WHO chưa công bố covid-19 là đại dịch

Tổng giám đốc Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho rằng dịch virus corona mới đã "đạt đỉnh" tại Trung Quốc, nhưng lo ngại việc tăng vọt ở nhiều nước.

Dùng từ "đại dịch" lúc này là "sớm"

Trong cuộc họp báo ngày 24/2 tại Thụy Sĩ, Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng hiện tại còn quá sớm để công bố covid-19 là đại dịch vì có thể làm dư luận hoang mang. Tuy nhiên với tình hình đạt đỉnh điểm ở Trung Quốc, số ca nhiễm tăng vọt không chỉ tại đây lại là mối "lo ngại sâu sắc", đặc biệt là việc lan rộng ở Ý, Hàn Quốc và Iran.

Ông Tedros lưu ý WHO đã tuyên bố đợt bùng phát virus corona là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu từ cuối tháng 1, khi số ca nhiễm tăng đột biến ở Trung Quốc. Thế giới vẫn có cơ hội để tránh được viễn cảnh đại dịch vì "virus chưa lây lan không thể khống chế toàn cầu" và không có tình trạng "ca bệnh nặng hoặc tử vong quy mô lớn".

Chính vì vậy cần phải mang lại hy vọng, can đảm cho các quốc gia về việc ngăn chặn virus. Trên thực tế có nhiều nước đã làm được việc đó. 

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus.

“Virus hoàn toàn có khả năng gây ra đại dịch nhưng chưa đến mức độ đó”, ông Tedros khẳng định. Nếu dùng từ “đại dịch” để nói về tình hình bây giờ chắc chắn sẽ gây ra sự sợ hãi trong cộng đồng. Dịch bệnh ở mỗi nước diễn biến khác nhau và đòi hỏi những biện pháp ứng phó riêng.

Cách đây 11 năm, WHO từng công bố dịch cúm H1N1 là đại dịch khiến nhiều người lo lắng và các công ty dược phẩm vào cuộc chế tạo vaccine, thuốc điều trị. Nhưng trên thực tế, hậu quả của nó lại không nghiêm trọng như vậy, điều này khiến WHO bị nhận vô số chỉ trích.

Người đứng đầu nhóm chuyên gia của WHO tới Trung Quốc khẳng định, các ca nhiễm ở Trung Quốc đang giảm đồng thời nhấn mạnh biện pháp phong tỏa Vũ Hán của Trung Quốc là đúng đắn. Nếu không nhờ điều này COVID-19 đã lan rộng ra toàn thế giới và cho rằng các nước nợ Trung Quốc một lời cảm ơn.

Dirk Pfeiffer, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Hong Kong, đánh giá mục tiêu mới trong cuộc chiến với virus corona là giảm rủi ro từ virus đối với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nếu bệnh trở nặng, tương tự cách điều trị cúm thông thường.

Chuyên gia lo ngại đại dịch

Ở một diễn biến khác, các chuyên gia y tế đánh giá mức độ bùng phát dịch là cao vì vậy cần xem xét việc chúng ta đang phải đối diện với "bờ vực của đại dịch".

Trả lời Zing.vn, giáo sư về bệnh truyền nhiễm ở Đại học Vanderbilt, thành phố Nashville, Mỹ, Tiến sĩ William Schaffner cho biết số ca nhiễm ở thành phố Daegu tăng nhanh khiến việc kiểm soát trở nên khó khăn vì số lượng người nhiễm quá đông, không ngăn chặn được việc tiếp xúc giữa mọi người. Ông William lo ngại về việc sang tuần mới sẽ có nhiều nước nhiễm dịch bệnh hơn.  “Chúng ta đang trước bờ vực nguy cấp để kiềm chế được virus hay không. Dường như nguy cơ càng cao đây sẽ trở thành một đại dịch”, ông Schaffner nói thêm.

Giáo sư dịch tễ học David Fisman của trường y tế cộng đồng, Đại học Toronto, Canada cũng bày tỏ sự bi quan về tình hình dịch bệnh sẽ khó kiểm soát. Dịch bệnh càng lan rộng, cơ hội kiểm soát càng hẹp đi. Trọng tâm bây giờ chính là "làm chậm sự lây lan", tuy nhiên thật khó vì “thế giới ngày nay có sự kết nối rất lớn”.

Dale Fisher, giáo sư bệnh truyền nhiễm, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) nói: “Bạn có thể coi Vũ Hán... là điều có thể xảy ra với mọi thành phố trên thế giới, nếu không kiểm soát được dịch bệnh”. Ông cho rằng thế giới đang ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”, mọi thứ luôn phải ở thế sẵn sàng. Thay vì đợi người ta đến viện thì hãy chủ động tìm ra ca bệnh.

Tiến sĩ Schaffner từ Tennessee, Mỹ, cho rằng các quyết định nhỏ của cá nhân cũng có sức ảnh hưởng lớn với cả thế giới, đơn cử như việc bệnh nhân số 31 từ chối xét nghiệm hay Nhật Bản không kiểm tra du khách thuyền Diamond Princess xuống bến mà không cách ly thêm. “Mỗi quyết định như vậy có thể mang tính địa phương, nhưng sẽ tạo ra cơ hội rất lớn cho virus. Có lẽ không thể hành động gì khác mới hơn hoặc kỳ diệu hơn, mà phải làm đúng mọi việc nhỏ nhưng đúng 100%”, ông nói thêm.

Thanh Mai

Phương pháp truyền dịch huyết tương điều trị dịch virus covid-19 được WHO công nhận

Phương pháp truyền dịch huyết tương điều trị dịch virus covid-19 được WHO công nhận

Trong bối cảnh dịch bệnh đang lan rộng và khiến toàn cầu hoang mang, việc phát triển phương pháp truyền dịch huyết tương là cách làm hợp lý.