Cuộc chiến Mỹ-Trung: Ai là bom nổ chậm của kinh tế thế giới?

Hiện thế giới đang đối mặt với đống nợ 246 nghìn tỷ USD, gấp 3 lần GDP toàn cầu. Trong đó Mỹ và Trung Quốc có nguy cơ vỡ nợ cao nhất.

Thế giới đang đứng trên núi nợ 246.000 tỉ USD

Theo báo cáo của Viện Tài chính Quốc tế (Institute of International Finance - IIF), trong quý đầu năm nay, nợ toàn cầu đã tăng thêm 3 nghìn tỉ USD so với cùng kì năm ngoái, chạm mốc 246 nghìn tỉ USD.

Đây là một kỉ lục tuyệt đối, gấp hơn ba lần GDP toàn cầu (bằng gần 320% GDP toàn cầu) - trị giá của tất cả các sản phẩm và dịch vụ trên hành tinh.

Các nhà phân tích của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) khẳng định: Nợ toàn cầu tăng lên mức kỉ lục và không thể kiểm soát nổi là kết quả của chính sách vô trách nhiệm do các ngân hàng trung ương thực hiện, họ nghiện in tiền và phân phối các khoản vay.

Chính phủ, các công ty và cá nhân đều vay tiền để phát triển kinh tế và khi tăng trưởng không xảy ra, họ tiếp tục vay nhiều hơn, bởi vì các ngân hàng trung ương lớn nhất áp dụng mức lãi suất thấp. 

Ngay cả trước khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Federal Reserve System - FED) nới lỏng chính sách tiền tệ, một số ngân hàng trung ương của các nước đang phát triển đã giảm lãi suất.

Theo IIF, chính các quốc gia với thị trường mới nổi đã đóng góp lớn nhất vào sự gia tăng nợ toàn cầu - khoản nợ của họ vượt quá 69 nghìn tỉ USD, tương ứng với 216,4% GDP. Mức tăng trưởng tương đối cao nhất được ghi nhận ở Chile, Hàn Quốc, Brazil, Nam Phi và Pakistan.

Hơn nữa, trong khu vực doanh nghiệp các khoản nợ tăng nhiều nhất, gần như bằng tổng GDP của 30 quốc gia đang phát triển, tương đương với 92,6%.

Trong hơn hai thập kỉ qua, trong trường hợp có được quyền truy cập không bị cản trở vào thị trường vốn, các nước đang phát triển sẽ tăng 50% nợ công ty.

Các chuyên gia của Viện Tài chính Quốc tế giải thích, vấn đề là ở chỗ những người này không có đủ kinh nghiệm trong việc quản lý nợ qua nhiều chu kì kinh tế. Sau khi bắt đầu suy thoái kinh tế, các công ty phải đối mặt với vấn đề nợ quá mức mà họ khó trả được.

Đã sắp đến lúc khi nền kinh tế toàn cầu đơn giản là "không thể chịu được" khoản nợ khổng lồ không thể kiểm soát nổi. 

Đặc biệt là, cuộc khủng hoảng sắp tới, như các nhà tài chính dự đoán, sẽ nghiêm trọng hơn nhiều và có thể dẫn đến sự bần cùng hóa, bất ổn địa chính trị, bất ổn xã hội và chiến tranh.

Các nhà kinh tế đưa ra cảnh báo: khi một quả bom hàng trăm nghìn tỉ dollars được đặt dưới nền kinh tế toàn cầu phát nổ, thì sẽ bùng phát cuộc khủng hoảng tồi tệ hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng năm 2008.

Theo giới chuyên gia, hiện nay "ổ nợ" có nguy cơ vỡ cao nhất là Mỹ và Trung Quốc, những quốc gia mà tỉ lệ nợ lớn gấp nhiều lần so với GDP của đất nước. Nếu chỉ 1 trong 2 nước này vỡ nợ là thế giới lập tức sa vào một cuộc khủng hoảng kinh tế không có lối thoát.

  Mĩ và Trung Quốc đều có số nợ lớn gấp nhiều lần GDP quốc gia.

Mĩ và Trung Quốc đều có số nợ lớn gấp nhiều lần GDP quốc gia.

Mĩ và Trung Quốc có nguy cơ vỡ nợ rất cao

Ở các nước phát triển, nợ quốc gia tăng thêm 1,6 nghìn tỉ USD, lên đến 177 nghìn tỉ. Theo truyền thống, phần đóng góp lớn nhất thuộc về Mĩ với tổng nợ lên tới 69 nghìn tỉ USD, gấp hơn 3 lần so với GDP của họ.

Trong số đó, các khoản vay của chính phủ Mỹ đã lên tới con số kinh hoàng là 22 nghìn tỉ.

Vào tháng 7, Trung tâm chính sách Bipartisan của Mỹ (BPC) đã cảnh báo: Mỹ sẽ đối mặt với sự vỡ nợ vào tháng 9 nếu các nghị sĩ không tăng trần nợ.

Và đúng là họ đã tăng trần nợ công, duy trì mức trần nợ công hiện nay đến ngày 31/7/2021. Tức là, các nghị sĩ cho phép chính phủ dễ dàng mắc nợ thêm. Theo tính toán của Bộ Tài chính Mỹ, đã hai năm liền các khoản vay vượt quá 1 nghìn tỉ USD.

Tuy nhiên, số nợ của Mĩ cũng chưa phải là đáng lo ngại nhất. Trung Quốc mới gây sự lo ngại lớn nhất bởi vì trong mấy thập kỉ qua nền kinh tế của nước này đang tăng trưởng nhờ những khoản vay mới. Kết quả là, nợ công của Trung Quốc đã tăng gấp bốn lần, lên đến 300% GDP.

Trong đó, khu vực doanh nghiệp, chủ yếu là các công ty nhà nước, đã vay 21 nghìn tỉ USD, chiếm gần 2/3 tổng số nợ, tương đương 155% GDP. Để so sánh, nợ doanh nghiệp của Nhật Bản là 100% GDP, còn Mỹ là 74% GDP.

Để đánh giá quy mô của vấn đề chỉ cần nhìn vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp Trung Quốc.

Năm 2018, các chứng khoán doanh nghiệp Trung Quốc ở mức 1,72 nghìn tỉ USD - chỉ đứng sau Mĩ (5,81 nghìn tỉ USD).

Năm nay, các công ty Trung Quốc chiếm 42% khoản nợ doanh nghiệp của các nền kinh tế mới nổi, điều này làm tăng đáng kể nguy cơ vỡ nợ trong tương lai gần.

Đến nay có nhiều công ty vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp, tuyên bố phá sản. Năm ngoái, 18.000 công ty Trung Quốc đã phá sản và mức độ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp cao gấp 5 lần so với năm 2015. Năm 2019, chỉ số này dự kiến có thể đạt mức kỉ lục mới.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo, mức nợ cao của Trung Quốc là rất nguy hiểm, nhiều công ty có thể bị vỡ nợ.

"Sự chậm lại trong tăng trưởng và tăng chi phí tài chính làm phức tạp thêm việc trả nợ và đầy rủi ro mặc định. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến lợi nhuận của các ngân hàng và dẫn đến các vấn đề về thanh khoản" - OECD nói.

Các nhà kinh tế chắc chắn rằng, tình trạng hiện tại chỉ ra rõ ràng là quả bom nợ dưới nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu bốc khói.

Món nợ quá mức trong bối cảnh suy thoái kinh tế là tiền đề rõ ràng cho suy thoái kinh tế. Tình hình tương tự đã được quan sát trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

HUY BÌNH

theo Báo Đất Việt