Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang quyết tâm đưa gia vị của Việt Nam vươn ra thế giới

Masan tiếp tục thiết lập xu hướng và duy trì vị trí dẫn đầu thị trường nước sốt, nước chấm và gia vị tại Việt Nam với 30% thị phần nhờ sở hữu các thương hiệu lớn cũng như phát triển sản phẩm mới.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, doanh thu bán lẻ của thị trường nước sốt, nước chấm và gia vị tại Việt Nam tăng 9%, đạt mức 39.900 tỷ đồng trong năm 2023 vừa qua.

Trong giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2028, phân khúc gia vị dự kiến sẽ tăng trưởng với mức CAGR là 11% trên cơ sở giá trị hiện tại và đạt 65.800 tỷ đồng.

Trong danh mục nước mắm, 3 thương hiệu hàng đầu chiếm hơn 70% thị phần là Nam Ngư, Nam Ngư II và Chin-Su đều thuộc về Masan. Bên cạnh đó, nước tương và tương ớt của Masan cũng chiếm lần lượt hơn 60% và 50% trong thị trường sản phẩm tương ứng.

Sau khi thống trị thị trường gia vị trong nước, Masan năm qua đã triển khai chiến lược "Go Global", với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng cho thương hiệu Chin-Su cũng như danh mục sản phẩm của Masan, với mục tiêu mở rộng sự hiện diện của thương hiệu đến các thị trường quốc tế như Hàn Quốc, Úc, châu Âu và Bắc Mỹ.

Masan cho biết, chiến lược "Go Global" đã giúp doanh thu xuất khẩu tăng vọt lên mức 1.005 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm trước và đưa thương hiệu Chin-Su vào top 8 sản phẩm bán chạy nhất trên Amazon.

Những kết quả này mang lại tổng doanh thu xuất khẩu đạt mức CAGR là 31% trong giai đoạn từ 2020 đến 2023.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang quyết tâm đưa gia vị của Việt Nam vươn ra thế giới- Ảnh 1.

Trọn bộ gia vị Chin-su mới dành riêng cho thị trường Nhật Bản đã có mặt trên kệ tại các hệ thống siêu thị lớn ở Tokyo, Kanagawa và Saitama năm 2023. Ảnh: TT

Trước năm 2002, trên thị trường chỉ tồn tại khái niệm nước mắm truyền thống với 2 thành phần chính là cá và muối, được ủ ròng rã hàng năm trời và chế biến theo phương pháp thủ công hoàn toàn.

Tuy nhiên, năm 2002, Unilever khánh thành nhà máy sản xuất và đóng chai Quốc Dương, đặt tại thị trấn Dương Đông, Phú Quốc. Đây là sự kiện đánh dấu sự ra đời của nước mắm công nghiệp.

Đây cũng là nhà máy sản xuất và đóng chai nước mắm có quy mô lớn nhất tại Phú Quốc lúc đó, với công suất lên tới 6 triệu lít/năm, bằng 50% tổng công suất các nhà thùng tại Phú Quốc khi đó gộp lại. Với nhãn hiệu Knorr Phú Quốc, Unilever tham vọng đưa nhãn hiệu nước mắm này phủ khắp đất nước, đồng thời hướng tới xuất khẩu.

Chưa đầy một năm sau, Masan bước vào cuộc đua trên thị trường nước mắm bằng việc xây dựng nhà máy tại Bình Dương, Nghệ An và nhà thùng tại Phú Quốc có sức chứa khoảng 10.000 tấn cá, công suất 8 triệu lít nước mắm cốt/năm. Masan đồng thời thu mua nước mắm cốt của Liên Thành (TP.HCM), Khải Hoàn (Phú Quốc)... để sản xuất nước mắm.

Tới nay, Masan đã vượt qua các đối thủ trên thị trường để dần trở thành sản phẩm "quốc dân" trong các gian bếp Việt và từng bước chinh phục thị trường quốc tế.

TÚC (tổng hợp)