Xung đột Hamas-Israel: 2 cường quốc châu Á lo "sốt vó", mong chiến sự không lan sang 1 quốc gia

Nếu nguồn cung cấp dầu hoặc khí đốt từ Trung Đông bị gián đoạn, 2 nước này cần phải tìm ra các nguồn thay thế.

 Hai "ông lớn" châu Á lo lắng

Các quan chức Hàn Quốc và Nhật Bản đã nhấn mạnh những rủi ro tiềm ẩn từ cuộc xung đột ở Trung Đông, bao gồm khả năng giá năng lượng cao hơn, vào thời điểm các nhà hoạch định chính sách đang vật lộn với tốc độ tăng trưởng thấp và giá tiêu dùng tăng cao.

Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bày tỏ những lo ngại do cuộc chiến giữa Israel và nhóm Hamas gây ra, đồng thời cam kết giám sát nền kinh tế để đánh giá những tác động tiềm tàng.  

Ảnh minh họa: WSJ
Ảnh minh họa: WSJ

Bộ trưởng Tài chính Choo Kyung-ho lưu ý rằng giá dầu thô Trung cấp West Texas của Mỹ đã tăng 4,3% sau cuộc tấn công của Hamas, đồng thời cho biết thêm rằng giá có thể tiếp tục tăng và các nhà hoạch định chính sách nên đưa ra các biện pháp để tránh bất kỳ sự gián đoạn nào đối với nguồn cung năng lượng trong nước.

Hàn Quốc không có trữ lượng dầu mỏ lớn và do đó phải dựa vào các sản phẩm dầu mỏ nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình. Theo số liệu của chính phủ, nước này nhập khẩu 67% dầu thô và 37% xăng từ Trung Đông.

Sự phụ thuộc vào năng lượng đó khiến nước này dễ bị tổn thương trước giá cả cao hơn và nguy cơ gián đoạn nguồn cung do xung đột trong khu vực.  

Nước láng giềng Nhật Bản cũng là nước nhập khẩu ròng năng lượng và cũng đang tìm kiếm các biện pháp tương tự để giảm thiểu hậu quả kinh tế từ xung đột Hamas - Palestine.

Chánh văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno cho biết Trung Đông là một phần không thể thiếu đối với nguồn cung cấp năng lượng của Nhật Bản. “Chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định”, ông Matsuno nói. 

Theo báo cáo thường niên của Cơ quan Tài nguyên và Năng lượng Nhật Bản, năm 2022, nước này nhập đến 94% lượng dầu thô từ Trung Đông. 

Tìm các nguồn thay thế

Các nhà hoạch định chính sách cho rằng việc tăng giá sẽ ở mức khiêm tốn trong trường hợp cuộc xung đột không lan sang Iran, một cường quốc trong khu vực được cho là ủng hộ Hamas. 

Fei Xue, Nhà phân tích cấp cao về châu Á, cho rằng có nguy cơ là cuộc chiến có thể mở rộng sang Bờ Tây và Đông Jerusalem, đồng thời các cường quốc khác trong khu vực, bao gồm Lebanon và Iran, có thể bị lôi kéo vào. 

Nếu điều đó xảy ra, chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc có thể sẽ mở rộng các khoản trợ cấp hiện có đối với nhiên liệu và điện cho hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ.  

Nếu nguồn cung cấp dầu hoặc khí đốt từ Trung Đông bị gián đoạn, cần phải tìm ra các nguồn thay thế.

Hôm 8/10, một ngày sau khi Hamas tấn công Israel, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Yasutoshi Nishimura đã gặp các bộ trưởng thương mại và năng lượng của Úc tại Melbourne để thảo luận về an ninh năng lượng.

"Úc là nhà cung cấp LNG (khí tự nhiên hóa lỏng), than và quặng sắt lớn nhất của Nhật Bản. Đây là đối tác năng lượng quan trọng nhất", ông Nishimura nói với người đồng cấp Don Farrell trong một cuộc họp. 

Ngoài ra, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamikawa đã có mặt tại Brunei ngay đầu tuần để đảm bảo rằng sẽ có nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên ổn định cho Nhật Bản. 

Nhật Bản cũng có thể muốn tổ chức các cuộc thảo luận với Mỹ, nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, một số nhà quan sát dự báo. 

Minh Khôi

‘Chiến trường 360 độ’: Viễn cảnh nghiệt ngã khi Israel tấn công Gaza bằng đường bộ

‘Chiến trường 360 độ’: Viễn cảnh nghiệt ngã khi Israel tấn công Gaza bằng đường bộ

Chuyên gia Alexander Grinberg nhận định: "Các cuộc tấn công trước hết sẽ nhắm vào các trung tâm chỉ huy và chiến binh của Hamas, với hỏa lực từ khắp mọi nơi."