Gốm Churu trước nguy cơ mất hẳn

Cho đến nay, nhiều người vẫn tìm đến thôn Krăngọ (gốm), xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương để chứng kiến những người phụ nữ Chu Ru làm gốm.

Khoảng 400 năm trước, một nhóm người Chăm đã dừng lại bên lưu vực sông Đa Nhim - trên cao trình 1000m so với mặt nước biển - họp bắt đầu khai hoang, lập những Plêi (buôn làng), với truyền thống dẫn thủy nhập điền, những cánh đồng lúa bên những dòng suối dần hiện ra tạo nên bức tranh thủy mặc. Để phân biệt với người Cơ Ho bản địa, người ta gọi họ là Cru (tìm đất) sau đọc chệch sang là Chu Ru.

Người Chu Ru mang theo trong máu đến huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng những điệu múa cung đình đón khách, trai gái kết lại (Tam Ja, Aria, Pakinăng), họ mang theo nghề rèn sắt, nghề dệt vải thổ cẩm, nghề đan gùi, đan nơm bắt cá, làm nhẫn bạc, làm đồ trang sức bằng đá, bằng đồng, bằng vàng… và nghề nặn nồi đất, vốn là kế sinh nhai của tiên tổ.

Một nghệ nhân làm gốm ở Krăngọ 
Một nghệ nhân làm gốm ở Krăngọ 

Cho đến nay, nhiều người vẫn tìm đến thôn Krăngọ (gốm), xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương để chứng kiến những người phụ nữ Chu Ru thực hiện công đoạn: đi lấy đất, nhào nặn đất, nặn gốm, nung gốm… Một nghề được các nhà dân tộc học khẳng định là nghề cổ, rất phổ biến ở các nước vùng Đông Nam Á, trong các tộc người nói ngôn ngữ Môn Khơ Me (Mạ) Malayoponinêdi (Chăm, Chu Ru) cách nay khoảng 400 - 500 năm.

Giáo sư Keiyo Fujihara, một trong mười thành viên Hội đồng thẩm định di sản thế giới của UNESCO - khi chứng kiến bà Ma Bi và em gái Ma Lem nặn nồi đất, đã xác nhận: Đây là một nghề gia truyền được phổ biến ở một tộc người ở Nhật Bản cách đây 200 năm…

20 năm trước rất dễ bắt gặp những hình ảnh này
20 năm trước rất dễ bắt gặp những hình ảnh này

20 năm trước vào mùa khô: trước và sau Tết Nguyên đán 3 tháng, bất cứ ngày nào đến thôn Krăngọ cũng bắt gặp các bà, các chị, các bé gái… người nặn nồi gốm, người phơi gốm, người nhào đất… Ấn tượng nhất là vào khoảng 17h đến 20h – các đống lửa nung gốm bùng cháy đúng vào thời khắc hoàng hôn khuất dần sau cánh rừng, từng đàn cò, vẹt, sáo chao liệng trong làn khói cơm chiều, khói nung gốm… Đến đêm, họ mới dùng cây lấy từng sản phẩm gốm ra khỏi đống tro, than nóng; sau đó, đợi cho gốm nguội hẳn rồi cất vào nhà. Sáng hôm sau, các bà, các mẹ dậy thật sớm, xếp gốm vào gùi, có khi dùng ngựa, dùng trâu chở gốm đi đổi lấy gạo, lấy muối… Cũng có những thương buôn mang vật phẩm của người Ê Đê, Ba Na từ Bắc Tây Nguyên đến để đổi lấy gốm của người Chu Ru mang về để dùng, để bán…

Sản phẩm gốm Churu 
Sản phẩm gốm Churu 

Khi đường lớn đã mở tới thôn Krăngọ cũng là lúc “cơn bão nhôm, nhựa” ập đến, đẩy lùi các công xưởng gốm rộn rã ngày nào đến chỗ không có lối thoát, không có đầu ra… Các tộc người ở khắp Tây Nguyên đã dùng xô nhựa, can nhựa để đựng nước thay cho nồi đất; Dùng nồi nhôm, ấm nhôm để nấu cơm, nấu canh, kho cá, đun nước thay cho nồi đất, ấm đất… Nghề gốm còn ngắc ngoải được thêm vài năm bởi các thế hệ chỉ quen dùng nồi đất. Cho đến nay, lượng người dùng gốm ít đến nỗi cả thôn Krăngọ chỉ còn hai chị em gái Ma Bi và Ma Lem còn nặn gốm, nung gốm.

Như nghiệp kiếp trước, hai chị em Ma Bi và Ma Lem làm gốm bất cứ lúc nào rảnh rỗi. Nên nhà Ma Lem để riêng hẳn một phòng để đựng gốm. Một tin rất buồn, ngọn núi có đất để nung gốm đã được bán cho một doanh nghiệp, nghề gốm ở thôn Krăngọ có nguy cơ bị mất hẳn!

Đinh Thị Nga

Làng Song Hồ nhộp nhịp buôn bán vàng mã ngày Tết Ông Công ông Táo

Làng Song Hồ nhộp nhịp buôn bán vàng mã ngày Tết Ông Công ông Táo

Nghề làm vàng mã phát triển mạnh và mang lại nhiều lợi nhuận cho người dân Song Hồ.