Việt Nam trúng cử Ủy ban bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO lần 2

Đây là lần thứ 2 Việt Nam đảm nhận trọng trách này tại cơ quan điều hành then chốt về văn hóa của Tổ chức UNESCO, sau nhiệm kỳ 2006-2010.

Ngày 6/7, trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 9 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ Di sản Văn hoá phi vật thể (Công ước 2003) tại Paris (Pháp), Việt Nam tiếp tục trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể nhiệm kỳ 2022-2026 với 120 phiếu, cao nhất trong số các nước trúng cử.

Theo Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO: Đây là lần thứ 2 Việt Nam đảm nhận trọng trách này tại cơ quan điều hành then chốt về văn hóa của Tổ chức UNESCO, sau nhiệm kỳ 2006-2010.

Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện sự tin tưởng, ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp của Việt Nam trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể trong nước và trên thế giới.

Đại sứ Lê Thị Hồng Vân phát biểu trước phiên bỏ phiếu ngày 6/7. Ảnh: tuoitre.vn
Đại sứ Lê Thị Hồng Vân phát biểu trước phiên bỏ phiếu ngày 6/7. Ảnh: tuoitre.vn

Tại cuộc họp, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân cũng khẳng định Việt Nam sẵn sàng làm việc chặt chẽ hơn nữa với UNESCO và dẫn ra những nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể.

Bên cạnh vai trò là thành viên Uỷ ban liên chính phủ Công ước Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể, Việt Nam cũng đang đảm nhiệm những vai trò: thành viên Hội đồng chấp hành nhiệm kỳ 2021 - 2025, thành viên Ủy ban liên chính phủ Công ước 2005 về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa nhiệm kỳ 2021 – 2025.  Đây cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục đóng góp một cách chủ động, tích cực hơn trong các chương trình, định hướng lớn của UNESCO nói chung và về văn hóa nói riêng; khẳng định vai trò, uy tín của Việt Nam tại UNESCO và trên trường quốc tế.

Công ước 2003 là cách gọi tắt của Công ước về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO thông qua năm 2003. Hiện có 180 nước thành viên tham gia Công ước 2003.

Ngày 5/9/2005, Việt Nam chính thức tham gia Công ước 2003 và và đã trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước quốc tế quan trọng này.

Từ khi tham gia, Việt Nam đã thực hiện nhiều nỗ lực lồng ghép và phát huy các nội dung và tinh thần của Công ước vào các luật, các chương trình, dự án liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung; có nhiều đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy thực hiện Công ước.

Hiện Việt Nam có 14 di sản văn hoá phi vật thể được ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Hoài Anh (t/h)

Phát huy giá trị Châu bản triều Nguyễn sau 5 năm được UNESCO công nhận Di sản thế giới

Phát huy giá trị Châu bản triều Nguyễn sau 5 năm được UNESCO công nhận Di sản thế giới

Châu bản triều Nguyễn là một nguồn sử liệu quý giá để phục vụ công tác nghiên cứu, phục dựng di tích, lễ hội, lịch sử…cần được công bố rộng rãi hơn.