Việt kiều về nước tránh dịch COVID-19: "Mắt tôi cay xè, thương các con quá!"

Về nước và được cách ly, bên cạnh những hành động khiếm nhã, không chịu hợp tác thì vẫn luôn có những người biết "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây".

Giữa bối cảnh của dịch bệnh COVID-19 đang lan rộng, hàng ngàn du khách và người Việt ở nước ngoài đã trở về Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo công tác phòng, chống dịch cũng đã làm việc hết công suất, tạo điều kiện tốt nhất cho những người dân xa xứ trở về.

Sáng 20/3, một bức ảnh chụp cảnh các tình nguyện viên đang tranh thủ ngủ sau những giờ làm việc mệt mỏi ở khu cách ly tập trung  tại ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM (Thủ Đức) được đăng tải. Chỉ vài phút sau, bức ảnh lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.

Ảnh từ trên cao nhìn xuống tại khu cách ly ĐHQG - Ảnh: FB Nguyet Nga Vu Chau.
Ảnh từ trên cao nhìn xuống tại khu cách ly ĐHQG - Ảnh: FB Nguyet Nga Vu Chau.

Qua tìm hiểu, tác giả bức ảnh là từ Facebook có tên Nguyet Nga Vu Chau. Chị là một Việt kiều vừa trở về từ Mỹ vào đêm 19/3. Chị được đưa đến khu cách ly tập trung ở ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM (Thủ Đức) để cách ly 14 ngày theo quy định.

Kèm theo bức ảnh, chị viết những dòng tâm tư đầy xúc động:

"Đã về đến Việt Nam. Tất cả các chuyến bay từ Mỹ về đều được cách ly.

Hiện tại, việc cách ly tại khách sạn hay resort (do khách đóng góp một phần cùng nhà nước) như các báo đài đưa tin - là hoàn toàn chưa áp dụng.

Từ khi ra khỏi máy bay lúc 22:30 đêm 19/3, chỉ hơn 90 phút, chúng tôi đã có mặt trên xe bus để đi về khu cách ly tập trung. Theo tôi đếm, có cả thảy 4-5 xe ca về ký túc xá này. Tất cả các bạn bên Y tế hay Quân đội đều mặc cả bộ áo quần bảo hộ màu xanh nên tôi không thể phân biệt.

Mọi chuyện khá nhanh, trật tự trong sự nhẹ nhàng của các bạn làm công tác. Mỗi phòng 4 người - cho dù giường đôi, được 8 người. Chiếu mới, chăn mới của quân đội.

Tôi không nằm quen và vẫn còn lệch múi giờ, cảm giác là “giường cứng quá” nhưng sáng ra nhìn từ trên cao, cảnh các bạn ấy đã trải chiếu, nằm đất, ngoài trời, không có chăn - đắp bằng chiếu. Mắt tôi cay xè, thương các con quá!

Tôi không có sự định “thời sự” nên đã bỏ mất những khoảnh khắc trước đó! Chỉ có thể nói rằng, bằng chính sự trải nghiệm thực tế, thì các bạn trẻ đã làm việc hết sức, hết lòng với thái độ cực nhã nhặn ở tất cả các khâu".

Một góc gần hơn hình ảnh đầy xúc động - Ảnh: Thanh Vũ.
Một góc gần hơn hình ảnh đầy xúc động - Ảnh: Thanh Vũ.

Bằng hình ảnh chụp lại khoảnh khắc rất thật về các tình nguyện viên khi làm công tác phòng, chống dịch COVID-19 và những tâm sự của chị đã thu hút sự quan tâm, chia sẻ lớn trên mạng xã hội. Nhiều người đã không khỏi xúc động và bày tỏ sự cảm phục về các tình nguyện viên nói riêng trong bức ảnh cũng như đối với đội ngũ y bác sĩ ở Việt Nam đang từng ngày chiến đấu với dịch COVID-19.

Ở một diễn biến khác, anh Thành Trần từ châu Âu về Việt Nam tránh dịch COVID-19 trên một trong các chuyến bay cuối cùng trước khi EU đóng cửa biên giới. Chia sẻ trên mạng, anh rất hạnh phúc vì được trở về: “Cảm ơn Tổ quốc đã giang tay”.

Anh Thành đã gọi chuyến bay của mình là chuyến bay nhân đạo khi chỉ có 18 hành khách trên máy bay 300 chỗ ngồi và hãng vẫn phục vụ chu đáo.

“Sống rồi!”

Anh Thành viết: “Khi máy bay đáp xuống Vân Đồn (Quảng Ninh), mọi người đều thở phào nhẹ nhõm: “Sống rồi!”. Trao đổi với Thanh Niên, anh Thành cho biết anh về đến sân bay Vân Đồn hai ngày trước và chuyến bay có 18 khách thì 17 khách là người Việt. Trước khi xuống máy bay, mọi người đều được khử trùng một lần, vào đến phòng khám khử trùng tiếp và lúc ra khỏi phòng lại thêm một lần nữa.

Sau đó, cả 18 người trên cùng chuyến bay được đưa chung lên một xe để đưa đi cách ly ở một doanh trại tại Bắc Ninh.

Việt kiều trở về nước trước sự phức tạp của dịch bệnh - Ảnh: Báo Thanh Niên.
Việt kiều trở về nước trước sự phức tạp của dịch bệnh - Ảnh: Báo Thanh Niên.

Vì số lượng người về cách ly trong thời điểm đó quá đông, đoàn được thông báo hai sự lựa chọn, nếu cách ly ở doanh trại quân sự thì mọi thứ đều được miễn phí, 3 người ở chung một phòng. Còn nếu cách ly ở khách sạn thì mỗi người được một phòng nhưng tự chi trả mọi chi phí, với điều kiện ai ở phòng nấy, không được ra hành lang.

Anh Thành chọn cách ly ở khách sạn để tiện làm việc. Anh tâm sự: “Suốt chặng đường từ sân bay đến nơi cách ly, tôi mới hiểu được vì sao Việt Nam phát hiện ca đầu tiên từ rất lâu, ngay sau Trung Quốc nhưng đến giờ này số ca nhiễm rất ít. Đó là vì chúng ta dồn hết tâm trí lực vào cuộc chiến này, với tâm thức phòng bệnh hơn chữa bệnh. Trong khi đó, châu Âu thì lại chọn phương cách khác”.

Hãy tuân thủ tuyệt đối những quy định

Đến giờ nghĩ lại, anh Thành vẫn cảm thấy rùng mình trong những ngày dịch COVID-19 vừa bùng phát ở châu Âu vì mọi thứ theo anh đều yên bình, mọi người vẫn vui vẻ, nhưng COVID-19 thì lặng lẽ thâm nhập vào sự vui vẻ, lạc quan ấy của mọi người.

“Thực tế đã đến với Ý, đang men dần qua Tây Ban Nha, rồi sẽ đến Pháp, Anh, Đức…”, anh nhận xét. Theo anh Thành, ý thức về việc đeo khẩu trang chính là một trong những nguyên nhân khiến dịch lan nhanh ở châu Âu. Ban đầu khi vừa có dịch ở Trung Quốc, vài người cũng đeo khẩu trang, nhưng sau đó truyền thông nói khẩu trang không có nhiều tác dụng trong phòng tránh dịch bệnh này, nó chỉ dành cho y bác sĩ.

Cả hành lý và người đều được khử khuẩn nhiều lần trước khi vào khi cách ly - Ảnh: Báo Thanh Niên.
Cả hành lý và người đều được khử khuẩn nhiều lần trước khi vào khi cách ly - Ảnh: Báo Thanh Niên.

Từ đó, xuất hiện làn sóng kỳ thị những người đeo khẩu trang. Nhiều người đã mua khẩu trang nhưng ra đường không dám đeo vì sợ bị xa lánh, bị dòm ngó. Tới khi dịch bùng phát tại châu Âu, người ta lại không tìm ra được khẩu trang vì không có nguồn cung.

Có lần, anh Thành mua được một chiếc khẩu trang với giá 3 euro ở Pháp và chỉ được mua duy nhất một cái. Sau đó, cả khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn anh đều không thể mua được.

Ngày 14/3, anh quyết định phải trở về Việt Nam. Và cảm giác được đất nước dang tay chào đón trở về trong những ngày này là điều hạnh phúc không nói nên lời.

“Từ đáy lòng, xin chân thành cảm ơn Tổ quốc đã dang tay!”, anh xúc động viết trên trang cá nhân. Anh Thành mong muốn mọi người từ châu Âu về Việt Nam cũng như các nước khác về tránh dịch hãy tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu của nhà chức trách, của khu cách ly để bảo đảm sức khỏe của mình và cả cộng đồng.

Câu chuyện người Việt từ châu Âu về nước tránh dịch COVID-19 của anh Thành Trần sống và học tại Pháp, đi về từ Đức được hàng ngàn lượt chia sẻ, yêu thích.

Việt kiều Đài Loan xin lỗi vì lên mạng phỉ báng đồng bào sau khi về nước tránh dịch.

AN LY (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương