Việt Nam, bếp ăn mới của thế giới?

Chuyên gia tin rằng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam không phải là nông sản, mà là thực phẩm chế biến phát triển từ nền sản xuất nông nghiệp mạnh.

Năm 2007, “cha đẻ” của ngành marketing hiện đại Philip Kotler - tại hội thảo “Marketing mới trong thời kỳ mới” do PACE tổ chức ngày 17-8 tại TP Hồ Chí Minh - đã gợi ý “Việt Nam nên trở thành bếp ăn của thế giới”. Vị chuyên gia hàng đầu thế giới tin rằng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam không phải là nông sản, mà là THỰC PHẨM CHẾ BIẾN phát triển từ nền tảng một nền sản xuất nông nghiệp mạnh, sao cho đất Việt Nam, biển Việt Nam thực sự là rừng vàng, biển bạc, mang lại sự thịnh vượng vững bền.

Bữa ăn, kinh tế nông nghiệp và tương lai bền vững của quốc gia dân tộc

Từ tháng 7/2021 đến tháng 5/2022, tại Bảo tàng Nghệ thuật trang trí và thiết kế tọa lạc ở trung tâm thành phố cảng Bordeaux nước Pháp, những người nông dân trồng nho mang đến triển lãm “Thiết kế trang trại và nông nghiệp trên đường đi tới” những chai vang đủ tuổi được trồng và được ủ ngay ở vùng đất nông nghiệp đắt giá nhất thế giới. Nơi đó, mỗi trang trại là một tác phẩm đáng được chiêm ngưỡng trong bảo tàng. Nơi đó, mỗi ha đất trồng tạo ra 647 triệu USD. Nơi đó, chưa từng xuất hiện ý nghĩ nông nghiệp là nghèo và lạc hậu.

Một góc triển lãm
Một góc triển lãm "Farmer designer, agriculture on the move" tại Bảo tàng Nghệ thuật trang trí và thiết kế, Bordeaux, CH Pháp từ 14/7/2021 (ngày Quốc khánh Pháp) đến 8/5/2022 (ngày Chiến thắng).

Trong thực tế, các quốc gia trong top đầu về tổng thu nhập quốc dân của thế giới, bao gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, và đặc biệt là các nước Bắc Âu đều có tổng diện tích đất nông nghiệp chiếm từ gần 50% trở lên. Bởi nông nghiệp – ngay cả khi không mang đến những con số khổng lồ trong tăng trưởng, thì vẫn luôn là trụ đỡ của một nền kinh tế tự chủ và là thước đo mức độ bền vững của nền kinh tế quốc gia.

Trong khi đó, doanh giới nhìn về cơ hội phát triển trong ngành nông nghiệp Việt Nam thì vẫn mang thành kiến: Làm nông sản thì bao giờ mới giàu? Câu trả lời không quá khó để tìm ra, thậm chí đã được hát lên thành bài hò vui trong những dịp gặp gỡ của những người bạn đến từ mọi miền đất nước:

“Ước mơ lớn của người Thanh Hóa

Lá rau má to bằng lá sen...

Ước mơ lớn của người Đắk Lắk

Giá cà phê càng ngày càng lên,

Ước mơ lớn của người Bắc Giang

Vải Lục Ngạn không còn vị chát”

Đằng sau câu hò dân dã tưởng như bông đùa đó là câu chuyện đã từng buồn như vị chát của trái vải thiều khi được mùa rớt giá. Năm 2014, tôi đã chết lặng khi nhìn giá bán quả vải Nam Phi vị chua không hương kém sắc trên sạp hoa quả bốn phương của chợ cổ Borough trung tâm thành phố London. 18 bảng cho 1 kg, tức là gấp 120 lần giá vải thiều thơm ngọt sắc đỏ rực rỡ bán tại vườn năm được mùa thời điểm đó.

Tôi khi đó thương vải thiều Lục Ngạn chỉ có vị ngọt đắm đuối và hương thơm đã trở thành truyền thuyết. Vị chát của vải thiều đến từ nước mắt của những người nông dân sáng sớm chở vải ra thành phố rồi lại chở vải sâu đầu thâm vỏ về quê lúc tối trời. Rất may mắn là gần 10 năm qua cuộc cách mạng thực sự về tiêu chuẩn trồng trọt thu hoạch, về sơ chế, bảo quản, vận chuyển và tiếp thị đã được chính quyền và nhân dân Bắc Giang đồng lòng quyết liệt triển khai, cùng với nỗ lực của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và sự hỗ trợ của những khách hàng mê quả vải đến từ miền Nam, từ Nhật Bản và thế giới.

Kết quả của cuộc cách mạng đó là tháng 5/2021, vải thiều đến Nhật với giá trung bình 1600 yên/kg, thậm chí 12 quả vải thiều đặt trên lớp lót lụa được bán với giá hơn 5.000 yên, tương đương gần 1 triệu đồng. Tính đến tháng 5/2020, hơn 15.290ha đất trồng vải đã cho doanh thu hơn 6.000 tỷ đồng, đạt hiệu suất 16.300 USD/ha, gấp 16 lần hiệu suất trung bình của cả nước và tạo ra 6.600 triệu phú nông dân với thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên mỗi năm. Đã có những tỷ phú nông dân có thu nhập gần 3 tỷ mỗi năm từ vườn vải thiều, macadamia và cà phê.

Vải thiều Lục Ngạn là một điển hình của công thức chất lượng cao – công nghệ cao bảo quản sạch - hình thức đẹp - giá cao mang đến sự thịnh vượng cho cả một vùng cây ăn quả.

Từ xuất khẩu thô trở thành một những quốc gia xuất khẩu thực phẩm chế biến sâu hàng đầu thế giới

Quả vải thiều là một trong số những mặt hàng xuất khẩu Việt Nam đã tìm đường đi chính ngạch để ra thế giới, góp phần tạo nên sự tăng trưởng đáng kể của nông nghiệp Việt Nam trong hai năm đại dịch đầy khó khăn. Cho đến thời điểm này, mặc dù dịch Covid-19 bùng phát khiến ngành nông nghiệp đối mặt với muôn vàn thách thức, nhưng ngay cả trong năm 2021 - năm đỉnh dịch trong nước - tốc độ tăng trưởng của toàn ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đạt 2,74%, đóng góp 23,54% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng năm 2021 đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020. Một số mặt hàng nông sản của Việt Nam đứng đầu thế giới về giá trị xuất khẩu tiêu, điều, tôm, cá tra, cà phê, đồ gỗ nội thất, gạo. 

Việt Nam, bếp ăn mới của thế giới?

Sản lượng cao, nhưng giá xuất khẩu lại rất thấp. Xuất khẩu hạt tiêu xếp thứ nhất thế giới nhưng giá xuất khẩu chỉ đứng thứ tám; hạt điều đứng thứ nhất thế giới nhưng giá đứng thứ sáu, gạo, cà phê đứng trong nhóm thứ hai và thứ ba thế giới nhưng giá xuất khẩu chỉ đứng thứ mười.

Giá trị nông sản thấp nên chỉ số hiệu suất sử dụng đất nông nghiệp Việt Nam cũng thấp. Nghiên cứu công bố trong Diễn đàn Nông nghiệp mùa thu 2019 của Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) chỉ ra năng suất sử dụng đất của nước ta trung bình chỉ khoảng 1.000USD/ha, chỉ bằng 1/2 Philippines, 1/3 của Indonesia và Thái Lan. Với mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là gạo và cà phê, giá trị sử dụng đất đạt 1.575 USD/ha và 4.308 USD/ha mỗi năm. Trong khi mỗi ha đất trồng cà phê của Brazil tạo ra 7.061 USD và mỗi ha đất nông nghiệp nói chung của Nhật Bản tạo ra 10.714 USD/năm.

Giá trị xuất khẩu thấp phần nhiều do Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thô và sơ chế, chiếm đến 60% tổng lượng sản phẩm. Nghĩa là chúng ta mới chỉ là một trong những vựa nông sản của thế giới – và là vựa nông sản giá rẻ, rất rẻ so với chính những quốc gia trong khu vực cùng xuất khẩu một mặt hàng. Chúng ta mới khai thác triệt để đất đai và những sản vật mà thiên nhiên ưu ái ban tặng, chứ chưa bồi đắp và chưa tạo dựng được GIÁ TRỊ THẶNG DƯ từ đất trồng, từ lao động của người nông dân và từ phù sa văn hóa lúa nước hàng triệu năm để lại được.

Trong khi đó, Thái Lan kiên trì và đầu tư bài bản, không mệt mỏi với các sáng kiến để phát huy sức mạnh của ẩm thực Thái trên toàn cầu. Doanh thu từ ngành công nghiệp thực phẩm chiếm hơn 20% GDP của Thái Lan và năm 2021 riêng giá trị xuất khẩu thực phẩm chế biến đã đạt 33 tỷ USD. Trong một thế giới lao đao vì Covid-19 với mối lo về an ninh lương thực, hơn 10.000 công ty chế biến thực phẩm của Thái Lan nổi bật là những nhà cung cấp đáng tin cậy về thực phẩm chế biến an toàn và dồi dào cho hàng tỷ người dân trên Trái đất. Bộ Nông nghiệp Mỹ đánh giá: “Thái Lan là một trong những nhà cung cấp nông sản hàng đầu thế giới, chủ yếu nhờ lĩnh vực chế biến thực phẩm phát triển và được toàn cầu công nhận về tiêu chuẩn và kiểm soát chất lượng”. Ba người giàu nhất Thái Lan với tổng tài sản hơn 67 tỷ đô la Mỹ là những nhà lãnh đạo các tập đoàn thực phẩm và đồ uống.

Trở lại Việt Nam, nếu vẫn tiếp tục coi nông nghiệp là khu vực kinh tế của nhân sự cấp thấp, nếu vẫn tiếp tục kinh doanh ẩm thực theo mô hình kinh tế hộ gia đình là chủ yếu, nếu vẫn tiếp tục xuất siêu số lượng không tỷ lệ thuận với giá trị và chất lượng thì đất nông nghiệp của chúng ta sẽ sớm trở thành khu đô thị, sân golf hay những nhà máy của các tập đoàn quốc tế. Và các thế hệ mai sau sẽ đối diện với nguy cơ nhập khẩu bữa ăn khi mà đất sản xuất bị thu hẹp và ngành công nghiệp vẫn chỉ là gia công thuê cho những thương hiệu toàn cầu.

Việt Nam, bếp ăn mới của thế giới?

Đó chính là lý do để TRÍ TUỆ vào cuộc từ định hướng phát triển, xây dựng mô hình sản xuất, nghiên cứu sản phẩm, thiết kế nhận diện, quảng bá thương hiệu và hình thành một ngành công nghiệp chế biến thực phẩm lớn mạnh. Nền công nghiệp thực phẩm đó lấy sự giàu có của đất đai Việt Nam, sự phong phú của cây, con giống nông nghiệp Việt Nam; sự đa dạng của các miền văn hóa ẩm thực trải dài trên mảnh đất hình chữ S làm nền tảng, và lấy SÁNG TẠO, tiêu chuẩn CHẤT LƯỢNG, tiêu chuẩn THẨM MỸ làm đòn bẩy đưa thực phẩm chế biến Việt Nam cất cánh với giá trị gia tăng cao để Việt Nam trở thành quốc gia nông nghiệp mạnh, giữ vị trí quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu với vai trò là “bếp ăn mới của thế giới”

Trí Việt Phát - Hành trình ra thế giới của nước chấm và gia vị Việt

Câu chuyện của Trí Việt Phát là câu chuyện của những trái ớt bé nhỏ cùng những thảo mộc giản dị đã trở thành mặt hàng thực phẩm được ưa thích nhờ quá trình R&D – nghiên cứu và phát triển sản phẩm trong công nghiệp chế biến thực phẩm – cũng là câu chuyện khởi nghiệp của người phụ nữ bé nhỏ Nguyễn Vân Anh. Sinh năm 1979, chị học giỏi từ nhỏ, là học sinh giỏi Quốc gia môn Hóa và được tuyển thẳng vào Đại học Bách khoa, chị chọn ngành Công nghiệp thực phẩm vì đây là ngành khó ít có cô gái nào lựa chọn.

Khởi nghiệp ở tuổi 33 sau 11 năm làm việc trong nhà máy của các tập đoàn chế biến thực phẩm lớn của Việt Nam và thế giới, chị có 87 triệu đồng làm vốn ban đầu, vừa đủ để thuê một gian xưởng nhỏ và thuê gia công chế tạo máy sản xuất nước sốt, gia vị theo bản vẽ tay của chị. Năm 2012, lúc bắt đầu ấy chị có một mình, vừa làm nhân viên kinh doanh, vừa làm R&D, kiêm kế toán, vừa là công nhân vận hành máy, vừa là người đi gửi mẫu, giới thiệu sản phẩm, đến lúc bán được thì tự ký hợp đồng và tự đi giao hàng. Bác lái xe chị thuê chở hàng lớn tuổi, chị thấy bác khiêng nặng quá thì chị làm luôn việc khuân vác. Mỗi ngày tự mình sản xuất từ 100 đến 200 kg nước sốt, gia vị, năm đầu tiên chị bán được 15 tấn hàng.

Đến nay sau 10 năm, Trí Việt Phát đã có nhà máy hiện đại trên diện tích 5.000m2 cho công suất 4-5 tấn/ngày, có đội ngũ kỹ sư, cán bộ nhân viên và công nhân lên đến 60 người. Năm 2016, chị đã xuất lô hàng container đầu tiên sang Mỹ. Với hàng trăm sản phẩm đa dạng: từ những loại gia vị chế biến riêng cho các đối tác doanh nghiệp; đến các loại gia vị hoàn chỉnh tiện dụng và nước sốt, nước chấm đến tay người tiêu dùng, công ty chị được định giá hơn 400 tỷ đồng.

Năm 2017, công ty Ớt Vàng – nơi mà chị làm trưởng phòng R&D từ 2007 đến 2010 – được bán cho một tập đoàn lớn của Singapore với giá vài trăm tỷ. Bản thân chị đã từng nghiên cứu sáng tạo nên rất nhiều công thức cho sản phẩm của Ớt Vàng, cũng bởi vậy chị thấy mình mong muốn tự bán sản phẩm mình làm ra và chọn con đường khởi nghiệp, nên chị không bán công ty để nghỉ ngơi cho khỏe như nhiều người khuyên. Chị nhìn thấy chỉ 3 năm thôi, với doanh số mỗi năm tăng trưởng từ 40% ngay cả trong mùa dịch 2021, thì đến năm 2023, doanh số của Trí Việt Phát là 252 tỷ và đến 2025 sẽ đạt gần 500 tỷ/năm.

Mục tiêu cao nhất của Trí Việt Phát là trở thành một thương hiệu quốc tế, một nhà cung cấp uy tín có khả năng cung cấp hàng ngàn loại sản phẩm gia vị, nước sốt, nước chấm và các loại thực phẩm chế biến chất lượng cao cho thị trường thế giới rộng lớn, là nhà cung cấp lâu dài cho các chuỗi nhà hàng hiện diện toàn cầu như KFC, Jolibee, Mandeli...

Khi được hỏi nguồn lực quan trọng nhất để đạt đến mục tiêu của Trí Việt Phát là gì, chị Vân Anh đã không một chút đắn đo trả lời: Uy tín và con người. Chị khởi nghiệp làm sản xuất và bán được hết hàng ngay trong năm đầu tiên là nhờ uy tín cá nhân của người làm nhiều hơn nói. 11 năm ròng chị đã tạo ra rất nhiều giá trị cho những nhà máy, công ty mà chị công tác nên các đối tác, nhà phân phối luôn tin tưởng chị.

Đến bây giờ vẫn vậy, chị vẫn là người một lời nói ra được là phải làm được, cam kết chất lượng hiệu lực hơn mọi văn bản hợp đồng. Uy tín sản phẩm đến từ sự nhất quán, ổn định của chất lượng và hương vị nên nhờ năng lực nghiên cứu và phát triển tốt, Trí Việt Phát cam kết từ chai nước sốt xuất xưởng đầu tiên đến chai thứ 10 ngàn hay 10 tỷ đều có chất lượng, hương vị như nhau. Đội ngũ những kỹ sư, cán bộ nhân viên giỏi chuyên môn, chịu khó học hỏi và đam mê nhiệt huyết mà chị tự đào tạo do đó là gia đình, là đồng đội của chị và là “tài sản” lớn nhất của công ty. Trong đó, riêng đội ngũ R&D gồm 7 người chính là sức mạnh cạnh tranh tạo nên giá trị thương hiệu Trí Việt Phát. 

Việt Nam, bếp ăn mới của thế giới?

“Tạo dựng thương hiệu quốc gia với ngành chế biến thực phẩm ứng dụng công nghệ cao”

Con đường Trí Việt Phát cũng là con đường của những doanh nghiệp khởi nghiệp với tầm nhìn “nông sản Việt giá cao” và tạo nên hệ giá trị phát triển bền vững. Họ được gọi là những doanh nghiệp khởi nghiệp Xanh. Thay vì để cho những chiêu giảm giá bán hàng lan nhiễm thành căn bệnh hàng Việt giá rẻ ở tất cả các thị trường, trong quá trình xây dựng hệ giá trị của kinh tế nông nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp Xanh đã chọn cạnh tranh bằng trí tuệ, bằng chất lượng và bằng sự khác biệt. Như ở Trí Việt Phát, năng lực R&D là sức mạnh, là giá trị cốt lõi, ở ngành thực phẩm hiện đại, công nghệ cao là chìa khóa của chất lượng và sức mạnh cạnh tranh. Đó cũng chính là lời giải cho những câu hỏi được đặt ra từ người đứng đầu ngành nông nghiệp Việt Nam – Bộ trưởng Lê Minh Hoan:

“Là một nền văn minh nông nghiệp 4.000 năm sao vẫn bán nông sản thô ra thế giới, nông dân tạo ra nông sản đó sao vẫn muôn trùng vất vả, khó khăn? 

Là một nước có nhiều tài nguyên độc đáo đặc trưng vùng miền sao không biết đưa những món ngon, vật lạ đến với bạn bè năm châu như cách quảng bá niềm tự hào dân tộc? 

Là một nước có những món ẩm thực nổi tiếng sao vẫn để tự khen nhau, vẫn quanh quẩn trong nhà, trong ngõ xóm, trong làng quê mà không vươn ra biển lớn?...”.

Mỗi câu hỏi là mỗi nỗi niềm, là sự nung nấu tích tụ qua từng nhịp gõ thời gian.

...Và các doanh nhân khởi nghiệp Xanh đã cùng nhau khởi tạo kế hoạch xây dựng thương hiệu quốc gia ngành chế biến thực phẩm để đưa Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới. Những nông sản thô phải được chế biến thành những sản phẩm tinh tế bằng cả tấm lòng. 

Các bạn đã tìm ra con đường xây dựng chuỗi giá trị nông sản Việt, lấy tối ưu hóa chất lượng để tối đa giá trị gia tăng, nâng cao giá trị của từng tấc đất thấm xương máu cha ông. Các bạn khát vọng tạo dựng thương hiệu quốc gia với ngành chế biến thực phẩm ứng dụng công nghệ cao. Các bạn đang làm những việc nên làm để trả ơn mảnh đất từ đó mình được sinh ra, mình đã rời đi và nay trở về”. Đó là con đường của một cường quốc nông nghiệp – công nghiệp Xanh sẽ mạnh mẽ đi lên, định vị đất nước của 61 triệu nông dân và của 4.000 năm văn minh lúa nước trên bản đồ thế giới.

Quý Phương

Nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt Nam

Nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt Nam

Việt Nam đã và đang nỗ lực nhằm nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam, tìm cách tiếp cận với các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản.