Bác sĩ người Nhật chia sẻ cách học hiệu quả qua cuốn sách Làm sao học ít hiểu nhiều

Những chỉ dẫn trong sách Làm sao học ít hiểu nhiều sẽ giúp mỗi người thoát khỏi lối mòn, cảm thấy việc học tập không hề khổ sở mà rất vui vẻ.

 Với kiến thức hơn 30 năm nghiên cứu và giảng dạy về thần kinh và tâm lý học, tác giả (kiêm bác sĩ người Nhật) Zion Kabasawa đã đưa ra những phương pháp dung nạp kiến thức hiệu quả trong quyển sách “ Làm sao học ít hiểu nhiều ”. 

Zion Kabasawa được nhiều tờ báo và tạp chí mệnh danh là “bác sĩ tâm thần tinh tường Internet nhất Nhật Bản”. Bởi vì, ông tận dụng các phương tiện truyền thông mạng xã hội để chia sẻ tri thức về tâm lý học và tâm thần học. Ông có bằng cử nhân Đại học Y Sapporo và ba năm du học tại Đại học Illinois (Mỹ).

Trong cuốn sách “Làm sao học ít hiểu nhiều”, Zion Kabasawa đã đưa ra vấn đề rằng có bao giờ, bạn đầu tư thời gian giữa bộn bề công việc để học mà rốt cuộc không đạt được kết quả như mong muốn? Và bạn cảm thấy việc cắm đầu vào học nhưng không hiệu quả chính là một sự lãng phí?

Trên thực tế, ai ai cũng rất thích học tập và mang trong mình tiềm năng hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, tại một số quốc gia, do hệ quả của việc học chỉ để thi, con người dễ sinh ra cảm giác tẻ nhạt, đến chán ghét việc học. Đồng thời, nhiều người còn tự hạn chế bản thân bởi tự kỷ ám thị rằng bản thân không thông minh, học đâu quên đó.

Hơn nữa, vì không có phương pháp học đúng, họ dần rơi vào trạng thái học lãng phí, mãi không đạt được kết quả và bị kẹt vào trong cái đầm không đáy.

Vận dụng kinh nghiệm nghiên cứu khoa học thần kinh và giảng dạy trực tiếp cho 5.000 người và qua Internet hơn 400.000 người, tác giả đã đưa ra nhiều phương pháp học để giúp người học dung nạp kiến thức hiệu quả, đạt hiệu suất cao trong thời gian ngắn và phát triển bản thân.

Bác sĩ người Nhật chia sẻ cách học hiệu quả qua cuốn sách Làm sao học ít hiểu nhiều

Dựa trên các tài liệu nghiên cứu khoa học thần kinh, tác giả diễn giải rằng: “Nếu ta học với tâm trạng hứng khởi, não sẽ tiết ra dopamine (hormone hạnh phúc) giúp nâng cao khả năng tập trung, cải thiện năng lực ghi nhớ và tăng hiệu suất học tập. Ngược lại, con người làm việc gì đó mà họ cảm thấy khổ sở, não sẽ tiết ra “cortisol” làm suy giảm hoạt động của hồi hải mã - nơi lưu giữ thông tin.

Nghĩa là nếu ta bị stress thì năng lực ghi nhớ sẽ giảm sút. Chính vì vậy, bằng việc làm cho não cảm thấy vui vẻ, bạn có thể đạt được kết quả học tập tuyệt vời. Khi học trở thành niềm vui, chúng ta sẽ ở trong trạng thái “cứ học thôi” và muốn học mãi không ngừng. Khi đó, việc học hoàn toàn không lãng phí và chúng ta sẽ thu được kết quả như mong muốn”.

Cũng như triết lý cốt lõi trong sách “học ít hiểu nhiều”, nguyên tắc đầu tiên của việc học chính là định hướng phương pháp học.

Thành tích học tập hiện tại không tốt hoặc kết quả nhận được không như mong đợi không phải do bạn sinh ra vốn không thông minh. Hay cũng không phải do bạn không có tài năng trong lĩnh vực học thuật và nghiên cứu. Hay do bạn không kiên trì nỗ lực… Đó là do bạn chưa tìm được phương pháp “học đúng”. “

Vì vậy, trước khi lên ý định học một điều gì, phương pháp học đã quyết định đến 90% kết quả. Những người nắm rõ phương pháp học thường có khả năng lĩnh hội kiến thức trong thời gian nhất, là đòn bẩy tạo sức bật giúp bạn khởi động lại từ con số 0, Zion Kabasawa nói.

Qua từng chương sách, “Làm sao học ít hiểu nhiều” tiết lộ cho người đọc hàng loạt phương pháp học tập tinh giản, giúp tiết kiệm thời gian, công sức học tập. Đó có thể là: Phương pháp phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, phương pháp bắt chước một cách “ngoan ngoãn”, phương pháp tìm đối tượng để học theo, chiến lược học tập của học sinh và người đi làm…

Đặc biệt, tác giả còn khuyến khích bạn đọc tận dung các phương tiện truyền thông để chia sẻ kiến thức, học hỏi lẫn nhau…

Theo Zion Kabasawa hướng dẫn, ngày nay, bất kỳ ai cũng có thể đăng thông tin trên Internet như: viết bài lên blog, trên Facebook, Twitter, đăng video lên Youtube… đều miễn phí. Và để có thể chia sẻ kiến thức, bạn cần phải tổ chức và tái hiện trải nghiệm, kinh nghiệm, thông tin và kiến thức của mình.

Quá trình này sẽ giúp bạn tăng cường trí nhớ về điều đã học, khả năng viết lách được nâng cao… Đồng thời, nếu bạn học tập với sự đồng hành của những người mà bạn có thể chia sẻ những giấc mơ và tham vọng của mình, những khó khăn dễ dàng chuyển hóa thành niềm vui…

Bên cạnh đó, tác giả “Làm sao học ít hiểu nhiều” cho rằng, khi dấn thân vào sự học, mỗi người nên dốc hết sức thực hiện ngay từ bây giờ và tập trung cho hiện tại. Đừng suy nghĩ về việc còn một năm nữa sẽ đến kỳ thi, mà bây giờ hãy nghĩ “Hôm nay mình sẽ học ba tiếng”. Nỗ lực hết sức và sống cho hiện tại là bí quyết quan trọng để bạn có thể tiếp tục sự học một cách hiệu quả.

Với “Làm sao học ít hiểu nhiều”, Zion Kabasawa đã tỏ ra là một tác giả hàng đầu trong việc kết hợp kiến thức khoa học thần kinh đúc kết thành những phương pháp đơn giản, dễ áp dụng… Những kiến thức trong sách, thay vì trình bày, liệt kê một cách khô khan, nó lại được sắp xếp một cách theo trình từ logic từ bước cơ bản, giúp người đọc hiểu rõ phương pháp bắt đầu học tập khởi động lại từ số 0 đến bước ngoặt cam kết học tập trong 10 năm và học tập suốt đời.

Giữa nhiều đầu sách về kỹ năng, ấn phẩm đưa ra bức tranh tổng thể nhất về phương pháp học tránh lãng phí, cách người học tạo “động lực dopamine” với phương pháp “vui vẻ” hóa não bộ… từ đó, dung nạp kiến thức hiệu quả hơn.

Zion Kabasawa là một bác sĩ tâm thần, là nhà văn. Ông sinh năm 1965 ở Sapporo và tốt nghiệp Đại học Y Sapporo năm 1991. Ông học ba năm tại Đại học Illinois ở Chicago, Mỹ từ năm 2004. Sau khi về nước, ông thành lập Viện Nghiên cứu Tâm lý học Kabasawa

Ông tận dụng các phương tiện truyền thông mạng xã hội, như Facebook và Twitter, để phổ biến tri thức về tâm lý học và tâm thần học. Ông được nhiều tờ báo và tạp chí mệnh danh là “bác sĩ tâm thần tinh tường Internet nhất Nhật Bản”.

Các tác phẩm nổi tiếng mà Zion Kabasawa đã xuất bản, có thể kể đến như: “Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu”, “Phương pháp tối ưu hóa trí nhớ”, “Kỹ năng sử dụng Gmail trong công việc”, Phương pháp tăng gấp đôi độ chính xác và tốc độ làm việc…

KHÔI NGUYÊN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương