Xuất khẩu cá tra đón nhận tín hiệu tốt từ thị trường Mỹ và Trung Quốc

Trong những khó khăn vì ảnh hưởng dịch COVID-19, xuất khẩu cá tra đang thấy có những tín hiệu tốt lên từ một số thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam tính đến giữa tháng 3/2020, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 267,8 triệu USD, chưa có dấu hiệu phục hồi so với cùng kỳ năm trước. Đại dịch COVID-19 vẫn đang ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu tại một số khu vực thị trường trên thế giới. Tuy nhiên, trong những khó khăn này, xuất khẩu cá tra đang thấy có những tín hiệu tốt lên từ một số thị trường lớn như Mỹ và Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, nửa đầu tháng 3/2020, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ tăng 18,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu lạc quan cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đi Mỹ trong bối cảnh cả năm 2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này sụt giảm. Tính đến giữa tháng 3/2020, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, chiếm 18,8% tổng giá trị xuất khẩu cá tra.

  Xuất khẩu cá tra đang đón nhận tín hiệu tốt từ một số thị trường lớn.

Xuất khẩu cá tra đang đón nhận tín hiệu tốt từ một số thị trường lớn.

Theo một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, kể từ tháng 2/2020, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc - Hồng Kông đã khởi động trở lại và hoạt động xuất khẩu đang dần trở lại bình thường. Chỉ trong nửa đầu tháng 3/2020, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đã gần 13 triệu USD, tăng 1 triệu USD so với cả tháng 2/2020 trước đó. Nếu tốc độ xuất khẩu tăng như dự đoán, một số doanh nghiệp xuất khẩu các tra tự tin nhận định rằng, giá trị xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc trong các tháng tới có thể tăng 40-50%.

Ánh sáng lạc quan đang trở lại ở một số thị trường hi vọng sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu trở lại trong thời gian tới. Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL vẫn đang xoay quanh mức 18.000 – 18.800 đồng/kg. Đây là mức giá thấp hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng đã bắt đầu ổn định dần trong 2 tháng trở lại đây. Do tình hình xâm ngập mặn, một số thị trường xuất khẩu đang tạm lắng khiến cả nhà máy và người nuôi giảm tốc độ thả ao. Sản lượng thu hoạch dự kiến trong 2 tháng sắp tới giảm. Tuy nhiên, đây lại là điều kiện để giá cá tra nguyên liệu có thể tăng trong thời gian tới.

Tại một số thị trường xuất khẩu lớn khác như: EU, ASEAN, Brazil, Mexico, Colombia, Australia vẫn giảm. Tính đến nửa đầu tháng 3/2020, giá trị xuất khẩu cá tra sang ASEAN giảm 25,2%; EU giảm 47,3%; Brazil giảm 14,3%, Mexico giảm 57,5% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng lớn tới thị trường EU khi hoạt động vận chuyển hàng hóa, giao nhận không thể thực hiện được do chính sách phong tỏa nhằm kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu tiêu thụ hàng thủy sản, trong đó có cá tra tại các siêu thị Châu Âu có chiều hướng gia tăng.

Không chỉ riêng sản phẩm cá tra Việt Nam bị ảnh hưởng vì dịch bệnh, sản phẩm cá thịt trắng của Nga cũng đang bị giảm giá do các nhà máy chế biến của Trung Quốc đóng cửa suốt 2 tháng đầu năm và mới mở cửa trở lại. Trước khi đi vào làm việc, toàn bộ công nhân của các nhà máy tại Trung Quốc bị cách ly 14 ngày, tình trạng khan hiếm công nhân cũng khiến cho nhà máy chưa thực sự ổn định sản xuất. Tuy nhiên, kể từ tháng 3/2020, các nhà máy chế biến cá thịt trắng, cá rô phi của Trung Quốc cũng đã đi vào ổn định.

Trước mắt, trong tháng 4/2020, có thể tại một số thị trường xuất khẩu, giá trị xuất khẩu cá tra vẫn tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm ngoái do hoạt động vận chuyển hàng hóa bị gián đoán, nhưng những động thái khởi sắc từ một số thị trường lớn giúp cho các doanh nghiệp có thể nhận ra những tích cực trong thời gian tới đây. Hiện nay, để tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ trong việc cách ly xã hội, các doanh nghiệp cá tra cần tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích công nhân tự giác chấp hành, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ mình và bảo vệ sức khỏe chung của nhà máy. 

VIÊN VIÊN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương