Biden sẽ không 'mềm mỏng' với Trung Quốc?

Trong chiến dịch tái tranh cử, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần cảnh báo rằng chiến thắng của Joe Biden đồng nghĩa với thắng lợi dành cho Trung Quốc và rằng Bắc Kinh sẽ “chiếm lấy Mỹ”.

Thế nhưng, bất chấp tuyên bố này, không có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ coi Biden là một nhân vật “mềm mỏng” hơn so với Trump, người đã mạnh mẽ đưa Mỹ sang hướng đối đầu trực diện với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong năm cuối cầm quyền.

Thực tế là từ trước khi Trump bước vào Nhà Trắng, chính quyền Dân chủ của Tổng thống Barack Obama và Phó Tổng thống Joe Biden cũng đã có thái độ đặc biệt cứng rắn đối với Trung Quốc. Sau những nỗ lực ban đầu nhằm can dự với Bắc Kinh, chính quyền Trump đã quyết định tiến xa hơn bằng cách cương quyết chống lại các tham vọng của Trung Quốc muốn bành trướng ảnh hưởng ra toàn cầu.

Những động thái này của Trump thậm chí còn nhận được sự hoan nghênh từ phía các cố vấn của Biden bất chấp chiến dịch tranh cử đầy cạnh tranh. Biden chưa công bố một chiến lược đối phó với Trung Quốc cụ thể, song mọi tín hiệu đều cho thấy ông sẽ tiếp tục cách tiếp cận cứng rắn đối với Bắc Kinh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chào đón Joe Biden, khi đó là phó tổng thống Mỹ, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh năm 2013. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chào đón Joe Biden, khi đó là phó tổng thống Mỹ, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh năm 2013. Ảnh: Reuters

Các nhà ngoại giao, giới phân tích và cả các quan chức từng cố vấn cho chiến dịch tranh cử của Biden đều kỳ vọng chính quyền mới sẽ có lập trường thận trọng hơn sau những lời đe dọa bốc đồng của Trump, đồng thời sẽ nhấn mạnh tới “cạnh tranh chiến lược” thay vì đối đầu toàn diện. 

Có ý kiến cho rằng Biden từng không ít lần tỏ thái độ gay gắt trong vấn đề Trung Quốc hơn hẳn nhà lãnh đạo sắp mãn nhiệm Donald Trump. Ông từng ám chỉ Chủ tịch Tập Cận Bình là “kẻ du côn” và cam kết sẽ dẫn đầu một chiến dịch quốc tế nhằm “gây áp lực, cô lập và trừng phạt Trung Quốc”.

Chiến dịch tranh cử của Biden cũng lên án các hành động của Trung Quốc nhằm vào người Hồi giáo tại Tân Cương là tội ác “diệt chủng”.

Biden nhấn mạnh trong một bài viết đăng tải hồi tháng 3/2020, thời điểm dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (COVID-19) bắt đầu bùng phát mạnh: “Mỹ cần phải cứng rắn với Trung Quốc… Cách hiệu quả nhất để giải quyết thách thức này là xây dựng một mặt trận thống nhất gồm các đồng minh và đối tác của Mỹ để đối phó với những hành vi ngược đãi và vi phạm nhân quyền mà Trung Quốc thực hiện”.

Tuy nhiên, ông cũng đề cập tới việc tìm cách “hợp tác với Bắc Kinh trong những vấn đề mà hai bên có sự giao thoa về lợi ích như biến đổi khí hậu, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và an ninh y tế toàn cầu”. 

Việc thúc đẩy và hợp lý hóa những mục tiêu này sẽ là một thách thức rất lớn, bởi nguy cơ làm nảy sinh các tranh cãi giữa phe cứng rắn và những người theo chủ nghĩa thực dụng, giống như những gì từng diễn ra trong chính quyền Trump.

Một cựu quan chức cấp cao trong chính quyền Obama, từng rất thân cận Biden trong quá khứ, bình luận: “Đó sẽ là những tranh cãi lớn… Sẽ có những quan chức trong đội ngũ của Biden nói rằng Trung Quốc là một mối đe dọa mang tính hệ thống đối với Mỹ và chúng ta phải đối xử với họ theo hướng ấy, song cũng sẽ có những nhân vật chủ trương thực dụng nói rằng ‘chúng ta đang ở trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, biến đổi khí hậu trầm trọng, vì vậy chúng ta phải làm việc cùng họ’”. 

Người biểu tình ở Hong Kong tập trung vào tháng 11/2019 để ủng hộ luật pháp ở Mỹ yêu cầu các quan chức Mỹ đánh giá quyền tự trị của Hồng Kông từ Trung Quốc đại lục. Ảnh: New York Times
Người biểu tình ở Hong Kong tập trung vào tháng 11/2019 để ủng hộ luật pháp ở Mỹ yêu cầu các quan chức Mỹ đánh giá quyền tự trị của Hồng Kông từ Trung Quốc đại lục. Ảnh: New York Times

Các cố vấn cấp cao của Biden nói với hãng tin Reuters rằng ông sẽ ngay lập tức tham vấn các đồng minh then chốt trước khi quyết định tương lai các khoản thuế đánh vào Trung Quốc và tìm cách có được những tác động mang tính tổng thể để gia tăng ảnh hưởng của mình.

Wendy Cutler, từng là một nhà ngoại giao và đàm phán thương mại của Mỹ, bình luận: “Chính sách đối phó với Trung Quốc của chính quyền Biden sẽ dễ đoán định và có tính chiến lược hơn… Đã qua rồi những ngày các cố vấn phải vật lộn tìm cách triển khai những gì họ được biết qua các dòng tweet của tổng thống. Những ngày người ta chứng kiến liên tiếp các đòn trừng phạt được tung ra và bối rối xác định xem điều gì thực sự đúng với một khuôn khổ chiến lược cũng đã ở lại phía sau”. 

Các nhà phân tích cho rằng chi tiết chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào những cái tên mà Biden bổ nhiệm vào những vị trí then chốt, song việc tái thiết những liên minh đang rạn nứt chắc chắn sẽ là một nội dung căn bản được ưu tiên.

Michele Flournoy, nhân vật cứng rắn được cho là ứng cử viên tiềm năng của vị trí Bộ trưởng Quốc phòng, cảnh báo rằng những thiệt hại kinh tế do dịch bệnh đồng nghĩa với việc ngân sách quốc phòng trong tương lai khó có thể tăng, hoặc tồi tệ hơn là sẽ bị cắt giảm, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc đảm bảo các lực lượng Mỹ đủ năng lực và quyết tâm đương đầu với mọi mối đe dọa.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với viện nghiên cứu chính sách Trao đổi Chính sách tại London hôm 28/10, Kurt Campbell - nhà ngoại giao hàng đầu từng phụ trách khu vực Đông Á trong nhiệm kỳ đầu của chính quyền Obama - bình luận rằng Washington đang đối mặt “với một giai đoạn cạnh tranh chiến lược sâu sắc” với Trung Quốc và điều mà Mỹ cần là một cách tiếp cận thống nhất từ bên trong để xóa sạch những ý kiến cho rằng nước Mỹ đang “suy thoái nhanh chóng”.

(Nguồn: TTX/Japan Times)

CHẤN HƯNG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương