Xét nghiệm COVID-19 với tôm, thịt, cánh gà nhập khẩu

Cục Thú y đã tổ chức xét nghiệm 200 mẫu tôm, thịt, cánh gà nhập khẩu. Kết quả, không phát hiện mẫu nào dương tính với SARS-CoV-2.

Ngày 3/9, ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Thú y (Bộ NN&PTNT), cho biết ngay sau khi có thông tin thực phẩm đông lạnh nhập khẩu có phơi nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Trung Quốc, Cục đã chỉ đạo hệ thống lấy gần 200 mẫu thịt các loại, tôm, cánh gà nhập khẩu từ 15 quốc gia xuất mặt hàng này vào Việt Nam.

“Đến nay chưa phát hiện mẫu nào có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Tôi sẽ tiếp tục lấy mẫu để kiểm tra”, ông Long chia sẻ với Tiền Phong.

Qua lấy mẫu kiểm tra, cơ quan Thú y Việt Nam chưa phát hiện virus SARS-CoV-2 trên cánh gà nhập khẩu vào Việt Nam. Ảnh: Báo Lao Động
Qua lấy mẫu kiểm tra, cơ quan Thú y Việt Nam chưa phát hiện virus SARS-CoV-2 trên cánh gà nhập khẩu vào Việt Nam. Ảnh: Báo Lao Động

Cục Thú y có tất cả 8 phòng thí nghiệm có thể xét nghiệm COVID-19 đối với mẫu động vật. Trong đó, có 5 phòng được cơ quan có thẩm quyền của Bộ Y tế cấp Chứng chỉ chỉ định xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 ở người, 3 phòng thí nghiệm đủ điều kiện xét nghiệm sàng lọc. Hiện các phòng thí nghiệm đã chuẩn bị các điều kiện, vật tư và sẵn sàng xét nghiệm được khoảng trên 5.000 mẫu.

Trước đó, hồi đầu tháng 8/2020, TP.Vu Hồ, tỉnh An Huy, Trung Quốc phát hiện axit nucleic của SARS-CoV-2 trên bao bì tôm đông lạnh nhập từ Ecuador .

Giới chức Trung Quốc cho biết, mẫu bề mặt cánh gà đông lạnh nhập khẩu từ Brazil ở thành phố Thâm Quyến cũng như mẫu ngoài bao bì tôm đông lạnh Ecuador nhập khẩu được bán ở thành phố Tây An dương tính với virus SARS-CoV-2 .

Giới chức Thâm Quyến xác định, cánh gà có nguồn gốc từ một nhà máy của Aurora, nhà xuất khẩu thịt gia cầm và thịt heo lớn thứ 3 Brazil.

Không có bằng chứng nào cho thấy con người có thể mắc COVID-19 từ thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm. Ảnh minh họa
Không có bằng chứng nào cho thấy con người có thể mắc COVID-19 từ thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm. Ảnh minh họa

Ngay lập tức Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Trung Quốc truy tìm, xét nghiệm những người tiếp xúc với các loại thực phẩm đông lạnh, tuy nhiên những người này không ai dương tính với virus này. Hiện Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu thịt từ Brazil và Brazil đang điều tra về thịt gà nhiễm SARS-CoV-2.

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cùng với Bộ Nông nghiệp nước này đã ra một tuyên bố chung rằng: "Không có bằng chứng nào cho thấy con người có thể mắc COVID-19 từ thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm".

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định không nên lo sợ thực phẩm hay việc đóng gói, xử lý, giao nhận thực phẩm. Không có bằng chứng nào cho thấy thực phẩm hay chuỗi thực phẩm góp phần trong sự lây nhiễm của virus. Thực phẩm, về khía cạnh COVID-19, là an toàn.

Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) và Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng khẳng định rằng không có bằng chứng về việc mắc COVID-19 từ thực phẩm hay bao bì thực phẩm.

(Tổng hợp).

PHƯỢNG LÊ

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương