Vạn lời yêu qua những cánh thư thời chiến

“Thư cho em” có nhiều lá thư được trích dẫn, chắt lọc từ hơn 400 bức thư của vợ chồng tướng Hoàng Đan gửi cho nhau trong thời chiến.

“Thư cho em” do Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn ấn hành, kể lại cuộc tình kéo dài hơn 40 năm của thiếu tướng Hoàng Đan - một trong những chiến tướng nổi bật của Quân đội Nhân dân Việt Nam và vợ ông là bà An Vinh - nữ đại biểu Quốc hội những khóa đầu, thông qua lời kể của Hoàng Nam Tiến - con trai út của hai người, hiện làm việc tại tập đoàn FPT.

“Thư cho em” bắt đầu bằng lời kể của tác giả Hoàng Nam Tiến về sự kiện tướng Hoàng Đan qua đời vào năm 2003. Khi đó, mẹ của Tiến đã quyết liệt yêu cầu anh trực tiếp phải đưa vào quan tài tướng Hoàng Đan toàn bộ thư từ và nhật ký ba mẹ viết cho nhau. “Hình như bà muốn tất cả những gì thuộc về kỷ niệm của hai người sẽ đi theo ông. Tôi chưa hiểu hết lòng mẹ khi ấy. Những tôi nghĩ, những lá thư không chỉ có ý nghĩa với ba mẹ, mà còn là một phần của đại gia đình. Tôi muốn con cháu sau này biết về quá khứ của ông bà, về một giai đoạn quan trọng trong lịch sử của dân tộc mà ông bà thuộc về…” - Hoàng Nam Tiến hồi nhớ.

Một góc triển lãm về cuộc sống và sự nghiệp của Tướng Hoàng Đan và vợ - bà An Vinh. Ảnh: L.Q.V
Một góc triển lãm về cuộc sống và sự nghiệp của Tướng Hoàng Đan và vợ - bà An Vinh. Ảnh: L.Q.V

Cũng ngay khi đó, anh Tiến đã lén giấu lại một hộp tài liệu, trong đó có hơn 400 bức thư của ba mẹ anh gửi cho nhau từ năm 1953. Sau này, chàng út của tướng Đan đã đọc dần những lá thư đó với bao nỗi niềm bồi hồi. Cũng chính “táo tợn” giấu thư của các vị thân sinh khi đó của tác giả, mà bây giờ, “Thư cho em” đã có trên tay bạn đọc, giúp mọi người như được lên chuyến du hành thời gian quay về những năm đạn lửa của thế kỷ 20, khi cả nước đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Thiếu tướng Hoàng Đan sinh năm 1928, tại Nghệ An. Ông Hoàng Đan xuất thân trong một gia đình danh giá, được học hành đầy đủ và còn được học cả tiếng Pháp. Ông sớm tham gia cách mạng và năm 1946, khi mới 18 tuổi, ông đã được kết nạp Đảng và chiến đấu tại quê nhà. Tới năm 1949, ông đã là tiểu đoàn trưởng. Sau này, không chỉ nỗ lực học tập và nghiên cứu nghệ thuật quân sự Đông - Tây, ông Hoàng Đan còn say mê văn học, nghệ thuật, triết học, tâm lý học…

“Thư cho em” ánh lên một tình yêu của cả một thế hệ, một thời kỳ của đất nước
“Thư cho em” ánh lên một tình yêu của cả một thế hệ, một thời kỳ của đất nước

Sau khi hỏi vợ vào mùa xuân 1953, người chiến binh Hoàng Đan tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi miền Bắc hòa bình, ông cưới vợ, nhưng éo le thay: Ông ở Hà Nội, còn bà công tác trên Lạng Sơn; khi bà được về Hà Nội, thì ông lại được cử sang Liên Xô học cao cấp quân sự. Về nước, nhịp quân hành của tướng Hoàng Đan luôn miết mải sải bước cùng các chiến dịch ở miền Nam, rồi tới chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, cùng Quân đoàn 2 tiến vào dinh Độc lập. Sau khi đất nước thống nhất, tướng Hoàng Đan lại ngược lên tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc tới tận năm 1984.

Trong khi đó, bà An Vinh sinh năm 1933, cũng là đồng hương với ông Hoàng Đan. Bởi sớm vướng vào gia cảnh nghèo, nên mới 8 tuổi, bà đã phải đi làm giúp việc, ở ngay trong nhà bà Phượng (chị gái ông Đan) - người mà sau này là một bà mối tích cực vun vén cho ông Đan, bà Vinh nên duyên vợ chồng. Bà An Vinh có khát khao đổi thay số phận mạnh mẽ. Bà từ chối cưới sớm nhằm để tập trung phấn đấu công tác. Khi đã cưới chồng, bà có ý thức sâu sắc việc “phải học bằng chồng”. Vậy nên, ngoài nuôi con, làm việc, bà học hết cấp 2, cấp 3, rồi học lên cao hơn và trở thành một mậu dịch viên xuất sắc, cửa hàng trưởng Bách hóa số 5 đường Nam Bộ, rồi là phó giám đốc Sở Thương nghiệp Hà Nội, được bầu làm đại biểu Quốc hội trong 10 năm.

Tác giả Hoàng Nam Tiến (giữa) chia sẻ cùng bạn đọc những ký ức khó phai về tình yêu của cha mẹ mình. Ảnh: L.Q.V
Tác giả Hoàng Nam Tiến (giữa) chia sẻ cùng bạn đọc những ký ức khó phai về tình yêu của cha mẹ mình. Ảnh: L.Q.V

Trong cuốn “Thư cho em”, bạn đọc có thể thấy rõ một điều: Vì chiến tranh, thời gian bên nhau của hai người (cũng như bao gia đình khác) rất ít ỏi. Trong khi vị tướng chinh chiến khắp các chiến trường ác liệt, người vợ ở nhà chăm lo gia đình, nuôi dạy con cái và phấn đấu vì sự nghiệp. Bao nhớ thương, cặp vợ chồng chỉ biết gửi gắm qua hơn 400 lá thư cho nhau, kéo dài qua bao dấu mốc lịch sử của dân tộc. Những lá thư ấy đã trở thành sợi dây buộc chặt tình yêu của hai người. Vì vậy, người đọc được dịp chậm lại cùng tác giả, đi qua những ngày nỗi nhớ gieo mầm, nảy nở, tình cảm của hai nhân vật được bồi đắp qua những dòng thư tay, theo năm tháng đầy những mong chờ và lãng mạn dịu êm. 

Nhiều bạn trẻ đã tới tham quan triển lãm bên lề buổi giao lưu ra mắt sách “Thư cho em”. Ảnh: L.Q.V
Nhiều bạn trẻ đã tới tham quan triển lãm bên lề buổi giao lưu ra mắt sách “Thư cho em”. Ảnh: L.Q.V

Trong chiến tranh, trước thử thách lớn nhất là đạn bom và cái chết, tình yêu của họ trở nên mãnh liệt, độ lượng và vị tha. Để hỏi cưới được bà An Vinh, vào năm 1953, ông Hoàng Đan đã liều xin rời đơn vị trước chiến dịch Thượng Lào, cả tối đạp xe hơn 50km về quê hỏi vợ, rồi 1 giờ sáng lại quay về đơn vị. Rồi nữa, ông còn đạp xe hơn 1.300 km từ Điện Biên về Nghệ An rồi ngược lên Lạng Sơn hỏi cưới… Khi thành vợ chồng, ông có niềm tin mãnh liệt sẽ “sống sót trở về với em”. Cả một đời binh nghiệp, hơn 30 năm ông Hoàng Đan hầu như không ở nhà, dịp Tết cũng vậy. Bà An Vinh trong suốt thời gian đó đành nén lại nỗi nhớ thương xa cách. Câu chuyện của tướng Hoàng Đan và bà An Vinh thực sự không chỉ là chuyện của một đôi trai gái, một đôi vợ chồng, mà là tình yêu của cả một thế hệ, một thời kỳ của đất nước.

Xin trích một số đoạn thư ông Hoàng Đan gửi vợ:

- “Cái hôn đầu tiên anh đặt lên môi em hôm ấy… có lẽ ngày ấy cũng đánh dấu quan hệ của chúng ta qua một bước mới phải không em? Sau đó 2 hôm anh lên Mậu Lâm và chia tay em đi học. Cái buổi sáng em dậy nấu cơm cho anh ăn và hai chúng ta nói chuyện hứa hẹn với nhau. Chắc em giận anh: “Anh đi làm tròn nhiệm vụ là đủ rồi, em sẽ vĩnh viễn yêu anh mặc dầu có xa cách hay anh có thương tật đi nữa em cũng một lòng yêu anh”. Anh nhớ vậy, mà anh cũng tin như vậy”. (Thư gửi ngày 28.5.1955).

- “Cuộc chiến đấu còn tiếp diễn và còn phải một thời gian nữa và được như anh mong thì tốt, tức là năm nay kết thúc được chiến tranh, năm nay sẽ có một Điện Biên của 1972, Điện Biên đánh Mỹ.

Tháng 5/1954 kết thúc đánh Pháp, anh về cưới em. Nếu năm nay kết thúc chiến tranh, anh về sống bên em thì đúng mười tám năm em nhỉ. Mười tám năm xa nhau để làm nhiệm vụ đánh Mỹ. Xa nhau bao thương nhớ, nhưng nếu thắng lợi thì sự hy sinh đó cũng xứng đáng. 

Anh vẫn khỏe, năm nay chiến đấu liên tục. Khá căng thẳng nhưng anh vẫn chịu đựng được...". (Thư gửi cuối tháng 8.1972).

Quả thực, những câu chuyện nhỏ trong “Thư cho em” mang đến cho người đọc nhiều chiêm nghiệm về tình yêu và đời sống hôn nhân giữa những cặp đôi ở bất kỳ thế hệ nào. Tác giả cho biết, khi đọc những bức thư, ông đã tìm thấy rất nhiều bài học từ tình yêu của ba mẹ. Đó là sự lắng nghe, thấu hiểu, là sự đồng hành sẻ chia, tình yêu là điểm tựa chắp cánh giúp ta hoàn thiện mình và vượt qua gian khó: “Bởi vì đó là tình yêu thật sự, vì vậy nó thể sống cùng thời gian, thử thách. Nó có thể tồn tại ở những thể khác nhau, nhưng nó vẫn là tình yêu. Giá mà tôi được đọc thư ba mẹ sớm hơn thì có lẽ tôi đã tránh được rất nhiều sai lầm và nỗi đau trong cuộc sống…

Tôi viết để lại một kỷ niệm cho mình, cho gia đình, và với cá nhân mình, tôi viết để hiểu thêm về tình yêu. Tôi mong độc giả, nhất là các bạn trẻ, tin rằng tình yêu có thật”.

Với những điều chân tình nói trên, dễ hiểu vì sao, sau nửa tháng ra mắt, “Thư cho em” đã phải tái bản và liên tục “cháy hàng” trên nhiều nền tảng thương mại điện tử. 

LÊ QUANG VINH

Kênh cạn khô, người miền Tây đội nắng trông ngóng từng can nước sạch: “Mọi người từ xa mang nước đến cho, quý lắm!”

Kênh cạn khô, người miền Tây đội nắng trông ngóng từng can nước sạch: “Mọi người từ xa mang nước đến cho, quý lắm!”

Một số địa bàn thuộc tỉnh Bến Tre, Tiền Giang,… đang rơi vào cao điểm hạn mặn...