Hôm nay 11/7, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án "chuyến bay giải cứu". Phiên xử dự kiến diễn ra trong 30 ngày, gồm cả thứ Bảy, Chủ nhật.
Thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ tọa phiên tòa. Viện KSND TP Hà Nội đã phân công các kiểm sát viên Đỗ Mạnh Quang, Lê Huy Hoàn, Nguyễn Thị Châm, Tưởng Mạnh Toàn và Đỗ Minh Tuấn, giữ quyền công tố và kiểm sát xét xử. Có 105 luật sư tham gia bào chữa cho 54 bị cáo…
Trong vụ án, 21 bị cáo bị truy tố về tội "Nhận hối lộ", số này có 18 người (như cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân...) bị Viện kiểm sát truy tố theo khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Riêng cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Trần Việt Thái cùng 3 thuộc cấp của ông bị truy tố "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; 23 bị cáo chủ yếu là đại diện cho các doanh nghiệp lữ hành du lịch bị truy tố ở nhóm tội "Đưa hối lộ".
Ngoài ra, cựu Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Công an Hà Nội cùng 3 đồng phạm khác bị truy tố tội "Môi giới hối lộ".
Theo quyết định đưa ra xét xử, tòa triệu tập 16 công ty và hàng chục cá nhân khác là người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Quá trình điều tra nhiều bị cáo đã tự nguyện hoặc tác động gia đình nộp lại một phần hoặc toàn bộ số tiền nhận hối lộ, môi giới hối lộ... Như bị cáo Chử Xuân Dũng (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội) bị cáo buộc đã nhận hối lộ 7 lần, tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng. Luật sư Trịnh Văn Tuyến (bào chữa cho ông Dũng) cho hay, gia đình bị cáo đã chủ động nộp lại hơn 1,7 tỷ đồng, hiện ông Dũng tiếp tục tác động, nhờ người thân nộp hộ nốt số còn lại, theo TPO.
Các bị cáo Trần Văn Tân, Tô Anh Dũng, Nguyễn Quang Linh… cũng đều tự nguyện nộp lại tiền khắc phục hậu quả.
Theo cáo trạng, đầu năm 2020, dịch COVID-19 xuất hiện, bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc và lan rộng ra toàn thế giới. Giải quyết vấn đề công dân Việt Nam ở nước ngoài trong đại dịch này, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương tổ chức các chuyến bay đưa công dân ở nước ngoài có nguyện vọng về nước để phòng tránh dịch bệnh, và giao Chính phủ tổ chức thực hiện.
Lợi dụng tình hình dịch bệnh, các nhóm lợi ích đã trục lợi từ quyền cấp phép các chuyến bay và nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Trong quá trình nắm tình hình, Cục An ninh đối ngoại, Bộ Công an có thông tin về việc một số công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước phải trả phí cao.
Không chỉ phía người dân, một số doanh nghiệp cũng bị một số cơ quan có chức năng cấp phép đưa ra những yêu cầu gây khó khăn, nhũng nhiễu cho các doanh nghiệp để họ phải tìm cách tiếp xúc, gặp gỡ và thỏa thuận về chi phí, đưa hối lộ cho các cá nhân được giao nhiệm vụ…, tạo ra dư luận không tốt về các chuyến bay giải cứu.
Trước tình hình trên, Cục An ninh đối ngoại đã báo cáo lãnh đạo Bộ Công an, chủ động nắm bắt thông tin.
Quá trình thu thập tài liệu xác định, khi đại dịch COVID -19 gây thiệt hại đặc biệt lớn, Đảng và Nhà nước đã yêu cầu cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp vào cuộc, chung tay cùng Chính phủ giải quyết các vấn đề trong đại dịch COVID, trong đó có vấn đề đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước.
Nhưng một số lãnh đạo và cán bộ ở bộ, ngành trung ương và lãnh đạo tại một số địa phương được Chính phủ giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này lại đi ngược với mục tiêu đã đề ra, trục lợi trong hoàn cảnh cả thế giới và trong nước lâm vào cảnh khó khăn, chết chóc do đại dịch gây ra, theo CAO.
Hành vi vi phạm của các cá nhân đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước; làm thay đổi tính chất nhân đạo trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài nói chung và trong hoàn cảnh đặc biệt người dân cần đến Chính phủ trong đại dịch COVID-19 nói riêng; làm ảnh hưởng lòng tin của quần chúng nhân dân…
Từ tình hình trên, ngày 27/1/2022, Cục An ninh đối ngoại có văn bản kiến nghị và bàn giao toàn bộ hồ sơ liên quan đến Cơ quan An ninh điều tra tiếp nhận, khởi tố, điều tra làm rõ hành vi có dấu hiệu "Nhận hối lộ" của một số cá nhân là lãnh đạo, cán bộ của Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao trong việc xét duyệt, cấp phép cho các doanh nghiệp tổ chức thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước tự trả phí (Chương trình "Combo").
Căn cứ tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, ngày 27/1/2022, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố vụ án hình sự "Nhận hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao.
Quá trình điều tra vụ án, ngày 25, 26/12/2022, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an nhận được đơn của 2 bị can tố cáo một cán bộ cơ quan tiến hành tố tụng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền để "lo" cho các bị can không bị xử lý.
Căn cứ kết quả điều tra, ngày 6/1/2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án hình sự "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại TP Hà Nội; ngày 29/3, ra quyết định nhập vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại TP Hà Nội với vụ "Đưa hối lộ; nhận hối lộ; môi giới hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Bộ Ngoại giao, Hà Nội và một số tỉnh, thành phố để điều tra theo quy định của pháp luật.
(Tổng hợp)