WHO cảnh báo tốc độ COVID-19 lây lan ở châu Âu 'rất đáng lo ngại'

Số ca COVID-19 đang đạt mức kỷ lục ở nhiều quốc gia trên khắp châu Âu trong mùa đông, khiến Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi hành động.

Giám đốc WHO phụ trách khu vực châu Âu Hans Kluge bày tỏ đặc biệt lo ngại về mức độ lây truyền dịch bệnh ở 53 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Âu.

Các ca mắc mới đang tiệm cận những mức kỷ lục từng ghi nhận trước đây, tăng đặc biệt nhanh với sự xuất hiện của biến thể Delta của COVID-19.

Tình trạng gia tăng số ca mắc mới COVID-19 được ghi nhận ở tất cả các lứa tuổi. Quan chức này cho biết thêm một mô hình dự báo đáng tin cậy chỉ ra rằng đến tháng 2/2022, châu Âu có thể ghi nhận thêm khoảng 500.000 ca tử vong vì COVID-19 nếu tình hình hiện nay tiếp diễn.

Theo TTXVN, thống kê của WHO chỉ ra tổng số ca mắc COVID-19 của châu Âu khoảng 78 triệu ca đang vượt tổng số ca ở các khu vực khác gồm Đông và Nam Á, Trung Đông, Tây Thái Bình Dương và châu Phi cộng lại. Ông Kluge cho rằng châu Âu lại một lần nữa trở thành tâm dịch của thế giới. Theo quan chức WHO, những yếu tố như tỷ lệ bao phủ tiêm chủng chưa cao và việc nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và các quy định phòng dịch đã đẩy châu Âu vào tình cảnh hiện nay.

berlin41121.jpg

WHO mô tả làn sóng dịch bệnh mới ở châu Âu là một "mối lo ngại nghiêm trọng". Số ca mắc bệnh tăng vọt, đặc biệt là ở Đông Âu, cũng làm nổ ra nhiều cuộc tranh luận về việc có nên tái áp dụng các biện pháp hạn chế di chuyển trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và làm thế nào để thuyết phục nhiều người dân đi tiêm chủng hơn.

Trong khi đó, một số quốc gia ở châu Á, ngoại trừ Trung Quốc, đang mở cửa trở lại lĩnh vực du lịch.

COVID-19 lây lan nhanh hơn vào những tháng mùa đông khi mọi người tụ tập trong nhà.

Khu vực châu Âu đang ghi nhận số ca mắc mới tăng 6% trong tuần trước, tương đương gần 1,8 triệu ca. Số người chết tăng 12% trong cùng kỳ.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, báo cáo 33.949 ca nhiễm mới, mức tăng hàng ngày cao nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu. Số ca ở Nga và Ukraine cũng đang tăng vọt.

Số ca hàng ngày ở Áo cũng tăng lên gần mức kỷ lục cách đây một năm, khiến cho khả năng nước này phải thực hiện các biện pháp phong tỏa ngày càng nhiều hơn.

Tỷ lệ nhiễm virus ở Anh tăng lên mức cao nhất vào tháng 10, Đại học Hoàng gia London cho biết, số lượng ca bệnh ở trẻ em cao và số ca ở phía Tây Nam tăng.

Slovakia báo cáo 6.713 ca mới, cũng là một kỷ lục, trong khi số ca mới hàng ngày ở Hungary tăng hơn gấp đôi so với tuần trước lên 6.268. Ba Lan, nền kinh tế lớn nhất Đông Âu, báo cáo 15.515 ca vào 4/11, con số cao nhất kể từ tháng 4. Croatia và Slovenia cùng ngày đều báo cáo số ca mắc kỷ lục.

HẢI MY