Trước tình hình bệnh dịch do virus corona gây ra ngày càng phức tạp, sau nhiều lần đánh giá và họp bàn, WHO vừa mới chính thức tuyên bố virus corona là tình trạng báo động toàn cầu.
Cảnh báo khẩn cấp toàn cầu trên được đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp về điều lệ y tế quốc tế (IHR) hôm 30/1, theo giờ Geveva. Đây là cuộc họp thứ ba trong vòng chỉ một tuần của ủy ban này.
Động thái này diễn ra khi số lượng ca mắc bệnh tăng mạnh lên hơn 8.200 ca, vượt qua số người mắc SARS (Hội chứng Hô hấp cấp nặng) giai đoạn 2002 - 2003. Trong đó có 213 ca tử vong ở Trung Quốc và 21 người ở một số quốc gia trên thế giới dương tính với virus corona.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO cho biết trong tuần vừa qua cả thế giới đã chứng kiến tình trạng khẩn cấp của dịch bệnh chưa từng có trong lịch sử, và mầm bệnh này cũng đã được nhiều nước phản ứng cũng theo cách chưa từng có tiền lệ.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus xác nhận coronavirus là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu (Ảnh: Reuters) |
Ông nhấn mạnh: “Hãy để tôi nói rõ, việc tuyên bố này không có nghĩa là chúng tôi không tin tưởng Trung Quốc. Việc chúng tôi lo ngại nhất là khả năng virus này lan truyền đến các quốc gia có hệ thống y tế yếu kém hơn" .
Tổ chức này hoan nghênh “những biện pháp phi thường được thực hiện” bất chấp những ảnh hưởng kinh tế và xã hội đối với người dân Trung Quốc. Ông Tedros nói rằng nếu không có những hành động của Trung Quốc, số người tử vong và nhiễm bệnh có thể sẽ còn cao hơn. Đồng thời khẳng định tuyên bố tình trạng khẩn cấp là do tình trạng nhiễm bệnh ở các nước khác, không chỉ ở Trung Quốc.
Tình trạng khẩn cấp y tế hay Tình trạng khẩn cấp y tế công cộng quốc tế (PHEIC) chỉ những đợt dịch bùng phát nghiêm trọng, đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải chung tay hành động, cũng là tuyên bố chính thức của WHO do Ủy ban khẩn ban hành Quy định Y tế Quốc tế (IHR) về một cuộc khủng hoảng y tế công cộng mang tầm khả năng toàn cầu.
Trước đây trong lịch sử, WHO đã 5 lần tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc tế, bao gồm các trường hợp: đối phó với dịch cúm năm 2009, bệnh bại liệt bùng phát trở lại vào năm 2014, dịch Ebola ở Tây Phi cùng năm 2014, dịch virus Zika năm 2016 và dịch Ebola bùng phát ở Cộng hòa Dân chủ Congo năm 2019.
Tuyên bố của WHO không mang giá trị về pháp lý nhưng đây là lời cảnh báo từ cơ quan tư vấn sức khỏe hàng đầu thế giới đến tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc về tình hình nghiêm trọng hiện nay. Các quốc gia sẽ tự đưa ra quyết định có nên đóng cửa biên giới, hủy chuyến bay, sàng lọc hành khách tại sân bay hoặc thực hiện những biện pháp bảo vệ khác.
Trong lần dịch bệnh lần này, Tổng giám đốc WHO cho rằng chẳng có lý do gì để hạn chế các hoạt động du lịch hoặc thương mại với Trung Quốc vì "virus corona".
Trước đây WHO từng đưa ra nhiều ý kiến khác nhau về dịch bệnh để có thể quyết định một cách chính xác nhất trước khi thông báo tình trạng khẩn cấp. Đó là do trong quá khứ, tổ chức này đã nhận nhiều chỉ trích về việc sử dụng thuật ngữ này cho dịch cúm H1N1 năm 2009, khiến toàn cầu hoang mang trong khi dịch bệnh không hề nguy hiểm như đánh giá ban đầu. Cho đến năm 2014, WHO lại tiếp tục bị lên án vì xem nhẹ mức độ nguy hiểm của Ebola, khiến 11.300 người chết.
Trong 2 lần họp báo vào tuần trước, WHO đã từ chối ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng. WHO cho rằng còn thiếu bằng chứng lây truyền từ người sang người bên ngoài Trung Quốc.
Giá vàng tăng khi thị trường lo ngại virus corona ảnh hưởng kinh tế
Giá vàng hôm nay 31/1 tăng trong phiên giao dịch tại châu Á trong bối cảnh tiếp tục những lo ngại xung quanh sự bùng phát của virus corona ở Trung Quốc.