Ứng phó bão số 13: Nhiều tỉnh, thành ở miền Trung yêu cầu người dân không ra khỏi nhà

Trước diễn biến phức tạp của bão số 13, ngày 13/11, nhiều tỉnh/thành thuộc khu vực miền Trung yên cầu người dân không ra ngoài đảm bảo an toàn về tính mạng.

Theo đó, chiều 13/11, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các địa phương, đơn vị trong tỉnh triển khai một số nhiệm vụ cấp bách để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân.

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 18h ngày 14/11, cho đến khi có thông báo mới của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng yêu cầu cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước không được ra đường khi có gió lớn (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và trường hợp đặc biệt).

Các chiến sĩ, bộ đội giúp người dân chằng chống mái nhà. Ảnh minh họa
Các chiến sĩ, bộ đội giúp người dân chằng chống mái nhà. Ảnh minh họa

Các địa phương cần rà soát việc neo đậu tàu thuyền tại các cảng cá, âu thuyền, bến neo đậu, các lồng bè nuôi trồng thủy sản; tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu thuyền, các lán trại công trình đang xây dựng kể từ 15h ngày 14/11.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu khẩn trương sơ tán dân ở vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, vùng ven sông suối, vùng ven biển, những vùng trũng thấp, nhà không kiên cố… Theo kế hoạch, các địa phương trong tỉnh sẽ di dời 19.671 hộ dân, với 65.890 khẩu đến nơi an toàn, hoàn thành trước 10h ngày 14/11.

Cũng trong hôm nay, UBND TP. Đà Nẵng đã có công điện gửi sở ngành, đơn vị liên quan và UBND các quận huyện trên địa bàn TP. Đà Nẵng về việc ứng phó bão số 13 , mưa, lũ, lũ quét và sạt lở đất.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 12h ngày 14/11 cho đến khi có thông báo của Ban Chỉ huy. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) nghỉ làm việc trong ngày 14/11 (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).

Tại Hà Tĩnh, nhằm ứng phó với cơn bão số 13, tỉnh Hà Tĩnh vừa ban hành công điện cấm tàu, thuyền ra khơi từ 17h chiều nay 13/11. Chủ tịch UBND tỉnh vừa ban hành công điện yêu cầu các ngành, đơn vị, chủ tịch UBND huyện, thị xã, về việc tập trung ứng phó khẩn cấp phòng chống cơn bão số 13.

Hà Tĩnh ban hành công điện cấm tàu, thuyền ra khơi từ 17h chiều nay 13/11. Ảnh Tiền Phong
Hà Tĩnh ban hành công điện cấm tàu, thuyền ra khơi từ 17h chiều nay 13/11. Ảnh Tiền Phong

Yêu cầu chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các biện pháp bảo vệ nhà cửa, trụ sở, trường học, kho tàng, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, các cột tháp cao, cây xanh,... để hạn chế rủi ro và thiệt hại do bão. Rà soát phương án, chủ động sơ tán người dân ra khỏi các nhà không an toàn, khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển.

Tại Quảng Trị, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị đã lên phương án sơ tán người dân để tránh bão số 13 và tình trạng ngập lụt, sạt lở đất trên địa bàn.

Quảng Trị di dời người dân đến nơi an toàn trước khi  bão số 13 đổ bộ . Ảnh minh họa
Quảng Trị di dời người dân đến nơi an toàn trước khi bão số 13 đổ bộ . Ảnh minh họa

Trong trường hợp bão số 13 chỉ ảnh hưởng, không trực tiếp đổ bộ, tỉnh Quảng Trị sẽ tiến hành di dời hơn 6.300 hộ với gần 18.000 người; trường hợp bão trực tiếp đổ bộ sẽ di dời gần 25.000 hộ với trên 94.000 người dân để đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, tỉnh cũng dự kiến di dời hơn 1.900 hộ với gần 7.800 người ở vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, lũ ống tập trung ở các xã, huyện miền núi. Trước bão số 13, cơ quan chức năng sẽ kiên quyết di dời người dân ở các vùng nguy hiểm đến các địa điểm an toàn. Trong trường hợp cần thiết sẽ tổ chức cưỡng chế để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

Do ảnh hưởng của bão số 13, từ ngày 14 đến 16/11, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi sẽ có mưa lớn với lượng mưa từ 200 – 350mm, có nơi trên 350; khu vực Thanh Hoá, Nghệ An mưa to từ 50 – 100mm. Lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3, có sông trên báo động 3; các sông ở Hà Tĩnh có khả năng lên báo động 1 đến báo động 2.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, mực nước ở các con sông khu vực miền Trung hiện vẫn đang ở mức cao, trong khi đất đã ngấm đủ nước. Do đó, nguy cơ cao sẽ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng thấp,ven sông, các khu đô thị từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi.

(Tổng hợp)

HOÀNG GIA

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương