Vietjet Air (VJC) lần đầu báo lỗ trong năm 2022

Công ty cổ phần Hàng không Vietjet (Mã: VJC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV thể hiện doanh thu thuần 11.807 tỷ đồng, gấp 4,2 lần cùng kỳ 2021 và quay lại gần hơn với mức trước đại dịch.

Giá vốn hàng bán tăng mạnh lên 15.650 tỷ đã khiến cho công ty lỗ gộp 3.843 tỷ đồng. Đây là mức lỗ gộp theo quý lớn nhất từ trước đến nay của Vietjet.

Doanh thu tài chính và chi phí tài chính lần lượt là 2.064 tỷ và 1.353 tỷ, đều cao gấp nhiều lần cùng kỳ 2021. Lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh là 3.746 tỷ đồng, trong khi quý IV năm trước đó chỉ lỗ 82 tỷ đồng.

Doanh thu quý IV của Vietjet gấp hơn 4 lần cùng kỳ năm ngoái - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Vietjet bất ngờ ghi nhận 1.625 tỷ đồng "thu nhập khác" trong quý IV/2022, vượt xa con số 7,8 tỷ đồng của một năm trước đó.

Nhờ khoản lợi nhuận bất thường này, hãng bay của Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Phương Thảo chỉ còn lỗ sau thuế 2.358 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh kể trên. Tuy nhiên, kết quả quý IV vẫn là khoản lỗ sau thuế lớn nhất trong lịch sử của Vietjet.

Lũy kế cả năm 2022, Vietjet ghi nhận doanh thu thuần 39.342 tỷ đồng, gấp ba lần năm trước. Lỗ gộp tăng 6% lên 2.167 tỷ đồng. Lỗ sau thuế 2.171 tỷ đồng, trái ngược với kết quả lãi 122 tỷ đồng của 2021.

Kết thúc năm 2022, tổng tài sản Vietjet đạt hơn 67.000 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ 2021. Kết quả này đến từ việc tài sản dài hạn ghi nhận tăng trên 200 triệu USD, chỉ số nợ vay dài hạn/vốn chủ sở hữu 0,7 lần và chỉ số thanh khoản 1,3 lần, nằm ở mức tốt trong ngành hàng không. Tại thời điểm 31/12/2022, số dư tiền và các khoản tương đương tiền duy trì ở mức 1.800 tỷ đồng, đáp ứng tốt nhu cầu thanh khoản cho hoạt động kinh doanh.

Trong năm 2023, Vietjet tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng cao về doanh thu nhờ việc mở cửa của thị trường Trung Quốc và đẩy mạnh khai thác các thị trường quốc tế tiềm năng gồm Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia. Do vậy, việc Chính phủ xem xét tháo dỡ giá trần và cho phép phụ thu xăng dầu được hãng đánh giá là cấp thiết, giúp tăng cường nội lực và cạnh tranh cho các hãng hàng không nội địa, trong bối cảnh sự hiện diện của nhiều hãng hàng không quốc tế với các điểm đến ở Việt Nam được kỳ vọng tăng mạnh trong năm 2023.

Tháng 6/2022, sản phẩm công nghệ "Bay trước - Trả sau" của Vietjet và Movi đạt giải thưởng "Sản phẩm fintech mới tốt nhất năm 2022" do tạp chí The Global Economics Times (Vương quốc Anh) trao tặng. Vietjet tiếp tục được trao tặng các giải thưởng quốc tế gồm "World Airline Award" từ Skytrax, "Hãng bay đem lại giá trị tốt nhất cho khách hàng châu Á 2022" và "Hãng bay có dịch vụ tiếp viên trên tàu bay tốt nhất châu Á 2022" từ World Business Outlook trong tháng 11/2022.

Bên cạnh đó, với mục tiêu đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và gắn kết khách hàng, hãng triển khai chương trình khách hàng thân thiết Vietjet SkyJoy với nhiều tiện ích và mang lại đặc quyền cho hành khách thông qua cơ hội tích lũy, đổi điểm thưởng cùng các thương hiệu lớn và nhận ưu đãi đặc biệt. Sản phẩm Vietjet SkyJoy được kỳ vọng góp phần nâng cao giá trị thương hiệu Vietjet và gia tăng khách hàng.

(Tổng hợp)

AN LY