Phát huy giá trị Châu bản triều Nguyễn sau 5 năm được UNESCO công nhận Di sản thế giới

Châu bản triều Nguyễn là một nguồn sử liệu quý giá để phục vụ công tác nghiên cứu, phục dựng di tích, lễ hội, lịch sử…cần được công bố rộng rãi hơn.

Sáng 23/12, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) đã tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị Châu bản triều Nguyễn-Di sản tư liệu thế giới” bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Châu bản triều Nguyễn là khối tài liệu hành chính duy nhất còn lại tương đối toàn vẹn, phản ánh những sự kiện của một triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử dân tộc, từ khi vua Gia Long lên ngôi (năm 1802) đến khi vua Bảo Đại thoái vị (năm 1945). Trên Châu bản lưu giữ những bút tích ngự phê của các hoàng đế triều Nguyễn về những lĩnh vực của đời sống xã hội, về chính trị, quân sự, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, văn hóa xã hội...

Châu bản triều Nguyễn là một nguồn sử liệu quý giá không chỉ phản ánh những diễn biến, sự kiện lịch sử một triều đại, lịch sử dân tộc mà còn phản ánh lịch sử của khu vực, thế giới.

Dưới triều Nguyễn, Châu bản là nguồn tài liệu đáng tin cậy phục vụ việc biên soạn chính sử và các sách điển lệ của vương triều trong suốt hơn 100 năm. Ngày nay, Châu bản triều Nguyễn là nguồn sử liệu để phục vụ công tác nghiên cứu, phục dựng di tích, lễ hội, lịch sử…

Tại Hội thảo, GS. Andrew Hardy (Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp) đã trình bày tham luận "Tri huyện Nguyễn Đức Thăng trong Châu bản triều Nguyễn - Một điển hình về phương pháp tiểu sử trong viết sử".

Từ quá trình nghiên cứu 7 bản tấu của tri huyện Nguyễn Đức Thăng, GS. Andrew Hardy đánh giá: Từ góc độ lịch sử vi mô và nghiên cứu tiểu sử, nghiên cứu phông Châu bản triều Nguyễn giúp đưa ra phác thảo về cuộc đời và sự nghiệp của một nhân vật lịch sử, cũng như cho phép so sánh tiểu sử của nhân vật này với những nhân vật khác.

GS. Andrew Hardy (Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp) trình bày tham luận
GS. Andrew Hardy (Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp) trình bày tham luận "Tri huyện Nguyễn Đức Thăng trong Châu bản triều Nguyễn - Một điển hình về phương pháp tiểu sử trong viết sử".

Phông Châu bản triều Nguyễn là một 'miền đất lành' đối với nghiên cứu về nhà nước trong lịch sử. Nghiên cứu sẽ hé lộ về cuộc đời của quan lại các cấp, giúp chúng tôi hiểu sâu hơn về cấu trúc và hoạt động thường ngày của nhà nước thời Nguyễn.” - GS. Andrew Hardy chia sẻ.

GS. Andrew Hardy còn cho rằng việc nghiên cứu Châu bản triều Nguyễn cũng cung cấp những hiều biết sâu sắc về một nhà nước theo mô hình Nho giáo, một mô hình hiện đại đã xuất hiện tại châu Á trước khi “tiêu biến” bởi sự tấn công của chủ nghĩa thực dân, được minh họa qua câu chuyện về hệ thống thi cử và quy trình hành chính.

Nghiên cứu Châu bản triều Nguyễn, nghiên cứu những sử liệu về lễ tế Âm hồn, TS. Lê Thị An Hòa (Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế) đánh giá tài liệu Châu bản có giá trị quan trọng đối với công tác trùng tu di tích và phục hồi nghi lễ cung đình, “nếu không có tài liệu Châu bản triều Nguyễn, chắc chúng tôi không thể phục hồi lễ tế âm hồn như những năm qua”.

TS. Lê Thị An Hòa (Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế) đánh giá tài liệu Châu bản có giá trị quan trọng đối với công tác trùng tu di tích và phục hồi nghi lễ cung đình.
TS. Lê Thị An Hòa (Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế) đánh giá tài liệu Châu bản có giá trị quan trọng đối với công tác trùng tu di tích và phục hồi nghi lễ cung đình.

Bà cho biết: Năm 1803, vua Gia Long cho xây dựng Lệ tế đàn ở phía bắc bên ngoài thành, thời gian tổ chức tế lễ vào ngày 3/12 (âm lịch) hàng năm. Năm 1820, vua Minh Mạng cảm thong với các linh hồn tha phương, ngoài các đàn tế xây dựng thời Gia Long, đã cho dựng thêm một đàn Lệ tế ở thành Gia Định và ban hành nghi lễ như thời Gia Long.

Dưới thời các vua Thiệu Trị, Tự Đức nghi lễ tế âm hồn sử ghi chép vẫn theo lệ cũ. Tới năm Hàm Nghi thứ nhất, sau biến cố thất thủ kinh thành Huế ngày 5/7/1885 (tức ngày 23/5 năm Ất Dậu), để tưởng nhớ những người đã tử nạn trong cơn binh lửa, ngày 23/5 âm lịch được xem là ngày tế Âm hồn.

Năm 1894, bộ Lễ đã cho xây về phía trước Hoàng thành một cái Đàn gọi là Đàn Âm Hồn, đàn có diện tích 1.500m2; gần cửa Quảng Đức, là địa điểm mà Tôn Thất Thuyết đã trực tiếp chỉ huy quân triều đình đánh vào đồn Mang Cá, quan Đề đốc Hộ Thành được cử đến làm chủ tế hàng năm. Kể từ đó về sau, ngày 23 tháng 5 âm lịch cũng trở thành ngày giỗ lớn hàng năm của người dân Huế.

TS. Lê Thị An Hòa nhận định “có thể ví Di sản Cố đô Huế là phần xác, tài liệu Châu bản là phần hồn của Di sản cố đô Huế. Tài liệu Châu bản là điều kiện cần và đủ cho việc nghiên cứu xây dựng dự án trùng tu các di tích hoàn toàn đã mất và phục hồi các nghi lễ cung đình. Là nguồn tài liệu chính xác nhất, đầy đủ và rõ ràng nhất.

Vì vậy, việc khai thác giá trị di sản tư liệu Châu bản phục vụ cho công tác tu bổ và phục hồi các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trở thành cấp thiết. Xa hơn nữa, cần đưa giá trị của tài liệu Châu bản trở về lại vị trí vốn khai sinh ra nó.

TS Lê Thị An Hòa: “nếu không có tài liệu Châu bản triều Nguyễn, chắc chúng tôi không thể phục hồi lễ tế âm hồn như những năm qua”.
TS Lê Thị An Hòa: “nếu không có tài liệu Châu bản triều Nguyễn, chắc chúng tôi không thể phục hồi lễ tế âm hồn như những năm qua”.

Qua khai thác tài liệu Châu bản triều Nguyễn trong nghiên cứu lịch sử địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng, nghiên cứu lệnh kiêng húy và sự thay đổi địa danh, nghiên cứu tiểu sử, sự nghiệp Quan án Nguyễn Duy Kế, TS. Lê Thị Mai (Đại học Đà Nẵng) cho biết "Tài liệu Châu bản có giá trị cao trong việc bổ sung tư liệu mới, gợi mở những hướng nghiên cứu mới, đưa ra những nhận định, đánh giá mới về đóng góp của nhân vật lịch sử.

Để có thể phục dựng được diện mạo chân thực, khách quan, có hệ thống về mọi phương diện trong quá khứ của một vùng đất, một địa phương, nên kết hợp khai thác tài liệu Châu bản với các nguồn sử liệu khác"

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tham gia Hội thảo cũng đặt ra vấn đề về việc tiếp cận nguồn tài liệu Châu bản hiện nay còn hết sức hạn chế. TS Lê Tiến Công (Nhà trưng bày Hoàng Sa, Đà Nẵng) cho biết, "một trong những khó khăn khi khai thác tài liệu là vì tính chất đặc biệt của nó và giá sao chụp tư liệu khá cao. Hy vọng một ngày không xa số Châu bản sẽ được công bố rộng rãi hơn”.

Những nguồn sử liệu được TS Lê Thị Mai tham khảo cho nghiên cứu 
Những nguồn sử liệu được TS Lê Thị Mai tham khảo cho nghiên cứu "Khai thác tài liệu Châu bản triều Nguyễn trong nghiên cứu lịch sử địa phương Quảng Nam - Đà Nẵng" 

Th.S Nguyễn Thu Hoài, Phó giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia I, cho biết  trung tâm vẫn liên tục duy trì hoạt động thông tin về Châu bản trên các trang điện tử. Trong 2 năm qua do không tổ chức được các sự kiện trực tiếp, trung tâm đã tổ chức triển lãm ảo 3D Giáo dục triều Nguyễn qua Di sản tư liệu Châu bản - Mộc bản.

Sắp tới, Trung tâm  lưu trữ quốc gia I cũng sẽ tăng cường giới thiệu Châu bản triều Nguyễn vào trường học giúp học sinh, sinh viên tiếp cận với tư liệu lịch sử này.

Diệu Thuần

NGND Hà Văn Tấn, người cuối cùng trong 'tứ trụ của sử học' Việt Nam qua đời

NGND Hà Văn Tấn, người cuối cùng trong "tứ trụ của sử học" Việt Nam qua đời

Tiến sĩ Nguyễn Gia Đối – Quyền Viện trưởng Viện khảo cổ học, học trò của Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Hà Văn Tấn đã xác nhận thông tin này.