Giá cà phê trong nước tăng nhẹ
Giá cà phê trong nước hôm nay 23/12 tăng 200 đồng/kg, hiện dao động trong khoảng 40.300 – 41.000 đồng/kg.
Cụ thể, cà phê tại tỉnh Lâm Đồng: 40.200 – 40.300 đồng/kg, Kon Tum, tỉnh Đắk Lắk: 40.900 đồng/kg, Đắk Nông và tỉnh Gia Lai: 41.000 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta trên sàn London kỳ hạn giao ngay tháng 01/2023 giảm 6 USD, còn 1.970 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 03/2023 không thay đổi, giữ ở mức 1.879 USD/tấn. Khối lượng giao dịch trên mức trung bình.
Tương tự, giá cà phê Arabica trên sàn New York kỳ hạn giao ngay tháng 03/2023 giảm 1,05 US cent, còn 168,3 US cent/lb và kỳ hạn giao tháng 05/2023 giảm thêm 0,85 US cent, còn 168,2 US cent/lb. Khối lượng giao dịch duy trì dưới mức trung bình.
Theo Báo cáo Thương mại tháng 11 của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), xuất khẩu cà phê toàn cầu trong tháng đầu tiên của niên vụ cà phê hiện tại 2022/2023 đã giảm 1,9% so với cùng kỳ niên vụ trước, xuống chỉ đạt 6,96 triệu bao.
Trong vòng 12 tháng, kết thúc vào tháng 10/2022, xuất khẩu cà phê Arabica đạt tổng cộng 90,54 triệu bao, giảm 2,0 % và xuất khẩu cà phê Robusta tăng 2,48 % so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2022-2023 được dự báo ở mức 167,2 triệu bao, giảm 2,1% so với 170,8 triệu bao của niên vụ trước.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 11/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của nước ta đạt 2.371 USD/tấn, giảm 8,5% so với tháng 10/2022, nhưng tăng 4,7% so với tháng 11/2021. Giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam trong 11 tháng năm 2022 đạt mức 2.297 USD/tấn, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2021. Xét về thị trường, xuất khẩu cà phê sang hầu hết các thị trường chủ lực trong tháng 11/2022 tăng so với cùng kỳ năm 2021, ngoại trừ Mỹ và Bỉ giảm.
Tính chung 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cà phê sang các thị trường Italy, Bỉ, Tây Ban Nha và Anh tăng. Ngược lại, xuất khẩu cà phê sang Đức, Mỹ, Philippines và Trung Quốc giảm so với cùng kỳ năm 2021.
Giá tiêu trong nước ổn định
Giá tiêu trong nước hôm nay 23/12 không có biến động.
Tại Bà Rịa Vũng Tàu, giá mặt hàng này đang được thương lái thu mua ở mức 59.500 đồng/kg. Tại Bình Phước, Đồng Nai giá tiêu hôm nay duy trì ở 58.500 đồng/kg.
Tại Gia Lai là 57.500 đồng/kg; Đắk Lắk, Đắk Nông: 58.500 đồng/kg.
Trên thị trường thế giới, hôm qua, Cộng đồng Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Lampung (Indonesia) chốt tại 3.590 USD/tấn. Giá tiêu trắng Muntok ở mức 5.929 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn.
Giá tiêu đen Kuching ASTA của Malaysia không đổi, vẫn giữ ở mức 4.900 USD/tấn; còn hạt tiêu trắng ASTA của quốc gia này duy trì ở mức giá 7.300 USD/tấn.
Đối với thị trường Brazil, giá hạt tiêu đen ASTA 570 giữ ở mức 2.500 USD/tấn.
Còn tại Việt Nam, giá tiêu đen xuất khẩu loại 500g/l và 550g/l giữ ở mức 3.050 - 3.150 USD/tấn. Và giá tiêu trắng giữ mức 4.550 USD/tấn. Sau phiên giảm sốc đầu tuần, giá tiêu đen và tiêu trắng Indonesia tăng nhẹ trở lại.
Theo IPC, giá tiêu tuần trước tiếp tục ghi nhận phản ứng trái chiều, chỉ có giá tiêu nội địa Sri Lanka tăng. Cụ thể, giá tiêu đen Indonesia ổn định trong khi giá tiêu trắng Indoneisa theo chiều hướng giảm do ít giao dịch. Giá hồ tiêu nội địa Malaysia giảm trong tuần trước do đồng Ringgit Malaysia giảm 1% so với USD (4,42 MYR/USD). Giá tiêu trắng xuất khẩu của Malaysia tiếp tục ổn định và không thay đổi.
Tại Nam Á, giá tiêu nội địa Sri Lanka sau 4 tuần giảm đã tăng trở lại trong tuần trước. Sau 2 tuần tăng, giá tiêu Ấn Độ giảm, một phần là do đồng Rupee Ấn Độ giảm 1% so với USD (82,65 INR/USD). Tại thị trường Mỹ, giá hồ tiêu giảm trong 2 tuần qua.
Xuất khẩu tiêu của Việt Nam chiếm đến 44% lượng hạt tiêu xuất khẩu trên toàn cầu. Theo thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), từ đầu năm đến hết tháng 11/2022, Việt Nam xuất khẩu được 211.507 tấn hồ tiêu các loại. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 911,1 triệu USD, chiếm 44,2% kim ngạch xuất khẩu của thế giới, đưa Việt Nam tiếp tục trở thành nhà cung cấp hồ tiêu số 1 thế giới.
Bên cạnh Mỹ, Trung Quốc, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Ấn Độ, Philippine, Hàn Quốc, Nga, Singapore… Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam. EU nhập khẩu sản lượng hồ tiêu từ Việt Nam chiếm khoảng 22 - 23%, tương đương thị trường Mỹ và các nước châu Á khác. Toàn ngành gia vị xuất khẩu vào thị trường này chiếm tỷ lệ gần 60%.
Chính vì vậy Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế hơn so với một số nước sản xuất hồ tiêu khác như: Indonesia, Malaysia, Ấn Độ, Sri Lanka và Campuchia vì mới chỉ có 4 quốc gia châu Á là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singgapore và Việt Nam ký hiệp định thương mại tự do (FTA thế hệ mới) với EU.
Thị trường cao su châu Á suy giảm
Giá cao su hôm nay 23/12 tại Sở giao dịch hàng hóa Tokyo (Tocom) kỳ hạn giao tháng 12/2022 ghi nhận mức 211 JPY/kg; tháng 1/2023 giảm 0,14%; tháng 2/2023 tăng 0,05%; kỳ hạn tháng 3/2023 giảm 0,14%; cao su kỳ hạn tháng 4/2023 tăng nhẹ ở mức 0,18%.
Trên Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải (SHFE), giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 1/2023 ở mức 12.805 CNY/tấn, giảm 65 CNY/tấn; kỳ hạn tháng 3/2023, kỳ hạn tháng 4/2023, tháng 5/2023, tháng 6/2023 giảm gần 1%.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Côn Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho biết tháng 11/2022, Việt Nam xuất khẩu được 252,6 nghìn tấn cao su, trị giá gần 343 triệu USD, tăng 13% về lượng và tăng 9,4% về trị giá so với tháng 10, còn so với tháng 11/2021 tăng 19,5% về lượng, nhưng giảm 4,2% về trị giá.
Lũy kế 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cao su đạt 1,87 triệu tấn, trị giá gần 2,95 tỷ USD, tăng 9,8% về lượng và tăng 3,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Trong tháng 11, giá cao su xuất khẩu bình quân đạt 1.358 USD/tấn, giảm 3,2% so với tháng 10 và giảm 18,2% so với tháng 11/2021.
Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam, chiếm 82,4% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với gần 208,2 nghìn tấn, trị giá 276,4 triệu USD, tăng hơn 17% về lượng và tăng 14,3% về trị giá so với tháng 10, so với tháng 11/2021 tăng 30,6% về lượng và tăng 3,5% về trị giá.
Giá cao su xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc trong tháng 11 ở mức 1.328 USD/tấn, giảm 2,4% so với tháng 10 và giảm 18,6% so với tháng 11/2021.
Lũy kế 11 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 1,37 triệu tấn cao su, trị giá 2,08 tỷ USD, tăng 14% về lượng và tăng 6,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Ngoài ra, xuất khẩu cao su sang một số thị trường chủ chốt như: Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia… tiếp tục tăng so với tháng 11/2021. Tuy nhiên, xuất khẩu sang một số thị trường như: Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Ytaly, thị trường Đài Loan, Indonesia... lại giảm so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, năm 2022, xuất khẩu cao su của Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch Covid-19, đồng USD tăng giá mạnh, giá cao su liên tục giảm.
Trong khi đó, sự cạnh tranh về giá giữa các nước sản xuất và xuất khẩu cao su thiên nhiên tăng lên. Mặt khác, cơ cấu và chủng loại cao su thiên nhiên của Việt Nam còn lệ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ của Trung Quốc, gặp nhiều khó khăn trong việc thâm nhập thị trường lớn khác như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.