Sáng 22/7, các bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" tiếp tục nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử (HĐXX) bước vào phần nghị án.
Trước bục khai báo, bị cáo Trần Văn Tân, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nói trong quá trình công tác đã hết lòng, hết sức vì một Quảng Nam phát triển.
Trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19, bị cáo đã tận hiến tất cả những gì có thể để phục vụ nhân dân nói chung và quê hương Quảng Nam nói riêng nên bị cáo không có gì phải hối tiếc.
Về phần gia đình mình, vợ con bị cáo đã vượt qua những khó khăn, thách thức rất lớn do bị cáo gây ra, hiện họ lao động, học tập tốt, cuộc sống tạm ổn. Bản thân ông Tân chỉ tiếc duy nhất một điều là đã nhận quà cảm ơn bằng tiền của một vị đại diện doanh nghiệp.
Sau khi bị bắt ông Tân đã thấm thía hành vi phạm tội của mình nên ngay từ đầu đã tự viết bản tường trình thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, chủ động khắc phục hậu quả, theo Dân trí.
Bị cáo cho biết mình được sinh ra trong gia đình cách mạng, tứ thân phụ mẫu đều là thương binh, quá trình công tác được nhiều thành tích xuất sắc nên mong HĐXX xem xét bao dung, khoan hồng.
Theo cựu Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam, đại dịch COVID-19 đã cướp đi tính mạng, sức khỏe của hàng triệu người trên thế giới trong đó có Việt Nam. Riêng ở Việt Nam đại dịch này còn gây thêm một mất mát lớn nữa đó là mất cán bộ và sẽ còn mất nhiều cán bộ nữa do các nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan.
"Tôi sẵn sàng chấp nhận tất cả những gì xảy ra với mình trong giây phút này, đó là sự trả nghiệp hoàn hảo nhất. Tôi sẽ chấp hành hình phạt thật tốt để sớm về với Quảng Nam yêu thương, trở về với vợ con", bị cáo Tân nói.
Bị cáo Trần Văn Tân nhận hối lộ 5 tỷ đồng, bị đề nghị mức án 8-9 năm tù.
Bị cáo Lý Tiến Hùng (cựu Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga) nói rằng, việc nào có lợi cho dân hết sức làm, việc nào có hại hết sức tránh nhưng thời điểm dịch COVID-19 đã không giữ được bản thân dẫn đến sai phạm.
Mục đích chỉ muốn đưa được càng nhiều sinh viên về nước càng tốt, nhanh nhất càng tốt để các em đỡ khó khăn trong khi dịch bệnh COVID-19 ngày càng nguy hiểm.
Thời điểm đó bị cáo trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, nếu không đưa các sinh viên về thì lại đi ngược với chủ trương của Chính phủ về việc "không bỏ ai lại phía sau", còn đưa về thì lại vướng vào vòng lao lý, bị cáo nhận thức rõ được điều này. Bị cáo không dám, không muốn và thực sự không đòi hỏi, vòi vĩnh quà cảm ơn.
Bị cáo Lý Tiến Hùng nhận hối lộ hơn 400 triệu đồng, bị đề nghị 2-3 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Hoàng Linh (cựu Bí thư thứ hai, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia) gửi lời xin lỗi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân và người thân. Bị cáo nói từ khi công tác tại cơ quan đại diện Malaysia, bản thân luôn giữ ngọn lửa nhiệt huyết, bất cứ công việc gì cũng tham gia tận tâm, hết mình.
Bị cáo mong muốn HĐXX xem xét để được hưởng mức án nhẹ nhất, sớm trở về chăm sóc gia đình.
Nguyễn Hoàng Linh bị đề nghị 4-5 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bluesky là người đưa hối lộ nhiều nhất vụ chuyến bay giải cứu với hơn 100 tỷ đồng. Năm 2022, Hằng nhờ bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, khi đó là Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an Hà Nội giúp.
Ông Tuấn giới thiệu Hằng đến gặp Hoàng Văn Hưng, khi đó là Trưởng phòng, điều tra viên chính vụ án và được giúp đỡ. Cáo trạng thể hiện Hằng đưa cho ông Tuấn hơn 60 tỷ đồng, nhờ chuyển cho Hưng.
Ông Tuấn khai giúp Hằng "chạy án" vì quen biết nhau 10 năm và: "Thương cô Hằng như em gái".
Viện kiểm sát đề nghị tòa phạt Hằng từ 10 – 11 năm tù vì tội "Đưa hối lộ"; ông Tuấn từ 5 – 6 năm tù về tội "Mối giới hối lộ" còn Hoàng Văn Hưng từ 19 – 20 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".
Nói lời sau cùng sáng 22/7, bị cáo Hằng trình bày thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19 có mong muốn đưa được nhiều công dân từ nước ngoài về nước nên xin nhiều thủ tục cấp phép các chuyến bay đưa công dân về nước nhưng: "Đưa càng nhiều công dân về nước thì tội càng nặng".
Nói về bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, bị cáo Hằng khóc, nói: "Bị cáo xin giảm án cho anh Nguyễn Anh Tuấn bởi chính bị cáo đã đưa anh ấy vào vòng lao lý. Nếu được, bị cáo xin Hội đồng xét xử cộng những ngày tháng bị giam của anh Tuấn vào bản án của bị cáo để anh ấy được về chăm sóc mẹ già và chữa bệnh".
Phần ông Nguyễn Anh Tuấn, khi nói lời sau cùng ông Tuấn cho hay việc phải đứng trước tòa là điều rất đau xót, ân hận và ăn năn với lỗi lầm của mình.
"Vì thương người, vì tin người mà bị cáo đã mắc sai lầm dẫn đến vi phạm pháp luật. Với vi phạm pháp luật của mình bị cáo rất đau khổ. 44 năm công tác trong lực lượng Công an nhân dân, bị cáo đã rất cố gắng phấn đấu, rèn luyện cuối cùng vấp ngã khi chuẩn bị nghỉ", bị cáo Tuấn chia sẻ.
Cựu Thiếu tướng gửi lời xin lỗi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an, Ban giám đốc và toàn bộ cán bộ, chiến sĩ Công an TP.Hà Nội vì sai lầm của mình mà làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của lực lượng Công an nhân dân.
Ông Tuấn mong được hưởng một mức án nhẹ nhất: "Bị cáo đã 62 tuổi, lại mắc bệnh ung thư thực quản nên mong Hội đồng xét xử cân nhắc, xem xét cho bị cáo một mức án để sớm có thể trở về với gia đình và tiếp tục chữa bệnh, chăm sóc mẹ già 87 tuổi", theo Dân Việt.
Với Hoàng Văn Hưng, anh ta tiếp tục khẳng định mình bị oan khi nói lời sau cùng và "sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng của mình để tìm lại sự trong sạch cho bản thân".
Bị cáo Hưng cho hay, bản thân luôn luôn tin tưởng rằng, với tinh thần thượng tôn pháp luật, với sự sáng suốt cùng kinh nghiệm xử án, với sự quyết đoán và bản lĩnh của những người "cầm cân nảy mực", Hội đồng xét xử sẽ: "Có cái nhìn thấu đáo nhất, có phân tích thận trọng, khách quan, đầy đủ, toàn diện về vụ việc. Trên cơ sở đó đưa ra 1 phán quyết chính xác nhất, đúng quy định pháp luật nhất, đảm bảo tránh oan sai cho bị cáo".
Chiều 28/7, tòa sẽ tuyên án sơ thẩm.
(Tổng hợp)