Xung đột ở Ukraine đang bóp nghẹt nguồn cung hàng hóa thế giới

Các biện pháp trừng phạt Nga sau khi nước này đưa quân vào Ukraine đang làm gián đoạn nguồn cung năng lượng, lương thực và kim loại toàn cầu.

 Nga là cường quốc có khả năng sản xuất cũng như xuất khẩu lượng lớn hàng hóa, nguyên vật liệu thiết yếu cho thế giới. Tuy nhiên, sau khi tiến hành đưa quân vào Ukraine, việc Nga bị cô lập khỏi nền kinh tế toàn cầu trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang bóp nghẹt dòng chảy này.

Mỗi ngày, Nga thu về hơn 1 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu dầu thô và khí đốt, chủ yếu cho khu vực châu Âu. Quốc gia này cũng là nhà xuất khẩu lúa mì khổng lồ và nắm vai trò chủ chốt trong ngành phân bón.

Không chỉ thế, Nga còn sở hữu trữ lượng lớn nickel, nhôm, palladium phục vụ dây chuyền sản xuất lon đồ uống, ôtô, pin xe điện…

nga
nga

 Nguồn cung năng lượng

Mỹ, Anh, Canada đã cấm nhập dầu thô của Nga từ đầu tháng 3. Dù không thuộc diện bị bắt buộc, nhiều công ty quốc tế cũng dần giảm sự phụ thuộc vào năng lượng Nga vì sợ tổn hại danh tiếng.

Tại châu Âu, Đức, Ba Lan và Hungary là những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tình trạng gián đoạn nguồn cung. Việc sở hữu đường ống dẫn dầu trực tiếp từ Nga khiến các nhà máy lọc dầu khó tìm được giải pháp thay thế.

Giá dầu tăng nhanh đem lại nguồn thu lớn cho các nhà sản xuất. Song, người tiêu dùng, ngành vận tải và hàng không sẽ phải đối mặt với hóa đơn nhiên liệu đắt đỏ.

Ngoài dầu thô, thị trường châu Âu hiện thiếu hụt các sản phẩm tinh chế, đặc biệt là dầu diesel. Bên cạnh đó, dầu của Nga còn được sử dụng làm nguyên liệu chế biến quan trọng trong các nhà máy lọc dầu tại Mỹ.

Tuy nhiên, tình trạng gián đoạn mang lại lợi ích cho các nhà máy lọc dầu ở Trung Đông và châu Á. Để lấp đầy khoảng trống, nhiều tàu chở dầu hạng nặng từ khắp nơi trên thế giới đã bắt đầu đưa hàng sang châu Âu.

Các nhà sản xuất dầu khổng lồ sẽ là người chiến thắng sau cú sốc nguồn cung của Nga. Không chỉ thế, những nước sở hữu trữ lượng dầu lớn nằm trong diện bị cấm vận như Venezuela, Iran cũng có cơ hội nối lại hoạt động xuất khẩu.

Để đáp trả các lệnh trừng phạt, Moscow từng đe dọa cắt đường ống khí đốt tới châu Âu. Trước rủi ro an ninh năng lượng, Liên minh châu Âu (EU) buộc phải xem xét kế hoạch thu hẹp 2/3 sản lượng nhập khẩu khí đốt từ Nga trong năm nay.

Đối với những quốc gia phụ thuộc vào khí đốt của Nga như Đức, đây là cơ hội cho các nhà xuất khẩu khí đốt hóa lỏng hàng đầu như Mỹ hoặc Qatar.

Tuy nhiên, giá năng lượng tăng cao đang thúc đẩy rủi ro lạm phát, tác động đến tốc độ phát triển kinh tế toàn cầu. Để giảm bớt áp lực, một số quốc gia như Đức và Italy đành xem xét tiếp tục duy trì các nhà máy sử dụng than, vốn không nằm trong kế hoạch tăng trưởng xanh.

Dẫu vậy, châu Âu vẫn là khách hàng mua than lớn của Nga. Loại khoáng sản này không chỉ dùng cho các nhà máy điện mà còn phục vụ ngành sản xuất thép.

Những khu vực xuất khẩu lúa mì chủ chốt của Nga (vòng tròn vàng). Ảnh: Bloomberg.
Những khu vực xuất khẩu lúa mì chủ chốt của Nga (vòng tròn vàng). Ảnh: Bloomberg.

 Nguồn cung lương thực

Cả Nga và Ukraine đều có vai trò quan trọng với dòng chảy lúa mì toàn cầu. Trong đó, châu Phi và châu Á là hai khu vực nhập khẩu lượng lớn lúa mì Biển Đen nhờ giá thành phải chăng hơn những nơi khác.

Việc nguồn cung lúa mì từ Đông Âu bị gián đoạn giúp doanh số bán hàng của EU, Australia và Bắc Mỹ tăng đột biến. Giá cả leo thang thậm chí giúp doanh số bán ngũ cốc của Ấn Độ, vốn không phải nước xuất khẩu lớn, trở nên cạnh tranh hơn.

Song, tình trạng lúa mì đắt đỏ và thiếu hụt còn nâng giá bánh mì lên mức cao chưa từng thấy, góp phần làm trầm trọng thêm nạn đói toàn cầu. Dù lĩnh vực lương thực khó nằm trong diện chịu trừng phạt, giới phân phối và người mua vẫn có xu hướng giảm sự phụ thuộc vào ngũ cốc của Nga.

Cuộc chiến cũng làm chao đảo nguồn cung dầu hướng dương toàn cầu. Cả Ukraine và Nga đều sở hữu kim ngạch xuất khẩu dầu ăn chủ chốt. Do vậy, đây là lời cảnh báo tới hệ thống cửa hàng tạp hóa ở châu Âu.

Không chỉ khan hiếm, giá dầu thực vật đang bị kéo lên gần mức kỷ lục.

Trước khi cuộc chiến bùng nổ, thị trường phân bón vốn gặp nhiều hạn chế do tình trạng nhà máy đóng cửa, thuế quan thương mại cao và các lệnh trừng phạt đối với Belarus.

Trong khi đó, Nga, quốc gia chiếm 1/5 kim ngạch xuất khẩu 3 loại phân bón chính, đã thúc giục các nhà sản xuất tạm dừng giao hàng.

Động thái này khiến các quốc gia có thế mạnh về nông nghiệp như Brazil, Mỹ cho đến nhóm gặp nhiều khó khăn về nuôi trồng như Nam Phi và Ấn Độ lao đao. Nếu sản lượng lương thực giảm hoặc người nông dân phải chi trả thêm phí, giá các sản phẩm trong tạp hóa chắc chắn sẽ tăng cao.

Những nhà sản xuất phân bón lớn như CF Industries Holdings ở Mỹ, Canada’s Nutrien và Yara International ASA ở Na Uy có thể hưởng lợi bằng cách lấp đầy chỗ trống. Tuy nhiên, mùa thu hoạch ngô sắp tới của Mỹ có thể mang đến cái nhìn thực tế hơn về những ảnh hưởng mà giá phân bón tăng cao gây hại cho người dân.

Nguồn cung kim loại

Đầu tháng 3, thị trường nickel thế giới chìm trong cơn hỗn loạn khi những lo lắng về nguồn cung đẩy giá kim loại này lên cao. Sàn giao dịch kim loại London cùng thời gian đã phải tạm ngừng giao dịch nickel để ổn định thị trường.

Mỹ, châu Âu và châu Á là những khu vực nhập khẩu lượng lớn nickel của Nga. Ảnh: Bloomberg.
Mỹ, châu Âu và châu Á là những khu vực nhập khẩu lượng lớn nickel của Nga. Ảnh: Bloomberg.

 Nga hiện là nhà cung cấp hàng đầu cho loại nickel chuyên sử dụng để sản xuất thép và pin xe điện. Đây đồng thời là loại nguyên liệu chế tạo pin được tỷ phú Elon Musk đặc biệt quan tâm.

Bên cạnh đó, việc nguồn cung nhôm bị đứt đoạn đang đe dọa đến hoạt động sản xuất trong lĩnh vực hàng không vũ trụ, ôtô và xây dựng, nhất là tại châu Âu. Giới chuyên gia cho rằng nguồn cung nhôm của Nga quá lớn và có thể quyết định sự khan hiếm trên thế giới.

Nga còn là nước xuất khẩu phần lớn palladium và bạch kim sử dụng trong các linh kiện chuyển đổi xúc tác. Tuy còn quá sớm để đánh giá những ảnh hưởng từ Nga, bất kỳ sự gián đoạn nào cũng khiến người tiêu dùng ở khu vực Bắc Mỹ và châu Âu chịu thiệt hại.

Đây được coi là cơ hội vàng cho những đối thủ xuất khẩu khoáng sản ở Nam Phi, Zimbabwe và Bắc Mỹ chen chân.

Đối với thép, Thổ Nhĩ Kỳ và Ba Lan có khả năng bị tác động nhiều nhất. Các nhà sản xuất thép của Nga đang gặp khó khăn khi xuất khẩu sang châu Âu trong bối cảnh người mua quay lưng và lệnh cấm vận của EU.

Lĩnh vực xây dựng cũng bị tác động bởi giá cả tăng cao. Tuy vậy, người tiêu dùng có thể không chịu ảnh hưởng nhiều do thép chiếm một phần nhỏ trong chi phí sản xuất đồ gia dụng, ôtô.

Song, giá cả leo thang chưa hẳn là nỗi lo ngại với các nhà sản xuất. Chính tình trạng một số nhà máy ở châu Âu buộc phải đóng cửa do thiếu nguyên liệu từ Nga và chi phí năng lượng tăng cao mới là yếu tố rủi ro nhất.

Ngọc Phương Linh

theo Zing News

Chống dịch thay đổi thế nào nếu Covid-19 không còn là bệnh đặc biệt nguy hiểm?

Chống dịch thay đổi thế nào nếu Covid-19 không còn là bệnh đặc biệt nguy hiểm?

Theo chuyên gia, khi chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19 sẽ thay đổi rất nhiều.