Xu hướng thắt chặt tiền tệ mạnh tay của FED đã khiến dòng vốn toàn cầu xáo trộn mạnh và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Điểm khởi phát dễ nhận thấy nhất sau quyết định của FED là lãi suất vay mượn USD trên thị trường liên ngân hàng.
Trước sức ép liên tục, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại đã tăng khoảng 2% (VND giảm giá so với USD) chỉ trong vòng hơn 1 tháng. So với mức thấp nhất ghi nhận vào gần cuối tháng 1, VND đã mất giá khoảng 2,5%. Trong khi giá USD trên thị trường tự do tiếp tục duy trì quanh vùng 23.950 – 24.000 đồng/USD, tương ứng mức tăng khoảng 1,6% so với cuối năm 2021.
Dù suy yếu, VND vẫn là một trong những đồng tiền giữ giá tốt nhất so với USD trong bối cảnh đồng bạc xanh leo lên mức đỉnh 20 năm. Bên cạnh các yếu tố nội tại của nền kinh tế như giải ngân vốn FDI và kiều hối, đà mất giá của VND cũng được "hãm" lại nhờ các chính sách can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như thay đổi tỷ giá bán USD và bán ngoại tệ hỗ trợ nhu cầu thị trường.
Theo cập nhật từ một số công ty chứng khoán, để bình ổn trực tiếp tỷ giá, NHNN đã bán ra khoảng 10 tỷ USD qua phương thức kỳ hạn 3 tháng không hủy ngang, cũng như nâng mạnh giá bán USD trong tuần thứ hai của tháng 5 vừa qua.
Tỷ giá USD/VND được coi là "điểm quy chiếu" cho các áp lực kiểm soát lạm phát, chi phí vay nợ, môi trường đầu tư, và cả vấn đề trong các tiêu chí mà Bộ Tài chính Mỹ theo dõi định kỳ… Do đó, giữ ổn định tỷ giá luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu của NHNN.
Trao đổi với báo chí mới đây, ông Phạm Chí Quang - Phó Vụ trưởng Chính sách tiền tệ cho biết với quy mô dự trữ ngoại hối trên 100 tỷ USD, cơ quan này đã, đang và sẽ tiếp tục bán ngoại tệ để bình ổn thị trường. "Thời gian tới, NHNN sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn", ông cho biết.
Theo đại diện NHNN, bằng việc bán ngoại tệ, nhà điều hành sẽ tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu ngoại tệ của người dân.
Ngay sau khi cuộc họp chính sách của NHTW Mỹ kết thúc vào ngày 16/6, lãi suất USD kỳ hạn qua đêm tăng gần gấp đôi từ mức 0,85 - 0,90 % trước đó lên 1,5 - 1,6% và tiếp tục giữ ở mức cao. Trong khi đó, lãi suất VND lại không ngừng giảm sâu, từ mức 2% trước đó xuống còn 0,4% - thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Xu hướng trái chiều trên làm chênh lệch lãi suất gữa VNĐ liên tục thu hẹp thậm chí đi vào vùng âm trong những tuần gần đây, qua đó khiến nhu cầu nắm giữ USD nhanh chóng tăng trong hệ thống
Hệ quả của tình trạng này đi cùng với xu hướng dòng vốn thoái lui khỏi các thị trường mới nổi đã tạo ra căng thẳng kéo dài cho tỷ giá hối đoái của Việt Nam.
Những tháng gần đây chứng kiến một loạt biến động trên thị trường tài chính thế giới sau khi FED quyết định nâng lãi suất cơ bản lần đầu tiên kể từ năm 2018 trong cuộc họp tháng 3. Thị trường vẫn chưa kịp ổn định trở lại thì tại cuộc họp chính sách tháng 6, FED tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,75 điểm % - mức tăng mạnh nhất trong vòng 30 năm qua khi tỷ lệ lạm phát của nước này leo lên đỉnh 4 thập kỷ.
Theo giới quan sát, nguồn gốc sâu xa của những biến động mạnh trên thị trường tiền tệ và việc NHNN phải đồng thời sử dụng cả hai công cụ là bán ngoại tệ và bán tín phiếu đến từ sự lệch pha giữa chính sách tiền tệ của Việt Nam và FED. Cụ thể, trong khi FED tăng lãi suất thì Việt Nam vẫn đang phải nỗ lực bình ổn, thậm chí đặt mục tiêu hạ lãi suất cho vay.
Trong phiên chất vấn trước quốc hội ngày 8/6, đại biểu Hà Sỹ Đồng, (Quảng Trị) đã đặt câu hỏi với Thống đốc Nguyễn Thị Hồng về việc xử lý như thế nào đối với tình huống xảy ra là ''mặt bằng lãi suất thế giới tăng, trong khi trong nước được yêu cầu phải giữ ổn định, phấn đấu giảm thêm? Ngoài ra, NHNN phải kiểm soát tổng phương tiện thanh toán nền kinh tế qua siết van tín dụng cấp vốn cho nền kinh tế, nhưng cũng được yêu cầu nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để cho vay chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết 43’’.
Tổng Hợp