Thời điểm này nhiều người đặt xe công nghệ gặp nhiều khó khăn, phải chờ đợi lâu. |
Khó gọi xe ngay cả khi cước gấp đôi
Anh Cường 32 tuổi trú tại Trung Văn (Hà Nội) đặt xe về Cầu Giấy nhưng khi đặt xong anh chờ rất lâu phải 20-30 phút sau mới có tài xế Grab nhận cuốc xe.
Anh Cường than thở: "Tôi đặt Grab qua gặp bạn nhưng đặt xong app cứ báo chờ, đang tìm kiếm tài xế, giá cước xe hiện tại đắt hơn nhiều mà tìm kiếm tài xế khó quá, mọi khi chưa đầy 1 phút đã có tài xế gọi lại rồi, khá là bất tiện nhưng do xe tôi đang hỏng nên chấp nhận không còn cách nào".
Tương tự anh Hứa Toàn 31 tuổi quê Yên Bái là chủ cửa hàng ruby đá quý, anh thường xuyên di chuyển đi lại Hà Nội để gặp gỡ khách hàng và phải đi nhiều địa điểm mua bán trong nội thành nhưng không thông thạo đường anh hay đặt xe công nghệ để đi lại cho tiện, nhưng gần đây anh thường xuyên gặp tình trạng khó đặt xe kể cả không phải khung giờ cao điểm, khi đặt được rồi nhưng tài xế huỷ không nhận nên anh chuyển qua đi xe truyền thống cho thuận tiện công việc.
Việc khó đặt khiến nhiều người nghĩ ra giải pháp mới. Chị Ngọc Mai, một khách hàng khác, chia sẻ: Tôi cũng gặp tình trạng khó đặt xe tương tự, nhưng giờ trước khi đi xe tôi lên nhóm xe công nghệ đăng bài đặt trước và thoả thuận với tài xế luôn tiện hơn, còn đợi tìm kiếm xế trên app khó và lâu lắm vì toàn bị huỷ cuốc xe.
Xăng tăng, chiết khấu cao, giới tài xế cũng kêu trời
Anh Nguyễn Hưng, tài xế công nghệ chạy nhiều năm, lý giải cho tình trạng tài xế ngại chạy xe gần đây: "Hồi mới đầu xe ôm công nghệ hot lắm đông khách chạy nên cũng dư ra được kha khá nhiều người theo. Nhưng dịch bùng phát kéo dài khiến tài xế chúng tôi lao đao khổ sở. Đến khi dịch kiểm soát được thì giá xăng tăng liên tục. 1 lít xăng hơn 32 nghìn trong khi giá cước rẻ, đón khách xa, đường tắc, nóng nực bao nhiêu thức bực bội dồn vào ... Thu nhập thì bèo bọt, mỗi cuốc trừ chiết khấu chẳng còn bao nhiêu, hôm nào gặp khách hàng đặt xe không để ý tự giác đón xe thì càng ức chế. Nên tài xế cũng phải tính để chạy cuốc xe nào có lãi"
Lịch sử cuốc xe chạy bị huỷ được một tài xế chia sẻ. |
Theo anh Nguyễn Thuận, một tài xế của Grab, mọi nguyên nhân bắt nguồn từ xăng tăng giá: "Tôi chạy nhiều nên có kinh nghiệm, bật app lên xem khu vực nào khách đặt nhiều cuốc thì tắt app chạy vào khu đó kiếm khách chạy kiểu truyền thống mới có lãi". Anh Thuận thừa nhận nếu cứ vô tư chạy theo khách do hệ thống nhận thì nhiều cuốc chạy còn lỗ. Tài xế bắt buộc phải sử dụng các mánh khoé như tắt app, huỷ cuốc, lên mạng thoả thuận trước với khách...
Tài xế công nghệ tắt app tìm nơi khách chung đông chạy truyền thống. |
Tài xế Nguyễn Ngọc Mai cho hay: "Ngày xưa đổ đầy bình xăng 80 nghìn, giờ tăng gấp đôi, xăng tăng giá cả sinh hoạt cũng tăng, giá phòng trọ cũng tăng theo. Năm ngoái tôi ăn cơm rang 30, giờ toàn 35- 40 nghìn, mỗi thứ một tí như thế cả tháng hết vài triệu. Không chạy ship thì không có tiền lo cho con cái mà chạy thì thu nhập bèo bọt quá".
Anh Tăng Văn Hoà chia sẻ về 10 cuốc xe mà anh đã hoàn thành trong ngày 12/6, nhưng tổng thu nhập chỉ có 145 nghìn/10 cuốc. |
Tài xế Tăng Văn Hòa chia sẻ: "Tôi chạy 10 cuốc xe hoàn thiện mà tổng thu nhập chưa nổi 200 nghìn đồng, cứ nghĩ chuyến ít tiền mà chịu khó chạy góp lại thì vẫn có lãi nhưng mà chạy đến 10 cuốc có được 145 nghìn thì cũng đến chịu". Anh Hoà nói thêm, trước đây hiện tượng tài xế tắt app chủ yếu vào giới cao điểm, một cuốc xe tốn nhiều thời gian mà chi phí không tăng. Nhưng hiện tại, cùng với giá tăng, chiết khấu cho hãng cũng ở mức rất cao, nên các tài xế tắt app đồng loạt ngày càng nhiều. Nhiều tài xế đăng ký nhiều hãng công nghệ khác nhau, giờ nào cước bên nào cao hôn thì mở bên đó. Nhiều người đã quay lại cách chạy truyền thống. Thế nên mặc dù lượng tài xế nhiều, nhưng khách vẫn khó đặt xe còn tài xế thì vẫn khó kiếm sống.
Trước giờ xăng tăng giá, người dân Hà Nội đồng loạt đi mua xăng dầu
Trước thông tin xăng dầu có khả năng tăng giá vào chiều nay, tranh thủ giờ trưa, người dân đã đồng loạt đổ xô đi mua xăng dầu.