Ngân hàng giãn, hoãn, xóa nợ cho người dân, doanh nghiệp sản xuất bị thiệt hại vì lũ lụt và bão số 9

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, giãn, hoãn, xóa nợ, cho người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại vì mưa lũ và bão số 9 gây ra những ngày qua.

Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về các biện pháp khắc phục thiệt hại do mưa lũ, sạt lở và bão số 9 gây ra tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Kết luận nêu trong các ngày 27 và 28/10/2020, bão số 9 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây (cùng với bão Xangsane năm 2006), đã gây hậu quả rất nghiêm trọng tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

Sau bão, hạ tầng các tĩnh Quãng Ngãi, Quãng Nam hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: Báo Quảng Nam
Sau bão, hạ tầng các tĩnh Quãng Ngãi, Quãng Nam hư hỏng nghiêm trọng. Ảnh: Báo Quảng Nam

Để hỗ trợ người dân, Thủ tướng yêu cầu các ngành, các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được yêu cầu tăng cường lực lượng, phương tiện đến các khu vực bị sạt lở có ngưòi bị vùi lấp, khu vực bị cô lập do mưa lũ, để phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện cứu hộ, cứu nạn.

 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai khẩn trương chủ trì tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiên tai cho các địa phương theo quy định.

 Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu kinh phí hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả thiên tai gây ra tại các địa phương, báo cáo Thủ tướng.

 Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn; giãn, hoãn, xóa nợ,... cho người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại do mưa lũ lớn và bão số 9 gây ra.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ quốc gia chủ động xuất cấp hàng từ nguồn dự trữ theo thẩm quyền, hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định xuất cấp kịp thời cho các địa phương. Việc cấp phát hàng hóa đáp ứng yêu cầu cấp bách về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất.

Nhiều tuyến phố Hội An vẫn ngập trong nước lũ. Ảnh: Báo Quảng Nam
Nhiều tuyến phố Hội An vẫn ngập trong nước lũ. Ảnh: Báo Quảng Nam

Báo cáo nhanh của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, bão số 9 đã gây thiệt hại nặng nề với hàng chục người chết và và mất tích. Thiệt hại nặng nhất về người là tại Quảng Nam.

Thống kê đến 16h chiều 29/10, tỉnh Quảng Nam có 19 người chết do sạt lở đất, 22 người mất tích. Trong đó, huyện Nam Trà My với 2 vụ lở núi có 14 người chết, 13 người vẫn còn mất tích cùng nhiều người bị thương đang được cấp cứu.

Huyện Phước Sơn có 5 người chết, 8 người mất tích trong vụ sạt lở đất sáng nay và 2 cán bộ đi giúp dân trước bão. Huyện Bắc Trà My có 1 người mất tích. 

Bão số 9 còn khiến nhiều người bị thương. Trong đó nhiều nhất vẫn là 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, nơi tâm bão đi qua. 

Cũng với thiệt hại về người, bão làm 2.527 nhà bị sập, 88.591 nhà bị tốc mái. Hàng trăm điểm trường, trụ sở làm việc của các cơ quan hư hỏng. Có 9 tàu cá bị chìm, trong đó Bình Định chìm 6 tàu. Hiện 2 tàu với 26 lao động của tỉnh này bị mất liên lạc từ ngày 27/10. 

Giao thông sau bão bị chia cắt với nhiều điểm sạt lở, nhiều cầu bị cuốn trôi.

Riêng tại Quãng Ngãi, nơi tâm bão số 9 đổ bộ, báo cáo với Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 29/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết bão gây thiệt hại nặng nề nhưng rất may không thiệt hại về người. Toàn tỉnh có 165 nhà sập, gần 85.000 nhà bị tốc mái, hư hỏng.

Đáng chú ý, tỉnh này có đến 151 điểm trường, 34 cơ sở y tế, gần 300 trụ sở cơ quan tốc mái, hư hỏng. Hơn 477 ha rừng bị thiệt hại cùng 6.000 cây xanh ở TP Quảng Ngãi bị ngã đổ... 

Tỉnh Quảng Ngãi đề nghị hỗ trợ bước đầu 110 tỷ để ổn định dân sinh và khôi phục sản xuất. 

Trước đó, ngày 24/10, Thủ tướng đã quyết định tạm cấp 500 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 bổ sung kinh phí cho 5 tỉnh miền Trung, để cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai.

Các tỉnh được cấp kinh phí gồm Quảng Bình 100 tỷ đồng, Quảng Trị 100 tỷ đồng, Thừa Thiên – Huế 100 tỷ đồng, Quảng Nam 100 tỷ đồng, Hà Tĩnh 100 tỷ đồng.

Trụ điện ngã đổ la liệt tại Quảng Ngãi sau bão. Ảnh: Báo Quảng Ngãi.
Trụ điện ngã đổ la liệt tại Quảng Ngãi sau bão. Ảnh: Báo Quảng Ngãi.

Thủ tướng cũng ban hành Quyết định xuất cấp gạo bổ sung từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam 6.500 tấn gạo để cứu đói cho nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ. Cụ thể, tỉnh Quảng Bình được xuất cấp 2.500 tấn; Quảng Trị 2.000 tấn; tỉnh Thừa Thiên Huế 1.000 tấn và tỉnh Quảng Nam 1.000 tấn.

Các địa phương này trước đó đã được xuất cấp 5.000 tấn gạo, gồm mỗi tỉnh 1.000 tấn để hỗ trợ cứu đói cho nhân dân vùng bị thiên tai, mưa lũ. 

Ngoài ra, Bộ Y tế được giao xuất cấp 6,7 triệu viên sát khuẩn nước Aquatabs 67mg cho Quảng Trị, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Tĩnh và Bộ Y tế, để cấp cho các đơn vị phòng, chống dịch bệnh.

Q.HUY

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương