UNESCO chính thức đưa Hà Nội vào Mạng lưới thành phố sáng tạo của thế giới

Sáng ngày 31/10 UNESCO bỏ phiếu chính thức công nhận Hà Nội cùng với 66 thành phố khác vào mạng lưới các thành phố sáng tạo

 Thông tin từ Ủy ban di sản thế giới (UNESCO), sáng 31/10, Hà Nội cùng 66 thành phố khác đã được bỏ phiếu công nhận là thành phố sáng tạo.

Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO hiện đã lên tới 264 thành phố thành viên đến từ các châu lục khác nhau, các khu vực với mức thu nhập và dân số khác nhau. Dùng sự sáng tạo và nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong kế hoạch phát triển đô thị theo hướng an toàn, bền vững, toàn diện gắn với Chương trình Phát triển bền vững của UNESCO tới năm 2030 là sứ mệnh mà mạng lưới hướng tới.

Hà Nội nộp hồ sơ ứng cử vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO vào hồi tháng 7 vừa qua. Đợt ghi danh này ngoài Hà Nội còn có các thành phố Bangkok, Ambon, Cebu, Jinju, Mumbai, Nam Kinh…

Trong hồ sơ đệ trình UNESCO, Hà Nội quyết định lựa chọn lĩnh vực thiết kế làm điều kiện xét ghi danh bởi đây là mảng có độ bao phủ rộng, liên quan mật thiết tới các lĩnh vực còn lại, sẽ thể hiện được đa dạng tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội trong phát huy sức sáng tạo.

Nhà hát Lớn Hà Nội
Nhà hát Lớn Hà Nội

 Những dấu ấn đầu tiên của thiết kế tại Hà Nội vẫn có thể được nhìn thấy trong nhiều công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời. Nổi tiếng nhất phải kể đến Hoàng thành Thăng Long - di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Tiếp đến là các công trình kiến trúc đa dạng thể hiện tài hoa, sức sáng tạo trong thiết kế của nhiều thế hệ nhà thiết kế mang phong cách kiến trúc bản địa, Pháp và Trung Quốc như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Sự đa dạng đó vẫn hiện diện trong các công trình kiến trúc đương đại tiêu biểu như cầu Nhật Tân với 5 tháp trụ được chiếu sáng tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội.

Ở lĩnh vực thiết kế, Hà Nội cũng bảo đảm các tiêu chuẩn cần có của một thành phố sáng tạo như: Có nền công nghiệp thiết kế phát triển vững vàng; nhiều cơ hội sáng tạo thiết kế từ nguyên vật liệu, điều kiện tự nhiên; có sự hiện diện của ngành công nghiệp sáng tạo thiết kế; có nhóm sáng tạo và thiết kế hoạt động thường xuyên…

Cầu Nhật Tân
Cầu Nhật Tân

 “Những thành phố trên khắp thế giới này, đều mang theo cách riêng không chỉ biến văn hóa là phụ kiện mà chính là trụ cột trong chiến lược. Đó là sự đảm bảo cho đổi mới chính trị xã hội và là dấu hiệu mạnh mẽ đối với các thế hệ trẻ” - bà Audrey Azoulay, Tổng giám đốc UNESCO, đã bày tỏ ngay sau kết quả công bố.

Mạng lưới Thành phố Sáng tạo UNESCO được thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố vinh danh quốc tế với việc lấy “nguồn lực văn hóa” và “sáng tạo văn hóa” làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Thành phố trên thế giới thuộc các quốc gia thành viên của UNESCO được công nhận đạt tiêu chí của mạng lưới thành phố sáng tạo, với việc lựa chọn một trong 7 lĩnh vực sáng tạo trên nền tảng văn hóa, gồm: Thủ công - Nghệ nhân dân gian, Nghệ thuật truyền thông nghe nhìn; Điện ảnh; Thiết kế sáng tạo; Ẩm thực; Văn học; Âm nhạc.

Phạm Ngọc

Ra mắt đoàn tàu đầu tiên tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội

Ra mắt đoàn tàu đầu tiên tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội

"Thiết kế mặt trước của khoang tàu là một trong các thiết kế hiện đại nhất mà chúng tôi từng làm", Giám đốc dự án Alstom nói.