Tháng 3 vừa qua, cuốn hồi ký của ca sĩ kỳ cựu Cissy Houston kể về cuộc đời và sự nghiệp của con gái mình là Diva Whitney Houston có tên gọi "Thương nhớ Whitney" (Remembering Whitney) đã được ra mắt độc giả Việt Nam. Cuốn hồi ký hé lộ nhiều góc khuất chưa ai biết về cuộc đời đầy thăng trầm, vinh quang, tủi nhục lẫn cay đắng của diva da màu hàng đầu thế giới này, từ thưở ấu thơ tới khi nhắm mắt xuôi tay.
Tuy nhiên, cuốn hồi ký chỉ là những lời tâm sự của một người mẹ về cô con gái yêu dấu đã mất, chưa thể hiện hết được tài năng xuất chúng và những ảnh hưởng mạnh mẽ của Whitney Houston đối với nền âm nhạc đại chúng trong suốt thế kỷ XX và nhiều thế hệ sau này.
Bài viết này mong muốn đóng góp một góc nhìn nhỏ bé về tiếng hát Whitney Houston trong dòng chảy âm nhạc đại chúng hàng trăm năm qua.
Whitney không sở hữu một quãng giọng rộng như Mariah Carey hay Christina Aguilera, không đạt tới những note whistle (nốt huýt gió) rực rỡ như Minnie Riperton, không xuống những note trầm rợn ngợp như Toni Braxton, không thể hát với chất giọng khàn ma mị như Nina Simone, cũng không luyến được những quãng cao bừng sáng như Aretha Franklin hay Patti Labelle... nhưng trong suốt chặng đường gần 30 năm ca hát, với tài năng, sự lao động nghệ thuật miệt mài và những tài năng bẩm sinh đặc biệt, cũng như biến cố riêng của số phận, sự nghiệp đã làm nên một Whitney với chất giọng đa thanh, biến hóa phong phú bậc nhất của nền âm nhạc đại chúng thế kỉ XX.
Nữ ca sỹ trải qua ba loại giọng
Người ta vẫn thường ví rằng nếu Opera có Maria Callas thì Pop có Whitney Houston. Những ca sĩ không hoàn thiện về giọng hát lẫn kĩ thuật nhưng bằng bản năng, sự hoang dại, tự nhiên bẩm sinh đã tạo nên những đỉnh cao trong âm nhạc mà ít ai chạm tới được. Tất nhiên, cũng cần nói thêm những đối trọng khác như Joan Sutherland - Mariah Carey (hai giọng nữ cao màu sắc phong phú), Montserrat Caballe (hai giọng nữ cao bài bản với kĩ thuật hoàn thiện và khả năng giữ giọng bền bỉ), nhưng trong bài viết này chỉ xin nói về Whitney Houston.
Loại giọng (vocal type) là cái bẩm sinh gắn liền với ca sĩ. Đối với một ca sĩ đại chúng thông thường (trừ opera), loại giọng của họ hầu như không bao giờ thay đổi trong suốt cuộc đời, sinh ra là soprano (nữ cao) thì mãi là soprano, là mezzo (nữ trung) thì mãi là mezzo, là contralto (nữ trầm) thì mãi là contralto. Nhưng với Whitney, cô trải qua tận ba loại giọng trong suốt thời gian ca hát, từ soprano (giai đọan 1984 - 1986) đến mezzo soprano (giai đọan 1988 - 1993) đến mezzo alto (giai đọan 1998 - 2010) với sự thay đổi rõ rệt cả về âm sắc lẫn cao độ, trường độ và cách hát. Không chỉ như vậy, nếu ai hay nghe Whitney sẽ thấy cô có sự biến đổi giọng hát rất mau lẹ, cứ một năm thay đổi một lần, mời các bạn nghe ca khúc "You give good love Whitney" live năm 1985 và 1987 để thấy sự khác biệt trong giọng hát này.
"You Give Good Love" Whitney live tại Soul Train Awards năm 1985
Thậm chí, trong cùng một năm, giọng cô cũng có thể thay đổi nhiều lần, ví dụ như hai màn live "Saving all my love for you" ở Letterman 1985 và Joan Rivers show 1985 là hai kiểu giọng khác nhau. Đó là lí do vì sao Whitney không có bất cứ màn live nào giống màn live nào, cùng một ca khúc nhưng live 100 lần thì là 100 phiên bản khác nhau, khiến đa số mọi người đều thích thú tìm nghe các bản live của cô hơn là bản thu âm studio đã nghe mòn tai. Đây là điều ít xảy ra ở các ca sĩ khác.
Chúng ta cũng không thể tìm được một bản live nào của cô giống với bản âm studio, vì không chỉ thay đổi cách hát, cách phiêu, mà ngay cả âm sắc giọng của cô cũng không bao giờ giống với studio. Chẳng hạn như ca khúc "One moment in time", chất giọng của cô ở màn live tại Grammy 1989 dày hơn rất nhiều so với bản thu âm. Hay như ca khúc "Didn't we almost have it all" của cô, có một màn live được Vevo lấy làm video clip (vì ca khúc này không có video clip) đã khiến nhiều người ngỡ ngàng vì nó quá khác so với bản thu âm, không chỉ ở cách hát, sự sáng tạo mà ngay ở chất giọng cũng khác lạ, nhẹ hơn, mềm mại hơn nhưng cũng không kém phần mãnh liệt. Ngoài ra, nếu tìm các bản live của ca khúc này, ta cũng thấy không live nào giống live nào.
Việc chuyển biến giọng hát của Whitney có thể tạm tóm tắt trong những nguyên nhân sau:
- Cách hát tự nhiên quá mức dẫn đến việc hát với thanh quản cao.
- Mật độ đi hát, đi tour dày đặc, ngay cả khi bị ốm.
- Giai đọan đầu thường hay hát quá mức với thanh quản của mình.
- Sảy thai hai lần.
- Có hạch ở cổ.
- Trải qua cuộc phẫu thuật thanh quản, nhưng không có chế độ nghỉ ngơi thích hợp.
- Lạm dụng bia rượu, thuốc lá, thuốc phiện.
- Đời sống cá nhân không hạnh phúc, áp lực dồn nén từ nhiều phía.
Sau đây, xin được nói qua về loại giọng của Whitney qua các giai đọan để thấy được sự đa thanh trong giọng hát của cô. Đầu tiên là giai đọan soprano, cũng là giai đọan mà chất giọng của cô đẹp nhất, hiếm nhất đối với chính bản thân cô, cái mà mọi người thường nói là chất giọng một đi không trở lại.
"Con bé chỉ biết hát Gospel" trở thành một diva nhạc Pop
Soprano có nhiều loại khác nhau như dramatic soprano, lirico spinto soprano, lirico soprano, coloratura soprano... vậy giọng Whitney thuộc loại nào?
Nhiều người cho rằng Whitney thuộc loại dramatic soprano (nữ cao kịch tính) vì cách hát mạnh mẽ, đầy cao trào của cô, nhưng thực tế không phải vậy. Một dramatic soprano phải có một âm lượng cực lớn, âm sắc đanh, sáng, chuyên trị những ca khúc kịch tính từ đầu đến cuối mà không lo mất giọng, điển hình như Patti Labelle (có thể hát không cần mic trên một sân khấu lớn chỉ bằng giọng ngực chứ không cần đến head voice như bên opera). Thực tế âm lượng của Whitney to ở mức vừa phải, không thể to vượt mức như Jennifer Holliday, Aretha Franklin, Patti Labelle, Rachael....
Có thể thấy khi hát chung với các vocalist da màu có giọng to khủng, Whitney khá khiêm tốn về âm lượng. Một trong những nguyên nhân khiến Whitney bị mất giọng chính là việc hát kịch tính quá nhiều trong những năm đầu sự nghiệp, trong khi bản chất của cô không phải kịch tính. Ta bắt gặp điểm chung này ở diva opera Elena Souliotis, việc hát quá nhiều vai kịch tính cũng khiến cho bà bị mất giọng và buộc phải nghỉ hưu sớm. Hay một trường hợp tương tự hiện nay là Christina Aguilera, cô ca sĩ này cũng bị mất giọng khi cố ép thanh quản thấp để hát kịch tính trong khi giọng hát chỉ dừng ở một lirico soprano. Sở dĩ Whitney có thể hát một cách mạnh mẽ, căng tràn nhờ chất giọng dày hơn người, kĩ thuật vang tốt và đặc biệt là khả năng kiểm sóat hơi thở bậc thầy. Những màn live đậm chất kịch tính của Whitney chủ yếu nằm ở giai đọan mezzo nhiều hơn.
Whitney cũng không phải một lirico soprano như Lara Fabian hay Christina Aguilera, vì khi hát những đoạn cao trào, cô vẫn đủ sức hát kịch tính một cách đầy uy lực, thoải mái với âm sắc khá đanh đậm chất da màu, chứ không bị gượng ép, căng thẳng, vỡ note, chói như Christina, cũng không mềm mại, chau chuốt như Lara.
Và Whitney lại càng không phải giọng coloratura (nữ cao màu sắc) như Mariah Carey hay Minnie Riperton, cô không thể lên những note cao chót vót, giọng hát của cô cũng không có có đủ chất thánh thót, linh hoạt trên những quãng cao vượt mức.
Đáp án chính xác nhất cho loại giọng của Whitney giai đoạn đầu là spinto soprano, nữ cao trữ tình có thể chuyển sang kịch tính ở những đoạn cao trào. Đây chính là loại giọng thích hợp nhất để biến Whitney từ một "con bé chỉ biết hát Gospel nhạc Phúc âm" trở thành một diva nhạc pop. Thử tưởng tượng mà xem, nếu Whitney là một dramatic soprano, cô sẽ chỉ biết hát mạnh mẽ các quãng cao suốt ngày như Patti Labelle, và như thế, cô sẽ chỉ quanh quẩn ở soul/gospel, không thể lấn sân sang nhạc pop, không thể trở thành "nữ hoàng của những bản tình ca" được, dù có cố hát nhẹ nhàng cũng thật gượng ép, thiếu tự nhiên. Nếu cô chỉ là một lirico soprano, chúng ta sẽ không thể có được Whitney Houston với tiếng hát mạnh mẽ như bão tố, phổ biến lối hát kịch tính đầy cao trào dành riêng cho các giọng nữ. Sự dung hòa giữ chất kịch tính và trữ tình là tiền đề quan trọng giúp Whitney có thể bước ra khỏi môi trường nhà thờ của những ca sĩ gospel (ca sỹ hát Phúc âm trong nhà thờ) để bước lên sân khấu nhạc pop đại chúng đầy vinh quang.
Sau đây, mời các bạn nghe thử chất lirico đích thực trong giọng hát của Whitney qua ca khúc "If you say my eyes are beautiful" song ca với anh trai của Michael Jackson, rất ngọt ngào, đằm thắm một cách tự nhiên, trong vắt đúng chất một giọng ca trinh nữ thuần khiết. Cách sử dụng falsetto của Whitney trên những quãng trung thật tuyệt vời, nó làm giọng cô trở nên sáng, mượt và cao hơn nhiều.
Hay như màn live ca khúc "All at once" sau đây, đoạn đầu cô hát rất nhẹ nhàng, tình tứ, ngọt ngào, nhưng đoạn cao trào lại chuyển sang kịch tính. Sự chuyển giọng từ falsetto (giọng giả thanh) sang head voice (giọng óc), rồi lại sang chest voice (giọng ngực) rất tinh tế, ít ai làm được.
Có thể thấy, sự hòa trộn giữa chất lirico và chất dramatic trong giọng hát đã giúp Whitney trở nên linh hoạt, dù hát pop, gospel hay r&b cô cũng đạt được những thành công vượt trội. Cô có thể hóa mình thành một cô gái mới lớn đầy trong sáng, ngọt ngào trong những bản tình ca, ngay lập tức lại có thể hùng vĩ lồng lộng trong những bản tráng ca, quốc ca, rồi lại có thể trở nên bão tố, rực cháy như một ca sĩ gospel đích thực.
Cũng giống như nhiều soprano khác, giai đoạn đầu quãng giọng của Whitney không rộng lắm, cô hát note trầm khá mờ và hạn chế tối đa việc hát note trầm.
Những năm 1988, 1989 là giai đoạn đầu khi Whitney chuyển sang giọng mezzo. Lúc này, giọng cô là một mezzo soprano thực thụ, âm sắc dày và đanh hơn, nội lực hơn ở các quãng trung cao. Ở giai đoạn này, kĩ thuật của cô dần được hoàn thiện hơn trước, cô hát chắc hơn, giọng hát khỏe khoắn, bớt chói hơn và đạt đến độ dày hoàn hảo, có thể hát vang rền, nổi bật trên một dàn nhạc. Các quãng trầm cũng được cô chú ý phát triển nhiều hơn. Hơn nữa, cô cũng chú ý đến việc đặt đúng vị trí thanh quản của mình. Nếu nghe Whitney hát live ở giai đoạn này, ai cũng nghĩ cô đã đạt đến đỉnh của giọng hát.
Giai đoạn 1990, 1991 Whitney gặp nhiều sự cố lớn, việc sảy thai lần thứ nhất, bắt đầu hút thuốc phiện, áp lực từ việc album "I'm your baby tonight" thất bại hơn hai album trước, phải phẫu thuật thanh quản nhưng hát với mật độ dày khiến Whitney thường xuyên bị hụt giọng, mất giọng, chệch note, thậm chí là ho trên sân khấu. Nhưng cô vẫn có những phút xuất thần trên sân khấu mà điển hình là show diễn Welcome Heroes Home năm 1991 với vị trí thanh quản đúng, âm lượng to đột ngột, giọng vang rền đến không ngờ.
Giai đoạn 1994, Whitney có một sự tái xuất giọng hát đầy tuyệt vời. Thành công tột bậc của album "The bodyguard", kết hôn với người mình yêu, chào đón đứa con đầu lòng ra đời... rất nhiều niềm vui khôn xiết khiến Whitney trở thành một người phụ nữ viên mãn trong cả sự nghiệp lẫn gia đình. Vì thế mà cô hát đằm thắm, tinh tế hơn bao giờ hết. Giọng hát của Whitney lúc này chuyển dần sang mezzo alto, đã mất đi hoàn toàn độ sáng ban đầu, các quãng cao của cô bắt đầu giảm sút, cô lên F5 một cách khó khăn và gắt, không được thoải mái như trước đây, thay vào đó là rất dày và đặc biệt là có độ tối rất sâu. Thậm chí khi belting các quãng trung đạt đến độ tối hơn cả một giọng alto thông thường, nên nghe uy lực và âm sắc giống như giọng một người đàn ông.
Các quãng trầm của Whitney giai đoạn này đã hoàn thiện toàn bộ, đạt được độ dày, sâu và tối không thua gì một giọng alto nào. Khán giả có thể nghe lại "I will always love you" tại Grammy 1994 để thấy được điều đó.
Cũng giai đoạn này, cô đã vươn đến đúng nghĩa một giọng dramatic mezzo với âm lượng to khủng khiếp. Whitney có thể ngẫu hứng một đoạn opera cùng với danh ca opera Pavarotti mà không hề bị lép vế quá mức trước uy lực của ông. Điều này cũng cho thấy kĩ thuật head voice của cô đã đạt tới mức thượng thừa của nhạc pop.
Nếu ai quen nghe âm thanh, hẳn sẽ nhận ra âm lượng của Whitney trong màn live này to một cách đột biến hơn so với tất cả các màn live trước đây.
Thật ít giọng hát nào có thể hát kịch tính với những quãng cao trào, dày và mạnh liên tục trong suốt 10 phút như Whitney trong màn live này. Về cường độ giọng hát, Whitney có thể không bằng nhiều người, nhưng về độ dày thì rất khó tìm được một người như cô.
Tuy kịch tính là vậy, nhưng Whitney vẫn luôn giữ được chất lirico trong giọng hát của mình. Chẳng thế mà cô hát "I will always love you" vẫn rất ngọt ngào, đoạn "and i..." bằng falsetto mở màn ca khúc, cho đến nay vẫn chưa ai hát tình tứ, ngọt ngào mà lại có đủ độ dày như cô, còn những đoạn luyến láy bằng head voice lại vô cùng tinh tế, khẳng định sự vững vàng và chín muồi trong cảm xúc như giọng hát của Whitney.
Điều đặc biệt hơn cả, chất lirico giúp Whitney hát gospel với phong cách khác hẳn nhiều ca sĩ trước đó, cô hát mạnh mẽ, nhưng cũng ngọt ngào và ấm áp vô cùng, thể hiện đúng tâm tư của một người phụ nữ đã có gia đình. Sau đây, xin mời nghe ca khúc This day, nếu Jennifer Holiday hát mạnh mẽ bao nhiêu thì Whitney tiết chế, dịu dàng bấy nhiêu. Không những thế, cô còn có thể áp dụng kĩ thuật pianissimo (vuốt nhỏ tiếng) của opera bel canto khá mượt mà.
Về ca khúc "I will always love you", ai cũng nghĩ rằng bản trong phim được thu trước bản phát hành trong album vì giọng cô nhẹ và mảnh hơn, nhưng thực tế bản này được thu sau, và bị thu một cách miễn cưỡng. Trong hồi kí của Cissy Houston có kể rằng hôm ấy, sau khi hoàn tất phần thu âm cho album chính, đột nhiên Clive David gọi Whitney đến, yêu cầu cô thu lại ba bài hát là "I will always love you", hay "I have nothing, run to you" để lồng vào cảnh phim. Cô rất bực bội nên đã thu liền một mạch không nghỉ, không chỉnh sửa cắt xén, thu "một lần ăn ngay". Và thật lạ lùng là cả ba bản thu mới này giọng của nữ danh ca đều nhẹ và mảnh hơn so với ba bản thu trước. Vậy mới nói giọng cô rất đặc biệt, nó thay đổi theo mọi chiều hướng không ai ngờ tới, luôn biến đổi ngay trong một bài hát.
Chưa kể đến năm 1997, trong lúc đang mất giọng, vẫn có lần cô hát ca khúc này với chất giọng và cách hát của năm 1994.
Cuối cùng là giai đoạn mezzo alto hoàn toàn, giai đoạn 1998 1999 trở về sau này.
Những sinh khí mới
Những rạn nứt, đổ vỡ trong hôn nhân và gia đình, việc lạm dụng thuốc phiện và bia rượu khiến Whitney mất đi hoàn toàn chất giọng khỏe khoắn thời son trẻ của mình. Nhưng người ta vẫn nói "liệu cơm mà gắp mắm", Whitney thừa biết sự biến đổi giọng hát của mình, vì thế cô không hát power ballad nữa. Thay vào đó, cô đi tìm chất liệu âm nhạc mới phù hợp với chất giọng mới của mình. Kết quả là sự ra đời của "My love is your love", album nhạc r&b hip hop đầy ngẫu hứng với chất đường phố, khác hẳn những album trước đó.
Sự thực, Whitney chịu ảnh hưởng từ phong cách hip hop đường phố của người da màu ngay từ album "I'm your baby tonight", nhưng phải đến album này, cô mới phát huy được nó một cách triệt để và thăng hoa nhất. Nhiều nhà chuyên môn đánh giá album này cao hơn mọi album trước của Whitney, khi cô không tập trung khoe giọng hát trời ban mà chú ý hơn tới hòa âm, phối khí, giai điệu, sáng tạo những lối hát mới. Quả nhiên, Whitney đã biết cách phát huy thế mạnh mới của mình, cô ít động đến những note cao mà gần như phiêu trên những quãng trung trầm, đặc biệt là quãng trầm và tôi luyện những kĩ thuật ngắt giọng, luyến giọng, nhả chữ kiểu mới của dòng r&b hip hop đương đại.
Sau này, nhiều ca sĩ tự hào rằng mình có thể cover những bài hát thời hoàng kim của Whitney, nhưng họ sẽ không bao giờ cover được những ca khúc trong giai đoạn này, vì Whitney đã tìm ra những lối hát mới, những lối hát thấm nhuần tâm hồn và con người cô, một người phụ nữ da màu đích thực, mà nếu chỉ hát bằng cổ họng, không hát bằng tư duy, tâm hồn thì không thể hát được. Chẳng hạn như ca khúc "It's not right but it's ok", tưởng như dễ hát vì chẳng có đoạn cao trào nào, nhưng biến tấu nhanh chậm thất thường của nó rất khó nhằn, khiến chẳng ai dám động vào.
Hay như ca khúc "Hearbreak hotel", Whitney hát rất nhẹ nhàng, chậm rãi như thủ thỉ, nhưng lại thực hiện toàn bộ trên quãng trầm và hát theo kiểu "thả hơi" như Toni Braxton, nếu không có một chất giọng đẹp và khả năng kiểm soát hơi thở, quãng trầm tốt thì khó mà hát được như cô.
Đặc trưng rõ nét nhất trong giọng hát của Whitney giai đọan này là kiểu hát bỏ lửng, là cách hát lên giọng nhưng không lên toàn bộ mà chỉ lên tới lưng chừng rồi đổ xuống nhỏ dần, kèm theo hàng lọat chuỗi melisma, chạy note liên tục, rất đa dạng và linh hoạt, điều mà đã được nhiều ca sĩ trẻ sau này học hỏi. Ai nghe quen với cách hát trước đây của cô sẽ cảm thấy hụt hẫng, nhưng nếu chịu khó thay đổi tư duy âm nhạc và tai nghe của mình, bạn sẽ cảm nhận rõ hơn luồng sinh khí mới, tươi trẻ và đầy sức sống từ chất giọng đã xế chiều này. Có thể nói, Whitney giai đọan 1998 là sự kết hợp giữa Toni Braxton, Janet Jackson và Mary J.Blige. Giai đoạn này, dù giọng đã đi xuống rõ rệt, nhưng một lần nữa, Whitney vẫn chứng tỏ được ảnh hưởng của mình tới các thế hệ ca sĩ sau này.
Chất giọng mezzo alto tồn tại cùng Whitney trong suốt quãng thời gian sau này. Cùng với sự xuống dốc trầm trọng về sức khỏe, giọng hát của cô ngày càng tối và khàn, đục hơn.Việc kiểm sóat hơi thở ngày một khó khăn khiến cô không thể hát được các quãng cao cũng như những quãng dài. Nhưng nếu so với các ca sĩ trẻ ngày nay, cô vẫn xứng đáng là một bậc thầy hát live. Năm 2009, cô tái xuất tại AMA với màn trình diễn "I didn't know my own strength" đã khiến nhiều khán giả bất ngờ bởi những note trầm rất tốt khỏe khoắn, vang khắp cả sân khấu.
Whitney tuy không phải một giọng hát hoàn hảo, nhưng xứng đáng là một trong những tiếng hát đa thanh bậc nhất của nền âm nhạc đại chúng thế kỉ XX. Dù trải qua nhiều giai đọan biến đổi giọng hát, nhưng cô chưa bao giờ lúng túng trước cái mới mà luôn biết xử lí linh họat, lao động nghiêm túc với những gì mình có. Âm nhạc với Whitney không phải sự khoe giọng một cách vô cảm, mà là sự thăng hoa của cảm xúc, xen lẫn tài năng trời phú và sự khổ luyện.
Sẽ phải rất lâu nữa, thế giới mới lại có một tiếng hát đa dạng, quý giá như Whitney Houston.
Cuộc hôn nhân 30 năm hạnh phúc của danh ca Khánh Hà với chồng kém tuổi
Sau đổ vỡ hôn nhân khi còn quá trẻ, Khánh Hà đã tìm được tình yêu đích thực của đời mình là ca sĩ Tô Chấn Phong.