Màu son đỏ và hành trình của biểu tượng nữ quyền

Qua hàng thế kỷ, màu son đỏ dường như đã trở thành một thứ vũ khí văn hóa hùng mạnh và được đón nhận như một biểu tượng của nữ quyền.

Vào năm 1912, khi phong trào nữ quyền diễu hành qua một salon làm đẹp ở New York, họ được bà Elizabeth Arden - người chủ của salon mới mở được hai năm đưa cho những thỏi son màu đỏ để thể hiện sự ủng hộ của bà.

Thỏi son nhanh chóng được những người đứng đầu phong trào như Elizabeth Cady Stanton và Charlotte Perkins Gilman yêu thích và quyết định dùng sắc đỏ đó như một dấu hiệu của sự nổi loạn và giải phóng.

Theo Rachel Felder, tác giả cuốn sách “Red Lipstick: An Ode to a Beauty Icon” (tạm dịch: Son môi đỏ: Sự ngợi ca cho một biểu tượng vẻ đẹp), “Không thể có một biểu tượng nữ quyền nào hoàn hảo hơn màu son môi đỏ bởi nó không chỉ thể hiện sự mạnh mẽ, nó là nữ giới. Phong trào đòi nữ quyền không chỉ về sức mạnh mà nó là về sức mạnh của phụ nữ”.

Chân dung chuyên gia làm đẹp và doanh nhân mĩ phẩm Elizabeth Arden (1947) (Ảnh: Hulton Archive/Hulton Archive/Getty Images).
Chân dung chuyên gia làm đẹp và doanh nhân mĩ phẩm Elizabeth Arden (1947) (Ảnh: Hulton Archive/Hulton Archive/Getty Images).

Qua hàng thế kỷ, màu son đỏ được dùng như một tín hiệu cho nhiều điều. Từ thời kỳ đầu khi son đỏ được sử dụng bởi giới thượng lưu Ai Cập hay bởi những gái bán hoa tại Hy Lạp cổ đại, rồi tới khi màu son đỏ được Hollywood sử dụng như biểu tượng sự hào nhoáng. Với nhiều tông màu, sắc đỏ trên môi dường như đã trở thành một thứ vũ khí văn hóa hùng mạnh.

Trước khi thỏi son trở nên phổ biến vào đầu thế kỷ 21, son môi đỏ thường gắn liền với những phụ nữ có đạo đức “đáng ngờ” như bất lịch sự, thiếu đứng đắn hay thậm chí là dị giáo. Trong thời kỳ đen tối, màu son đỏ bị coi như một dấu hiệu của quỷ dữ.

Và khi được đón nhận bởi phong trào nữ quyền tại Mỹ, màu son đỏ dường như cũng được chào đón tại các phong trào nữ quyền khác trên thế giới. Emmeline Pankhurst, người đứng đầu phong trào nữ quyền ở Anh đã dùng màu son đỏ để lan tỏa những cử chỉ biểu tượng tới những nhà hoạt động xã hội của mình.

Một nữ spotter trong lực lượng phòng không ATS gần London năm 1943 (Ảnh: Reg Speller/Hulton Archive/Getty Images).
Một nữ spotter trong lực lượng phòng không ATS gần London năm 1943 (Ảnh: Reg Speller/Hulton Archive/Getty Images).

Mặc dù những người thuộc phong trào nữ quyền đã giúp màu son đỏ trở nên phổ biến nhưng theo Felder, dường như đã tồn tại động lực để bình thường hóa son môi trong phái nữ khi họ quyết định dùng áo lót thay cho những chiếc áo bó ngực và theo đuổi những hình mẫu hiện đại được thiết kế bởi những người như Coco Chanel.

Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, màu son đỏ đã trở thành biểu tượng của lòng yêu nước và là lời tuyên bố chống chủ nghĩa phát xít. Và khi thuế khiến những thỏi son đắt đỏ ở Anh, phụ nữ nơi đây đã nhuộm môi mình bằng nước củ cải đường.

Thế chân nam giới trong các vai trò nghề nghiệp tại quê hương trong chiến trận, phụ nữ đã tô trên môi màu son đỏ khi tham gia vào lực lượng lao động. Theo Felder, màu son thể hiện sự kiên cường của phụ nữ khi phải đối mặt với những xung đột, cho họ cái cảm giác bình thường trong những thời khắc khó khăn và giúp họ duy trì nhận thức về bản thân trước chiến trận.

Tấm áp phích quảng cáo
Tấm áp phích quảng cáo "Rosie the Riveter" của J Howard Miller cho công ty điện Westinghouse Electric (1942) (Ảnh: MPI/Archive Photos/Getty Images).

Vào năm 1914 và suốt quãng thời gian chiến tranh, màu son đỏ trở thành một thứ bắt buộc đối với những phụ nữ gia nhập quân đội Mỹ. Nhiều thương hiệu làm đẹp đã bắt kịp với xu hướng này và cho ra mắt nhiều sắc đỏ để thêm phần lựa chọn cho nữ giới. Thế nhưng chính bà Arden đã được chính phủ Mỹ lựa chọn để tạo ra một màu quy định cho môi và móng tay dành riêng cho những phụ nữ gia nhập quân đội.

“Sở hữu môi với son đỏ đối với phụ nữ thời kỳ đó thường gắn liền với ý thức về lòng tự trọng nữ tính, một lòng tự trọng kiên cường và mạnh mẽ”, Felder cho biết.

Tấm áp phích tuyển y tá cho quân đội Mỹ từ đầu đến giữa những năm 1940 (Ảnh: Hulton Archive/Hulton Archive/Getty Images).
Tấm áp phích tuyển y tá cho quân đội Mỹ từ đầu đến giữa những năm 1940 (Ảnh: Hulton Archive/Hulton Archive/Getty Images).

Ngày nay, nhiều biểu tượng cho phong trào nữ quyền được lan truyền rộng rãi, trong đó đáng chú ý là chiếc mũ hồng “pussy hat” thống trị trong cuộc diễu hành nữ giới năm 2017, hay phong trào mặc theo cuốn tiểu thuyết đắt khách “The Handmaid’s Tale” trở nên rộng rãi trên thế giới.

Thế nhưng không vì thế mà đôi môi son đỏ thiếu đi sức mạnh của nó. Trong một hình ảnh được lan truyền rộng rãi năm 2015, một người phụ nữ Macedonia đã hôn lên lá chắn của một sĩ quan cảnh sát trong một cuộc biểu tình phản đối chính phủ, để lại vết son môi đỏ như một khoảnh khắc sâu sắc của cuộc nổi loạn.

Diễn viên nổi tiếng Elizabeth Taylor đã thêm hình ảnh quyến rũ và sang trọng vào màu son đỏ (bức ảnh chụp năm 1948) (Ảnh: Keystone Features/Hulton Archive/Getty Images).
Diễn viên nổi tiếng Elizabeth Taylor đã thêm hình ảnh quyến rũ và sang trọng vào màu son đỏ (bức ảnh chụp năm 1948) (Ảnh: Keystone Features/Hulton Archive/Getty Images).

Tại Nicaragua năm 2018, cả phụ nữ lẫn nam giới đều tô son đỏ và đưa những bức hình của họ lên phương tiện truyền thông thể hiện sự ủng hộ việc thả tự do cho những người biểu tình phản đối chính phủ. Và tháng 12 năm ngoái, gần 10.000 phụ nữ ở Chile đã đổ ra đường, đeo băng đen bịt mắt, khăn quàng đỏ với những đôi môi tô son đỏ để tố cáo nạn bạo lực tình dục ở nước này.

Bằng việc tô son đỏ, người biểu tình trên khắp thế giới đã khai thác nguồn sức mạnh của phong trào nữ quyền từ thế kỷ trước. Với những tuyên bố mạnh mẽ này, di sản của phong trào ấy vẫn còn sống mãi.

TM (theo CNN)

Mary Wollstonecraft: người phụ nữ phi thường với những sáng lập triết học nữ quyền đầu tiên trên thế giới

Mary Wollstonecraft: người phụ nữ phi thường với những sáng lập triết học nữ quyền đầu tiên trên thế giới

Mary Wollstonecraft được coi là một trong những người đầu tiên sáng lập triết học bình quyền phụ nữ và ủng hộ bình đẳng nữ giới.