Việt Nam nghiên cứu sản xuất vải sinh học từ men Kombucha

Vải từ men kombucha có thể mở ra hướng đi mới cho thời trang bền vững

Các nhà khoa học tại Đại học RMIT Việt Nam đã đạt bước tiến quan trọng trong nghiên cứu sản xuất vải từ men kombucha, mở ra tiềm năng thay thế vải cotton và sợi tổng hợp, góp phần giảm tác động tiêu cực đến môi trường.

Nhóm nghiên cứu của trường đã chế tạo thành công các sản phẩm như ví và vải bạt vẽ, hai ứng dụng mới của vải sinh học từ men kombucha. Đây được xem là một giải pháp đột phá nhằm giảm lượng phát thải của ngành thời trang, hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050, theo khuyến nghị của McKinsey.

Mẫu vải làm từ sợi cellulose vi khuẩn cấy từ men kombucha (Ảnh: RMIT)
Mẫu vải làm từ sợi cellulose vi khuẩn cấy từ men kombucha (Ảnh: RMIT)

Hiện nay, phần lớn khí thải của ngành thời trang đến từ khâu sản xuất vải, đặc biệt trong quá trình nhuộm và xử lý sợi. Việc trồng bông để sản xuất vải cotton tiêu tốn từ 8.000 đến 22.000 lít nước sạch cho mỗi kilogram, trong khi các loại vải tổng hợp như polyester và nylon có nguồn gốc từ dầu mỏ – một nguồn tài nguyên hóa thạch không tái tạo. Sự gia tăng của thời trang nhanh cũng dẫn đến lượng rác thải dệt may khổng lồ, chứa vi nhựa khó phân hủy.

Nhiều thương hiệu lớn như Adidas, Chanel, H&M, và Fast Retail đã cam kết tham gia vào lộ trình Net Zero vào năm 2050. Nếu không có những thay đổi quyết liệt, ngành này có thể phát thải đến 1,2 tỷ tấn CO2 vào năm 2030, theo thống kê của Statista.

Vật liệu Kombucha - Giải pháp tiềm năng

Vải sinh học từ men kombucha được tạo ra nhờ nuôi cấy Scoby – một cộng sinh giữa vi khuẩn và nấm men. Khi được nuôi trong môi trường giàu dinh dưỡng từ trà hoặc cà phê đường, Scoby phát triển nhanh chóng và sản sinh cellulose vi khuẩn.

Quy trình làm vải từ men kombucha (Ảnh: RMIT Việt Nam)
Quy trình làm vải từ men kombucha (Ảnh: RMIT Việt Nam)

Theo nghiên cứu của Đại học RMIT Việt Nam, loại vải này có độ bền gấp 10 lần so với cotton, hoàn toàn tự nhiên và có khả năng phân hủy sinh học. Các sợi cellulose vi khuẩn tạo thành lớp màng dày, có thể được định hình theo thùng chứa hoặc bề mặt tiếp xúc. Sau khi thu hoạch, vật liệu sẽ được sấy khô, tẩy trắng hoặc nhuộm trước khi đưa vào sử dụng.

Nhóm nghiên cứu cũng đang thử nghiệm sử dụng chất thải sinh học từ ngành thực phẩm và nông nghiệp để nuôi cấy vi khuẩn, giúp giảm chi phí sản xuất và hạn chế cạnh tranh với nguồn cung thực phẩm.

Những thách thức và triển vọng

Dù mang nhiều tiềm năng, việc sản xuất vải từ men kombucha vẫn đối mặt với bài toán mở rộng quy mô. "Chúng tôi vẫn chưa tìm ra cách sản xuất cellulose vi khuẩn với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu của ngành công nghiệp thời trang", đại diện nhóm nghiên cứu cho biết. Ngoài ra, quá trình lên men đòi hỏi nhiều nước, có tính axit và khó tái sử dụng. Độ bền và tính đàn hồi của loại vải này cũng chưa thể sánh ngang với một số sợi tổng hợp.

Dù vậy, nhóm nghiên cứu tin rằng cellulose vi khuẩn có thể mang đến một phương pháp sản xuất thời trang chi phí thấp, do nguồn nguyên liệu có thể nuôi cấy từ phế phẩm. Nếu nghiên cứu tiếp tục thành công, trong tương lai, quần áo và giày dép làm từ trà và đường có thể trở thành hiện thực.

Vải từ cellulose vi khuẩn sau nhuộm (Ảnh: RMIT Việt Nam)
Vải từ cellulose vi khuẩn sau nhuộm (Ảnh: RMIT Việt Nam)

Trong bối cảnh các doanh nghiệp chịu áp lực giảm phát thải từ chuỗi cung ứng và quản lý rác thải thời trang, các quốc gia như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam – những trung tâm sản xuất dệt may hàng đầu – đang đối mặt với nhiều rủi ro từ biến đổi khí hậu. Theo báo cáo của McKinsey, các quốc gia này đóng góp khoảng 65 tỷ USD vào xuất khẩu hàng may mặc nhưng cũng là những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan.

Với nghiên cứu mới từ Việt Nam, vải từ men kombucha có thể mở ra hướng đi mới cho thời trang bền vững, giúp ngành này từng bước đạt được mục tiêu Net Zero trong tương lai.

TM (T/H)

Vật liệu nano, công cụ mạnh mẽ ứng phó sự cố tràn dầu ven biển

Vật liệu nano, công cụ mạnh mẽ ứng phó sự cố tràn dầu ven biển

Các vật liệu nano đã cho thấy tiềm năng rõ rệt trong việc xử lý tràn dầu