Việc ‘siêu tàu’ mắc kẹt ở kênh đào Suez có ảnh hưởng đến việc xuất khẩu cà phê của Việt Nam?

Hầu hết cà phê xuất khẩu của Việt Nam, nước sản xuất cà phê robusta nhiều nhất thế giới, vào thị trường châu Âu đều đi qua kênh đào Suez của Ai Cập, do đó việc "siêu tàu" container mắc kẹt ở con kênh này sẽ tác động đến thị trường cà phê thế giới.

Việc “siêu tàu” chở container bị mắc kẹt tại kênh đào Suez, một tuyến hàng hải quan trọng nhất thế giới, không chỉ làm gián đoạn việc vận chuyển dầu thô và khí tự nhiên hóa lỏng mà nó còn ảnh hưởng đến đường đi của cà phê robusta - loại dùng để chế biến cà phê hòa tan.

caferobusta-vietnam.jpg
Việt Nam là nước sản xuất hạt cà phê robusta đứng đầu thế giới.

Châu Âu bị ảnh hưởng nhiều nhất do cà phê nhập khẩu chủ yếu qua kênh đào Suez, nhưng tác động của sự gián đoạn này sẽ ảnh hưởng đến thị trường cà phê toàn cầu.

Con tàu vận chuyển container khổng lồ Ever Given bị kẹt trong tuyến đường thương mại quan trọng nhất thế giới vào hôm 23/3, và điều này đã làm cho số hàng hóa trị giá gần 10 tỷ USD bị mắc kẹt theo.

Việc “giải thoát” cho con tàu 200.000 tấn có thể mất vài ngày hoặc thậm chí vài tuần.

Jan Luhmann, người sáng lập thương hiệu cà phê JL Coffee Consulting, từng là người cung cấp cà phê hàng đầu cho hãng Jacobs Douwe Egberts BV, một trong những nhà sản xất cà phê đóng gói lớn nhất thế giới, cho biết: “Đối với các nhà kinh doanh, họ phải cạnh tranh để cung cấp cho khách hàng của mình ở châu Âu. Việc giải quyết vấn đề này sẽ mất vài ngày nếu may mắn, nhưng ngay cả may mắn thì nó cũng gây ra rất nhiều thiệt hại”.

Khoảng 12% thương mại toàn cầu đi qua kênh đào Suez và tuyến đường thủy này đóng vai trò quan trọng đối với thị trường năng lượng và nông nghiệp, trong đó có cà phê.

Chỉ có hai nhà sản xuất cà phê robusta lớn là Brazil và Bờ Biển Ngà là không sử dụng con đường quan trọng này để tiếp cận thị trường tiêu dùng lớn ở châu Âu.

Các nhà sản xuất cà phê đóng gói ở châu lục này đã phải vật lộn để có được cà phê từ Việt Nam, nhà sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới, do thiếu container vận chuyển.

Khi mà tình trạng thiếu container vận chuyển bắt đầu được cải thiện thì sự tắc nghẽn của con kênh đào lại mang đến một cơn đau đầu khác.

Tất cả các loại hạt cà phê mà châu Âu nhập khẩu từ Đông Phi và châu Á đều đi qua kênh đào Suez.

“Các nhà sản xuất cà phê đóng gói có thể thông cảm cho việc chậm trễ từ hai đến ba tuần hay không? Có lẽ là không.”, Raphaelle Hemmerlin, Trưởng bộ phận hậu cần của thương hiệu cà phê Thụy Sĩ Sucafina SA cho biết.

Hơn nữa, sự gián đoạn sẽ có tác động toàn cầu vì nó giữ lại các container và điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt toàn cầu, điều đã khiến cho hàng tồn kho ở Hoa Kỳ trầm trọng nhất trong vòng 6 năm qua.

Hendriksen, người hiện đang tư vấn cho các nhà xuất khẩu vừa và nhỏ, cho biết thêm” Hậu cần sẽ bị xáo trộn nhiều hơn nếu mất nhiều thời gian hơn để giải quyết vấn đề”.

tau-container-kenh-dao-suez-2-16166457416821152433299-crop-16166459066982048733757.jpg
Việc giải cứu con tàu sẽ mất nhiều thời gian.

Không giống như các nhà sản xuất cà phê rang xay ở Hoa Kỳ, các nhà sản xuất cà phê của châu Âu không thể dễ dàng sử dụng nguồn cung cấp cà phê robusta từ Brazil do hương vị của nó.

Do đó, một số nhà sản xuất ở châu lục này gần đây đã chuyển sang nguồn cung cấp từ Đông Phi để thu hẹp sự thiếu hụt cà phê hạt robusta từ Việt Nam.

“Hàng tồn kho ở châu Âu đang rất khan hiếm và tôi hy vọng vào thị trường giao ngay. Hàng ở Việt Nam khá thoải mái, nhưng giá trị của nó là gì nếu bạn không thể đưa nó đến châu Âu?”, Luhmann cho biết thêm.

Brazil cho đến thời điểm này đã được hưởng lợi từ sự chênh lệch giá gây ra bởi tình trạng khan hiếm container lần đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm ngoái. Nhà sản xuất cà phê robusta số 2 thế giới đã xuất khẩu kỷ lục 4,9 triệu bao cà phê vào năm 2020, tăng 24% so với một năm trước đó, theo Tập đoàn công nghiệp Cecafe.

Tuy nhiên, hầu hết những hạt cà phê đó cuối cùng lại được đưa vào kho dự trữ thay vì giao ngay cho các nhà sản xuất. Đó là bởi vì việc thay thế cà phê Việt Nam bằng cà phê Brazil sẽ làm thay đổi hương vị của sản phẩm. Cà phê hạt Đông Phi là một sự thay thế tốt hơn.

"Liệu các nhà sản xuất có thay đổi công thức rang xay của họ không. Nó không đơn giản như vậy”, Sucafina’s Hemmerlin cho biết.

Các hãng vận chuyển container như AP Moller-Maersk A/S, Hapag-Lloyd AG cho biết họ đang cân nhắc cho tàu đi vòng quanh châu Phi để tránh tắc nghẽn ở Suez.

Trong khi đó hãng vận chuyển Torm A/S của Đan Mạch cho biết khách hàng của họ đã hỏi về chi phí của các lựa chọn để chuyển hướng. Ngay cả khi điều đó xảy ra, nó cũng mất thời gian để sắp xếp cho chuyến đi.

“Nếu việc tắc nghẽn này kéo dài thêm một hoặc hai ngày nữa, điều đó có nghĩa là nguồn cung hạt cà phê sẽ trễ khoảng một tuần, nếu vậy thì sẽ không có nhiều tác động. Ngoài ra, với các vấn đề về vận chuyển hàng hóa mà chúng tôi đã từng thực hiện thì giá vận chuyển hàng hóa sẽ tăng hơn nữa. Đối với tôi, điều đó chỉ gây ra thêm nhiều vấn đề cho toàn bộ chuỗi cung ứng”, Hemmerlin cho biết.

(Tham khảo từ Bloomberg)

THÁI BÌNH