U60 lương hưu 9 triệu/tháng, sau gần 1 năm ở cùng các con, tôi quyết định quay về sống một mình: Vỡ mộng và đau lòng vì từng cảnh ngộ

Không ngờ các con của tôi, dù thành đạt hay không thành đạt thì đều có những nỗi khổ riêng.

3 năm trước, chồng tôi qua đời vì đột quỵ. Thời gian đó tôi vẫn đi làm nên cũng vơi bớt nỗi buồn. Nhưng đầu năm ngoái, tôi 56 tuổi, vừa được nghỉ hưu, lương hưu 9 triệu đủ cho tôi chi tiêu thoải mái nhưng vì sống lủi thủi ở nhà một mình nên rất buồn. 

Chúng tôi có 3 người con, 2 trai 1 gái út, đều đã lập gia đình. 2 người con trai thì ở thành phố, con gái út thì ở quê chồng nhưng chúng đều có nhà riêng. Vì thế tôi quyết định lên nhà các con ở một thời gian, mỗi đứa ba tháng, hy vọng tìm thấy niềm vui và hạnh phúc trong gia đình nhỏ của chúng.

Cuộc hành trình đầu tiên, tôi đến nhà của con trai cả. Con là một người đàn ông thành đạt trong sự nghiệp, nhưng chính thành công ấy lại là gánh nặng. Ngày nào con cũng về nhà lúc tối muộn, nhìn vô cùng mệt mỏi, mặt mày nhăn nhó, tóc bạc còn nhiều hơn cả tôi. Con dâu thì không quan tâm tới chồng, chỉ dồn hết vào việc chăm sóc bọn trẻ. Thế nên tôi thấy cuộc sống của 2 con như thể 2 người bạn chung nhà, thiếu đi sự đồng cảm. Thỉnh thoảng con dâu tâm sự với tôi rằng chồng quá đam mê công việc, bỏ bê nhà cửa vợ con, chưa từng dạy dỗ con điều gì. Bọn trẻ lớn lên, học giỏi ngoan ngoãn cũng là do một tay con dâu rèn vào nếp.

Tôi động viên lại con dâu rằng con trai tôi chú tâm vào công việc như vậy cũng vì muốn kiếm được nhiều tiền để cho vợ con cuộc sống vật chất đầy đủ. Vì có tiền nên con dâu mới không phải lo nghĩ về kinh tế, mới có nhiều thời gian dạy dỗ bọn trẻ, các cháu cũng được học trường tốt, được đầu tư vào các khóa học, trại hè tốt hơn người khác. Đời người được cái này thì mất cái nọ. Con nên thông cảm cho chồng và quan tâm tới chồng hơn.

Sau 3 tháng ở nhà con trai cả, tôi phải rời đi vì cảm thấy mình là người thừa. Sang mùa hạ, tôi quyết định đến ở nhà con gái út trước. Con rể làm bên xây dựng nên đi công trình nửa tháng mới về một lần nên biết tôi đến ở cùng, con rất ủng hộ, cũng gọi điện về nhờ mẹ chăm đỡ các cháu vì các cháu đang nghỉ hè.

Ảnh minh họa. (Nguồn AI)
Ảnh minh họa. (Nguồn AI)

Cuộc sống của con gái tôi ở quê chồng khá ổn. Nhà thông gia ở cách vài trăm mét nên tôi thỉnh thoảng lại sang chơi. Ban ngày con gái đi làm, tôi ở nhà với bọn trẻ. Song các cháu rất nghịch ngợm, sàn sàn tuổi nhau nên thường gây sự, cãi cọ, tranh giành đồ chơi khiến nhà cửa lúc nào cũng ầm ĩ, tôi rất đau đầu. Cả ngày tôi gần như không có một khoảnh khắc yên tĩnh để nghỉ ngơi.

Hết 2 tháng hè, những tưởng sẽ yên ổn hơn khi các cháu đi học trở lại. Nhưng không hề, ban ngày tôi phải ở nhà một mình, đến tối thì tiếng quát mắng khi dạy con học, tiếng cãi cọ, tiếng khóc của các cháu hòa quyện lại với nhau. Chưa đầy 3 tháng tôi đã phải tạm biệt về lại với căn nhà nhỏ của mình để tĩnh dưỡng một thời gian.

Tới lúc thu sang, con trai thứ 2 về đón tôi đến ở cùng. Đây là đứa con luôn quan tâm đến tôi nhất. Vợ chồng con không giàu có hay thành đạt. Thời gian đầu tôi đến, cảm giác các con sống rất giản dị và đầy ắp tình thương, quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Nhưng ở hơn 1 tháng, tôi nhận ra chúng luôn tranh cãi về tiền bạc. Cứ có việc gì cần dùng tới tiền là các con lại cãi cọ. Con dâu chê con trai tôi kém cỏi, con trai tôi thì chê vợ chỉ biết tiêu hoang... Chúng thường cố gắng cãi nhau lúc vắng mặt tôi nhưng tôi biết hết. Nỗi buồn và sự thất vọng cứ thế đong đầy trong tôi, khiến tôi không thể nào cảm thấy thoải mái. Thế nên tôi quyết định không ở nữa.

Mỗi nơi tôi đến đều mang lại những trải nghiệm khác nhau, nhưng đều khiến tôi cảm thấy nặng lòng. Cuối cùng, sau gần một năm sống lần lượt với các con, tôi nhận ra không có nơi nào là hoàn hảo. Mỗi đứa con của tôi đều có những khó khăn và áp lực riêng, tôi không thể giải quyết hết được cho chúng. Có lẽ, tôi chỉ có thể là chỗ dựa tinh thần cho chúng, là bến đỗ tạm thời để chúng nạp lại năng lượng và tìm kiếm hạnh phúc trên con đường riêng. Tôi sẽ tiếp tục sống trong căn nhà của mình, mở cửa chào đón các con và cháu đến thăm mỗi khi chúng muốn, và tận hưởng những ngày tháng yên bình của cuộc đời còn lại.

Ngọc Thương

Lương hưu 7 triệu nhưng bố phải gọi điện vay tôi 2 triệu mừng đám cưới cháu đích tôn, biết việc bố đang làm mà tôi rơi nước mắt

Lương hưu 7 triệu nhưng bố phải gọi điện vay tôi 2 triệu mừng đám cưới cháu đích tôn, biết việc bố đang làm mà tôi rơi nước mắt

Tôi dọa nếu bố không nói, tôi sẽ kể với các anh để mọi người điều tra, thế nên bố mới kể.