Người Hà Nội ra mắt 1996, lấy bối cảnh cuối thập niên 80 với nội dung xoay quanh cuộc sống của những người lính sau khi chiến tranh kết thúc. Phim chia làm 3 phần với 3 chủ đề Trở gió, Giấc mơ vàng và Người đàn bà xa. Ngay từ lần đầu tiên lên sóng năm 1996, bộ phim đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả lúc bấy giờ.
Dù ra mắt cách đây hơn 20 năm nhưng Người Hà Nội vẫn là một bộ phim truyền hình về Hà Nội ghi dấu mãi trong trái tim nhiều thế hệ khán giả. Phim có nội dung xoay quanh cuộc sống đời thường của những người lính trở về sau chiến tranh với những bi kịch của những con người khác nhau nhưng dường như có rất nhiều dấu ấn của cuộc sống hiện thực.
Bộ phim được các đạo diễn Hoàng Tích Chỉ, Đoàn Lê, Đăng Khoa, Hoàng Thắng chuyển thể từ tiểu thuyết Phố của nhà văn Chu Lai. Phim gồm 3 tập: Trở về; Giấc mơ vàng và Người đàn bà xa lạ với sự tham gia của rất đông các nghệ sỹ tên tuổi như NSND Lê Khanh, cố nghệ sĩ Hồng Sơn, diễn viên Quyền Linh, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Chiều Xuân, NSƯT Mạnh Cường, NSƯT Mai Châu, NSƯT Diệu Thuần, NSƯT Quốc Trị…
Bộ phim tên là Người Hà Nội nên bối cảnh chủ yếu ở đây, với những góc đường, con phố, không khí Hà Thành. Xen kẽ đó là bối cảnh biển Đồ Sơn và một số nơi khác trong khung cảnh mùa đông. Nhiều nghệ sỹ góp mặt trong phim đã giải nghệ hoặc đã ra đi và nhiều nghệ sỹ nổi tiếng vẫn còn tiếp tục với nghề.
Một trong những điều đáng nhớ khác là Người Hà Nội còn giới thiệu tới khán giả ca khúc Chị tôi, do nhạc sĩ Trọng Đài viết nhạc, thơ Đoàn Thị Tảo được thể hiện bởi ca sĩ Mỹ Linh. Bao nhiêu năm qua, ca khúc vẫn được cất lên bởi những người yêu nhạc, có đời sống riêng, trở thành một trong những ca khúc bất hủ trong phim Việt Nam.
Trong phim, vợ chồng Nam (Hồng Sơn), Thảo (Lê Khanh) là hai trong những nhân vật trung tâm của phim. Trải qua tình đồng đội, tình bè bạn trong chiến tranh, trở về thời bình, họ nên duyên vợ chồng. Tuy nhiên, tác động của kinh tế thị trường khiến hạnh phúc đơn sơ của họ tan vỡ. Sự đổ vỡ của cặp Nam - Thảo được coi là một điển hình của nhiều gia đình công chức Việt Nam những năm đầu thời kỳ đổi mới. |
Diễn viên Hồng Sơn vào vai Nam - sĩ quan chuyên về thiết kế, đo đạc. Nam thích cuộc sống ổn định trong khi Thảo - vợ anh - muốn cuộc sống sung túc và năng động. Mâu thuẫn về quan điểm sống cộng tác động bên ngoài khiến họ tan vỡ. Nam là người đảm nhận chính việc chăm sóc con gái. Sau vai diễn trong "Người Hà Nội", Hồng Sơn tham gia một vài phim khác rồi vào trại cai nghiện ma túy. Từ năm 2003, sau khi ra trại, ông tham gia nhiều phim chính luận gây tiếng vang như "Gió làng Kình", "Ma làng", "Chủ tịch tỉnh"... Năm 2008, sức khỏe Hồng Sơn yếu dần sau khi gặp tai nạn. Ông qua đời ngày 13/8/2011 sau một cơn đột quỵ. |
NSND Lê Khanh vào vai Thảo - người phụ nữ vẻ ngoài đằm thắm nhưng có đời sống nội tâm dữ dội. Chị đóng phim "Người Hà Nội" vào năm 33 tuổi, khi đang là gương mặt sáng giá của sân khấu kịch miền Bắc. Sau đó, nữ diễn viên góp mặt trong nhiều phim điện ảnh nổi bật như "Mùa hè chiều thẳng đứng", "Chiếc mặt nạ da người"... Ở tuổi ngoài 50, Lê Khanh hạn chế các hoạt động biểu diễn mà tập trung cho công việc giảng dạy và hướng dẫn diễn xuất cho diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ. Sắp tới, chị tái xuất màn ảnh rộng trong một bộ phim mới. |
Một trong những gương mặt gây dấu ấn trong phim là NSƯT Anh Dũng. Ông vào vai Dụ - người lính trở về sau chiến tranh mưu sinh bằng những những chuyến buôn đường dài. Dụ chính là người đưa Lãm (Quyền Linh) vào con đường làm ăn kinh tế để thoát nghèo. Trước khi tham gia "Người Hà Nội", Anh Dũng được biết đến là diễn viên kịch nói thành danh trên sân khấu và trong nhiều phim điện ảnh như "Cô gái trên sông", "Kỷ niệm đồi trăng". Sau "Người Hà Nội", Anh Dũng trở lại màn ảnh nhỏ với vai ông bố trong phim dài tập "Vệt nắng cuối trời". Nghệ sĩ ít đóng phim mà chuyên tâm viết kịch bản. Ông mất ngày 30/4/2015 sau khi trải qua chuỗi ngày u uẩn, đau buồn những năm cuối đời. |
Phim "Người Hà Nội "cho thấy nhan sắc mặn mà của NSƯT Thanh Quý ở tuổi 39. Bà vào vai Diễm - một phụ nữ nhạy bén trước thời cuộc, giàu có nhanh chóng nhờ sự khôn ngoan, khéo léo. Trước đó, Thanh Quý được biết đến khi tham gia nhiều phim điện ảnh như "Chuyến xe bão táp", "Chuyện tình bên dòng sông"... Sau "Người Hà Nội", Thanh Quý ghi dấu ấn diễn xuất trong nhiều phim truyền hình như "Mùa lá rụng", "Ban mai xanh", "Luật đời", "Nhật ký Vàng Anh"... Ở tuổi gần 60, nghệ sĩ tìm niềm vui bên con cháu sau hai cuộc hôn nhân trắc trở. |
NSƯT Chiều Xuân đóng vai một Việt kiều hồi hương trong phim. Tạo hình của nhân vật khiến cô trông già đi so với tuổi 29. Trước đó, Chiều Xuân nổi tiếng với vai diễn trong phim "Mẹ chồng tôi". Sau "Người Hà Nội", nghệ sĩ theo đuổi những nhân vật có phong cách khác hẳn hình tượng phụ nữ cam chịu, giàu đức hy sinh cô từng đóng. Ở tuổi gần 50, nữ diễn viên tận hưởng cuộc sống viên mãn của một phụ nữ thành đạt và hạnh phúc. |
NSƯT Mạnh Cường tham gia phim "Người Hà Nội" khi 36 tuổi. Anh vào vai Hùng - một Việt kiều hào hoa, lịch lãm khiến Thảo - vợ Nam - say mê và theo đuổi. Nghệ sĩ trưởng thành trong môi trường Nghệ thuật quân đội. Anh quen thuộc với khán giả màn ảnh nhỏ trong dạng vai người đàn ông phong trần, tài hoa, quyến rũ, thường làm xáo động trái tim những phụ nữ có cá tính mạnh. Ở tuổi ngoài 50, Mạnh Cường hạn chế đóng phim mà tập trung cho công tác quản lý. |
Vai đạo diễn Bình tài năng, hào hoa, sâu sắc nhưng bất mãn với thời cuộc được giao cho Huệ Đàn - diễn viên nhà hát kịch Quân đội. Với gương mặt góc cạnh, ông hóa thân vào đủ dạng vai như tướng cướp, thương binh, công nhân, con buôn, nhà báo... trong nhiều phim truyền hình như "Những người sống quanh tôi", "Thiên đường ở trên cao", "Người đàn bà không con"... |
Nghệ sĩ Diệu Thuần góp mặt với một vai nhỏ trong phim. Bà vào vai vợ chiến sĩ công an Dặt (Quốc Trị đóng) - một phụ nữ bỏ bê chồng con chạy theo vật chất. Những năm 1980, nhan sắc Diệu Thuần tỏa sáng màn ảnh khi vào vai những cô gái quê trong "Ngày ấy bên sông Lam", "Trở lại Sam Sao"... Nhân vật trong phim "Người Hà Nội" là một trong những vai phản diện hiếm hoi của nghệ sĩ. Sau phim này, bà hóa thân thành những phụ nữ cam chịu, nhẫn nhục trong nhiều phim truyền hình như "Mùa lá rụng", "Đàn trời"... Ở tuổi ngoài 60, Diệu Thuần ít tham gia diễn xuất mà chỉ vui thú tuổi già bên con cháu. |
Đóng cặp cùng Quyền Linh là NSƯT Minh Hằng. Chị vào vai người vợ quê mùa, yêu chồng, chỉ biết nhẫn nhục và cam chịu. Minh Hằng xuất thân là diễn viên sân khấu, sau phim "Người Hà Nội", chị quen thuộc với khán giả màn ảnh nhỏ trong dạng vai người phụ nữ chua ngoa, đanh đá nhưng dễ bị tổn thương. Chị cũng là gương mặt quen thuộc của chương trình Táo quân lên sóng truyền hình dịp đầu năm. 20 năm sau "Người Hà Nội", nữ diễn viên vẫn hoạt động sôi nổi trên sân khấu kịch, phim truyền hình nhờ khả năng hóa thân đa dạng. |
Vai Lãm trong "Người Hà Nội" đánh dấu thành công vang dội về mặt diễn xuất của Quyền Linh. Lãm là một anh lính trở về sau chiến tranh, bị gia đình chối bỏ, phải sống nhờ vỉa hè phố nhà binh. Sau nhiều tháng ngày truân chuyên, anh trở thành giám đốc một nhà máy sản xuất đường. Lãm có vẻ ngoài cộc cằn, thô lỗ nhưng rất tình cảm và sống có trách nhiệm với vợ con, bạn bè, đồng đội. Sau bộ phim, Quyền Linh liên tiếp ghi dấu ấn trong các phim "Đồng tiền xương máu", "Những nẻo đường phù sa", "Gió qua miền tối sáng"... Hiện anh là MC ăn khách của nhiều chương trình truyền hình. Quyền Linh cũng là nghệ sĩ được yêu mến bởi vẻ chân chất, mộc mạc cùng những đóng góp của anh cho cộng đồng. |
Diễn viên Thúy Hà 'Về Nhà Đi Con': 'Chính tôi là người quyết định dừng cuộc hôn nhân này'
Mới đây nhất, cô Hạnh của 'Về Nhà Đi Con' xác nhận đã chia tay chồng sau 15 năm chung sống khiến nhiều người bất ngờ