Ví MoMo hoàn thành vòng gọi vốn thứ 4 từ nhiều quỹ ngoại, ra mắt Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp

Vòng gọi vốn này do Goodwater, một quỹ đầu tư tài chính đến từ Thung lũng Silicon (Mỹ) và Warburg Pincus cùng dẫn dắt.

MoMo đã hoàn thành vòng gọi vốn thứ tư (Series D) từ các nhà đầu tư hàng đầu thế giới, trong đó có các nhà đầu tư mới Goodwater Capital, Kora Management và Macquarie Capital, cùng các nhà đầu tư đang là cổ đông: Warburg Pincus, Affirma Capital và Tybourne Capital Management. Vòng gọi vốn này do Goodwater, một quỹ đầu tư tài chính đến từ Thung lũng Silicon (Mỹ) và Warburg Pincus cùng dẫn dắt. 

Giá trị đầu tư không được MoMo tiết lộ. Tuy nhiên theo thông tin của Bloomberg, con số này lên đến hơn 100 triệu USD. 

Nguồn vốn mới huy động sẽ được sử dụng để xây dựng nền tảng siêu ứng dụng (Super App) mới, nâng cấp hệ sinh thái của MoMo và ra mắt “Quỹ đầu tư Đổi mới Sáng tạo MoMo” (MoMo Innovation Ventures), nhằm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp, thông qua việc kết nối với hệ sinh thái có lượng người dùng rộng lớn MoMo. 

MoMo hiện có 120.000 điểm chấp nhận thanh toán và 30.000 đối tác kinh doanh.
MoMo hiện có 120.000 điểm chấp nhận thanh toán và 30.000 đối tác kinh doanh.

Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó Chủ tịch điều hành, đồng Tổng Giám đốc MoMo, cho rằng khoản đầu tư trong vòng gọi vốn Series D không chỉ thể hiện sự công nhận của các nhà đầu tư đối với MoMo, mà còn thể hiện niềm tin của những nhà đầu tư vào tầm nhìn của ứng dụng, đó là cung cấp cho người dùng Việt Nam khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán di động dễ dàng với chi phí thấp.

"Vốn và nguồn lực của các nhà đầu tư sẽ giúp chúng tôi đẩy nhanh tốc độ phát triển của MoMo, giúp công ty củng cố vị thế số một trên thị trường, cũng như nắm bắt những cơ hội rộng mở trong tương lai”, ông Tường khẳng định.

Ông Jeffrey Perlman, Giám đốc điều hành, Trưởng bộ phận Đông Nam Á của Warburg Pincus, cho rằng MoMo đã khẳng định vị thế là công ty dẫn đầu thị trường về thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam. Với tư cách là cổ đông lớn nhất của MoMo, Warburg Pincus tiếp tục hỗ trợ công ty trong việc thúc đẩy và thay đổi thị trường thanh toán di động tại Việt Nam. 

Warburg Pincus thành lập năm 1966, có trụ sở chính tại New York, là quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới, tập trung cho các doanh nghiệp trong giai đoạn tăng trưởng và đang quản lý các tài sản đầu tư giá trị hơn 56 tỷ USD. Quỹ đã huy đông hơn 86 tỷ USD đầu tư hơn 190 doanh nghiệp tại hơn 40 quốc gia

Còn Goodwater quản lý một số quỹ đầu tư với số vốn tổng cộng hơn 1,1 tỷ USD, chú trọng hợp tác với các doanh nghiệp trong giai đoạn mới thành lập và giai đoạn tăng trưởng.

Goodwater có trụ sở tại Thung lũng Silicon nhưng có các hoạt động đầu tư trên toàn cầu. Ngoài đầu tư vào MoMo, Goodwater còn đầu tư vào nhiều công ty Fintech hàng đầu thế giới như Stash, Monzo, Viva Republica (Toss), Greenlight Financial, Xendit và Kyash... 

Chia sẻ về sự kiện gọi vốn thành công này, ông Phạm Thành Đức, Tổng Giám đốc MoMo, cho rằng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nên đây là lần gọi vốn đầu tiên mà "MoMo không phải đi đâu và cũng không phải tiếp đón ai cả". MoMo đã làm việc từ xa với các nhà đầu tư.

MoMo có tên trong danh sách các công ty khởi nghiệp công nghệ gọi vốn thành công nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với tổng mức đầu tư gần 134 triệu USD. 
MoMo có tên trong danh sách các công ty khởi nghiệp công nghệ gọi vốn thành công nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với tổng mức đầu tư gần 134 triệu USD. 

Theo ông Đức, cách đây 12 tháng, kế hoạch MoMo là đi gọi vốn chính thức theo cách trước đó, có thể sang Mỹ, sang Sing để tìm kiếm các nhà đầu tư theo cách thông thường. Nhưng, đại dịch xảy ra, MoMo buộc phải đưa ra rất nhiều kịch bản, thậm chí không gọi được vốn thì công ty sẽ phải tồn tại ra sao.

"Nhưng cuối cùng, lần gọi vốn này là lần gọi vốn đầu tiên mà MoMo không phải đi đâu cả. Điều này cũng cho thấy cuối cùng niềm tin đã chứng minh rằng, dù các nhà đầu tư ở đâu, họ có không đến đây, không hiện diện tại Việt Nam, họ vẫn quyết định chọn đi cùng 1 sản phẩm đủ tốt để đi lâu dài trên thị trường", ông Đức nói.

 Ông Đức cũng thừa nhận MoMo thực sự cũng không phải dễ dàng để mà thuyết phục các nhà đầu tư, bởi trong quá trình đó cũng có những nhà đầu tư khác đã từ chối. Nhưng cuối cùng, khi sự quan tâm đủ nhiều đến thị trường Việt Nam, mong muốn phát triển ở Việt Nam đã đưa các nhà đầu tư bắt tay với MoMo. Đây cũng là bài học để các doanh nghiệp khởi nghiệp học tập trong quá trình gọi vốn

MoMo là ví điện tử có mặt sớm nhất tại Việt Nam, cũng là ứng dụng Fintech phát triển nhanh nhất và lớn nhất trên thế giới. Sau hơn 10 năm có mặt trên thị trường Việt Nam, hiện có 120.000 điểm chấp nhận thanh toán và 30.000 đối tác kinh doanh của MoMo. Ví điện tử này đang kết nối trực tiếp với 28 ngân hàng trong nước và quốc tế cung cấp dịch vụ cho hơn 90% người có tài khoản ngân hàng.

Mặc dù thị trường đã có những thay đổi đầy thách thức trong năm 2020, MoMo đã đạt được những kết quả kinh doanh ngoạn mục, với lượng khách hàng tăng hơn gấp đôi, đạt 23 triệu, tổng sản lượng giao dịch cũng tăng 3,5 lần, đạt con số 14 tỷ USD.

Tháng 4/2020, CB Insights (công ty cung cấp dịch vụ tổng hợp, phân tích và báo cáo dữ liệu của Mỹ) đã đưa MoMo vào danh sách các công ty khởi nghiệp công nghệ gọi vốn thành công nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với tổng mức đầu tư gần 134 triệu USD. Ngoài các quỹ tham gia vòng Series D, MoMo từng huy động vốn thành công từ Goldman Sachs và Standard Chartered Private Equity (SCPE). 

H.LINH

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương