung – cầu, nhà khoa học và doanh nghiệp có thể đi suốt được chuỗi giá trị sản phẩm chứ không chỉ đóng khung trong vùng trũng sản xuất, nơi có giá trị gia tăng thấp nhất.
ThS. Nguyễn Thanh Vân, Phó trưởng Bộ môn, Khoa Điện, Điện tử Trường Đại học Hàng Hải trình bày nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống tích hợp thông tin tàu thủy (Conning system) |
PGS.TS Nguyễn Minh Tân, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH công nghệ - kỹ thuật Woltan giới thiệu về công nghệ và thiết bị cô đặc nước quả JEVA |
GS.TS Lê Mai Hương, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam giới thiệu các sản phẩm phòng chống ung thư từ nấm dược liệu |
Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu cũng đã theo dõi, trao đổi, thảo luận về các nghiên cứu: hệ thống tích hợp thông tin tàu thủy (Conning system) do ThS. Nguyễn Thanh Vân, Phó trưởng Bộ môn, Khoa Điện, Điện tử Trường Đại học Hàng Hải trình bày; Công nghệ và thiết bị cô đặc nước quả JEVA của PGS.TS Nguyễn Minh Tân, Giám đốc kỹ thuật Công ty TNHH công nghệ - kỹ thuật Woltan; các sản phẩm phòng chống ung thư từ nấm dược liệu của GS.TS Lê Mai Hương, Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam; Phương pháp phục hồi sụp mí, mắt lác, song thị và săn cơ bằng Đông Y do BS. Phạm Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Công ty CP Đông Dược Sơn Hà trình bày; Giải pháp truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng hàng hóa do ThS Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm doanh nghiệp hội nhập và phát triển trình bày; Giải pháp tối ưu hoạt động gom hàng lẻ (LCL) xuất nhập khẩu bằng đường biển của ThS Phạm Thị Mai Phương, Giảng viên Bộ môn Logistics, Khoa Kinh tế, Trường ĐH Hàng Hải; cũng như câu chuyện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ kết quả nghiên cứu khoa học của ThS. Trần Thị Hương Giang, Phó Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Genatech.
ThS. Trần Thị Hương Giang, Phó Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Genatech chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu Men tiêu hóa Gena cillus |
ThS Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm doanh nghiệp hội nhập và phát triển chia sẻ về giải pháp truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng hàng hóa |
Qua Hội thảo, ThS Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm doanh nghiệp hội nhập và phát triển mong muốn được hỗ trợ, kết nối nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống tích hợp thông tin tàu thủy (Conning system); ứng dụng sản phẩm đất hữu cơ sinh học của GS.TS Vũ Thị Thu Hà trong việc trồng dược liệu và đặt hàng PGS.TS Nguyễn Minh Tân nghiên cứu giải pháp cô đặt, chiết xuất dược liệu.
Các đại biểu tham gia Hội thảo chụp ảnh lưu niệm |
Tập huấn về sở hữu trí tuệ, phương thức thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học
Ngày 25/8, Trung tâm Ứng dụng KHCN và Khởi nghiệp thuộc Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức lớp đào tạo tập huấn về sở hữu trí tuệ