Triển lãm “Sofia Yablonska - Hành trình xuyên thế kỷ” đã được khai mạc ở tối 17.4.2024 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, với sự phối hợp của Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam.
Triển lãm được tổ chức nhân kỷ niệm 32 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ukraine, giới thiệu 55 tư liệu, hình ảnh về cuộc sống, phong cảnh và con người Việt Nam trong giai đoạn 1930 - 1940, được thể hiện qua góc nhìn của Sofia Yablonska - nữ nhà văn, nhiếp ảnh gia và quay phim chuyên về đề tài du lịch, kiến trúc sư người Ukraine. Triển lãm “Sofia Yablonska - Hành trình xuyên thế kỷ” sẽ kéo dài tới hết ngày 30.4.2024.
![]() |
Chân dung Sofia Yablonska. |
Sofia Yablonska có tên đầy đủ là Sofia Yablonska-Oudin, sinh ngày 15.5.1907, có gia cảnh khá phong phú. Bà sinh ra tại Vương quốc Anh. Cha của bà là Ivan Yablonski - một linh mục và bác sĩ Công giáo Hy Lạp người Ukraine, còn mẹ của bà cũng xuất thân từ một gia đình linh mục. Gia đình Sofia đến sống ở Nga trong Thế chiến thứ nhất, rồi chuyển về Tây Ukraine vào năm 1921.
Tới năm 1927, bà đến Paris (Pháp) ở tuổi 20, để theo học trường điện ảnh và trở thành một diễn viên. Ban đầu, Sofia nhận được một vai nhỏ trong bộ phim Pathé, đồng thời làm người mẫu. Khi sống ở Pháp, Sofia đã kết bạn với nhiều nhân vật trong giới nghệ thuật Paris. Trong đó có Stepan Levynsky - một người Ukraine di cư, theo chủ nghĩa phương Đông. Levynsky đã thuyết phục Sofia trở thành phóng viên ảnh và đi du lịch khắp thế giới. Sofia đã đặt chân tới Maroc, Ai Cập, Djibouti, Sri Lanka, Canada, Tahiti, Australia, New Zealand, Hoa Kỳ, Việt Nam, Lào, Campuchia, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan. Trong suốt những năm 1930, bà đã đăng những câu chuyện về chuyến du hành của mình trên các tạp chí Galicia.
![]() |
Sofia Yablonska-Oudin và chồng - Jean Oudin. |
Công việc và những chuyến đi của Sofia đã khiến bà trở thành một trong những nhà quay phim tài liệu nữ đầu tiên. Chủ đề thường xuyên trong tác phẩm của bà là những tác động tiêu cực của chủ nghĩa thực dân châu Âu đối với văn hóa địa phương và những khó khăn của chính bà với người Tây Âu, đồng thời là người đi tiên phong trong việc xây dựng mô hình hành vi mới cho phụ nữ, khuyến khích họ ước mơ và hành động. Năm 1929, sau 3 tháng ở Maroc, Sofia đã hoàn thành cuốn “Sự quyến rũ của Maroc”. Khi tới Trung Quốc quay phim, bà đã gặp Đại sứ Pháp Jean Oudin - người mà Sofia kết hôn vào năm 1933.
Gia đình của Sofia trở lại Paris vào năm 1946. Bà nghỉ hưu ở Noirmoutier vào năm 1950 cùng chồng và 3 con (trong đó có Jacques Oudin - một thượng nghị sĩ tương lai của Pháp) và trở thành một kiến trúc sư. Đây cũng là nơi Jean mất vào năm 1955. Còn Sofia Yablonska qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi vào ngày 4.2.1971 khi đang trên đường đến Paris với bản thảo tác phẩm “Hai quả cân, hai thước đo”. Sofia Yablonska-Oudin và Jean Oudin được chôn cất cạnh nhau ở Vernouillet, Yvelines, nhưng rồi được chôn lại ở Noirmoutier vào năm 1973.
![]() |
Ông Oleksandr Gaman - Đại sứ Ukraine tại Việt Nam, bà Nguyễn Thị Tuyết - Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, ông Trương Minh Tiến - Chủ tịch Hiệp hội UNESCO TP.Hà Nội và phu nhân Đại sứ Ukraine cắt băng khai mạc triển lãm “Sofia Yablonska - Hành trình xuyên thế kỷ”. Ảnh: L.Q.V |
Với triển lãm “Sofia Yablonska - Hành trình xuyên thế kỷ”, công chúng như được dịp du hành trở ngược thời gian để tìm hiểu về những khoảnh khắc cuộc sống, phong cảnh và con người Việt Nam trong giai đoạn 1930 - 1940, với những vẻ đẹp xa xưa của vịnh Hạ Long, Hoàng thành Thăng Long, cầu Long Biên, hồ Hoàn Kiếm cùng những khung cảnh, con người của cuộc sống đời thường ở các vùng đô thị, nông thôn, hoặc miền núi.
![]() |
Một góc triển lãm. Ảnh: L.Q.V |
Bên cạnh những bức ảnh lưu dấu xưa cũ, là những dòng cảm xúc của tác giả Sofia Yablonska về cảnh vật và con người Việt Nam, hiện lên rất đỗi quyến rũ, được trích từ cuốn nhật ký “Phương trời xa xôi”: “Một vùng đất lạ! Có quá nhiều vẻ đẹp không thể tiếp cận, bị cấm đoán trong đó”, “Vài ngày sau, tôi rời vùng núi đỏ và đến thăm hai dân tộc Mèo và Mảng. Họ có ngôn ngữ, trang phục khá khác biệt và thú vị so với cư dân vùng đồng bằng… Sống cùng họ, tôi có mọi thứ theo ý mình. Người Mèo mang gạo, cá, thịt thú rừng và rau đến nhà tôi, đến giúp tôi làm việc, mang ngựa đóng yên và chỉ cho tôi đường đi qua những ngọn núi hoang sơ kỳ thú…”.
![]() |
Những thiếu nữ người dân tộc Thái Đen qua góc nhìn của Sofia. |
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, ông Oleksandr Gaman - Đại sứ Ukraine tại Việt Nam - bày tỏ: “Triển lãm này nhằm tôn vinh cuộc đời và sự nghiệp của Sofia Yablonska. Đó cũng là minh chứng cho tình hữu nghị bền chặt giữa Ucraina và Việt Nam. Khi chúng ta kỷ niệm 32 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, thật phù hợp khi chúng ta cùng nhau đánh giá cao và tôn vinh mối quan hệ văn hóa đã gắn bó chúng ta trong hơn ba thập kỷ qua. Những bức ảnh do Sofia chụp mà các bạn xem hôm nay là bằng chứng thuyết phục cho điều này”.
![]() |
Hình ảnh người dân Khơ me (ảnh trái) và thiếu nữ dân tộc Thái Trắng qua góc nhìn của Sofia thực bình dị. |
Đại sứ Oleksandr Gaman cũng cho rằng: “Sofia Yablonska không chỉ là một du khách can đảm dám đi du lịch đến những vùng đất mới, mà còn tự mình đi khắp thế giới khi còn rất trẻ. Tôi phải thừa nhận, làm một blogger du lịch khi đó khá là thử thách. Ngày nay, mọi việc có vẻ dễ dàng hơn nhiều phải không? Những bức ảnh của Sofia giống như những cánh cửa sổ nhìn vào quá khứ, mang đến cái nhìn thoáng về lịch sử, văn hóa và truyền thống.
![]() |
Sofia Yablonska rất ưa thích chụp phong cảnh. |
Sofia đã viết trong những lá thư của mình: “Trong những chuyến đi từ vùng đất này sang vùng đất khác, tôi không bắt gặp thiên đường ở đâu cả, nhưng tôi thoáng nhìn thấy hạnh phúc trần thế, điều mà giờ đây đối với tôi có giá trị hơn những thiên đường tưởng tượng”. Châu Á, đặc biệt là Việt Nam, giữ một vị trí quan trọng trong những chuyến đi, cuộc đời và trái tim của bà. Bà bị thu hút bởi sự bao la và vẻ đẹp của dòng sông Mê Kông, sự huy hoàng và cung điện ở Huế, và cái mà bà trìu mến gọi là “Hà Nội bâng khuâng”.
![]() |
Đề tài biển và miền núi luôn được Sofia chú trọng thể hiện qua những khuôn hình. |
Việt Nam trở thành địa chỉ thường trú của Sofia - nơi bà trở về sau những chuyến du lịch ngắn. Bà thích dành thời gian ở vùng núi phía Bắc Việt Nam, hòa mình vào văn hóa và phong tục địa phương, gợi nhớ về dãy núi Carpathian thân yêu ở quê nhà. Chính tại Việt Nam, Sofia đã sinh con trai thứ hai và xây dựng cuộc sống cùng gia đình trong khung cảnh yên bình của Đà Lạt và Bà Nà.
![]() |
Trong triển lãm còn giới thiệu một số đoạn trích từ cuôn nhật ký "Phương trời xa xôi". |
Công việc bảo tồn di sản mà Sophia để lại vẫn đang được tiến hành. Tư liệu cho cuộc triển lãm được giới thiệu bởi cháu của Sophia, Natalie - người có cha sinh ra ở Việt Nam. Phần lớn kho lưu trữ vẫn chưa được khám phá. Có thể sau khi nghiên cứu hoàn tất, chúng ta có thể khám phá ra những hiện vật thú vị và có giá trị tạo tác. Chưa biết được, có lẽ chúng tôi sẽ có cơ hội giới thiệu đến các bạn một bộ sưu tập trọn vẹn hơn trong tương lai”.
Sắp diễn ra triển lãm Môi trường Trung Quốc năm 2024
Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 18 - 20/4/2024, tại Trung tâm triển lãm quốc tế mới Thượng Hải (Shanghai New International Expo Centre).