Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể

Chiều ngày 12/4 tại Thành phố Nam Ninh (Trung Quốc) diễn ra Hội thảo "Chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể"

Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Tuần Văn hoá phi vật thể Trung Quốc- ASEAN lần thứ 2. Các quốc gia tham dự kiện đã giới thiệu các di sản văn hoá phi vật thể tiêu biểu của đất nước mình đã được UNESCO ghi danh là văn hoá phi vật của nhân loại. Đồng thời, chia sẻ các kinh nghiệm bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch.

Sau đây là bài tham luận của đoàn Việt Nam:

Việt Nam là một trong những quốc gia có hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đa dạng, phong phú. Tính đến nay, Việt Nam có 534 di sản văn hóa phi thể cấp quốc gia và 15 di sản văn hóa phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh bao gồm: Nhã nhạc cung đình Huế; Chầu văn; Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; Dân ca quan họ Bắc Ninh; Ca trù; Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc; Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; Nghi lễ và trò chơi kéo co; Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt; Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ; Hát Xoan; Thực hành Then của người Tày, Nùng,Thái; Nghệ thuật Xòe Thái; Nghệ thuật gốm của người Chăm.

Sự góp mặt của 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh là minh chứng sống động về sự đóng góp của Việt Nam cho mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản mà UNESCO đang thúc đẩy.

  Nhà văn, nhà biên kịch Chu Thu Hằng báo cáo tham luận.

Nhà văn, nhà biên kịch Chu Thu Hằng báo cáo tham luận.

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá phi vật thể

Di sản văn hóa phi vật thể là tài nguyên du lịch có sức hấp dẫn mạnh mẽ, là động lực thu hút ngày càng nhiều khách tham quan trong nước và khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Đây cũng là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu, sản phẩm du lịch. Hiện nay, tập trung bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị tài nguyên du lịch từ di sản văn hóa phi vật thể là một hướng quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của nhiều địa phương.

Ví dụ như nghệ thuật hát Ca trù, được xem là đặc sản của du lịch phố cổ Hà Nội. 3 buổi/ tuần, những nghệ nhân của Giáo phường Ca trù Thăng Long bắt đầu những canh hát của mình tại Ngôi nhà Di sản số 87 Mã Mây, một di tích nổi bật trong khu phố cổ Hà Nội. Buổi diễn kéo dài 60 phút. Ngoài phần thưởng thức nghệ thuật, khán giả còn được giới thiệu về nhạc cụ Ca trù, thơ Ca trù và các sinh hoạt văn hoá Ca trù theo song ngữ Anh - Việt. Khán giả còn được giao lưu với các ca nương, kép đàn. Nhiều vị khách quốc tế nghe biểu diễn xong đã bày tỏ sự ngưỡng mộ trước một nét sinh hoạt văn hoá, trước những kỹ thuật lấy hơi, nhả giọng, ngắt nhịp, những ngón đàn của các nghệ nhân.

Hay như Hát Xoan - loại hình dân ca lễ nghi phong tục hát thờ thần, thành hoàng với hình thức nghệ thuật đa yếu tố: có nhạc, hát, múa; thường được biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở vùng đất tổ Hùng Vương - Phú Thọ, một tỉnh thuộc vùng trung du Việt Nam. Với những giá trị lịch sử, văn hóa độc đáo, ngày 24/11/2011, UNESCO đã chính thức ghi danh Hát Xoan vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới.

Sau những nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của Hát Xoan, năm 2017, di sản Hát Xoan Phú Thọ đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Và hiện tại, Hát Xoan trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong tour du lịch phục vụ khách khi đến với Phú Thọ. Tham gia Tour “Về miền đất Tổ Hùng Vương”, du khách sẽ được thưởng thức “Hát Xoan làng cổ”, được hòa mình vào các điệu Hát Xoan.

Đại diện Thái Lan tham luận
Đại diện Thái Lan tham luận

Tại Thừa Thiên - Huế, Nhã nhạc cung đình Huế được biểu diễn hằng ngày, có bán vé ở Duyệt Thị đường. Nhã nhạc cũng được phối hợp biểu diễn tại các dạ tiệc hoàng cung như một hình thức dịch vụ phục vụ du khách. Ðồng thời, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế còn tổ chức biểu diễn Nhã nhạc phi lợi nhuận tại sân điện Thái Hòa và Thế Miếu. Ðây cũng là một trong những cách làm để Nhã nhạc cùng với quần thể di tích cố đô Huế trở thành sản phẩm du lịch cốt lõi và có giá trị của địa phương này…

Ở Hội An (Quảng Nam) nghệ thuật Bài chòi (được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017) được xác định là một phần quan trọng trong đời sống tinh thần, vừa là sản phẩn du lịch độc đáo, là nét văn hóa nghệ thuật đặc trưng của phố cổ. Các lớp học hát dân ca, hô - hát Bài chòi được mở trong Khu phố cổ (hằng đêm) dạy cho các em thiếu nhi và du khách. Đặc biệt, nghệ thuật và trò chơi Bài chòi còn phục vụ 2 suất/ngày (lúc 10h, 15h) tại Nhà biểu diễn nghệ thuật cổ truyền và phục vụ hằng đêm dưới hình thức "nghệ thuật đường phố" tại "Phố đêm" trong Khu phố cổ, thu hút đông đảo khách du lịch tham gia. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực du lịch cũng tổ chức các hội Bài chòi dân gian để phục vụ du khách tham quan.

Để nghệ thuật Bài chòi tồn tại và phát triển, thu hút được công chúng, thành phố Hội An chú trọng công tác tôn vinh, quảng bá và giới thiệu rộng rãi đến khách du lịch trong và ngoài nước. Thành phố đã phát hành 01 CD và 01 DVD dân ca, Bài chòi "Khúc tự tình Hội An" với gần 30.000 bản; đã có hàng trăm bản tin, bài báo, phóng sự, tài liệu báo chí - truyền hình giới thiệu, quảng bá sâu rộng, hiệu quả dân ca và trò chơi Bài chòi của Hội An. Đơn cử, truy cập vào trang mạng tìm kiếm Google với từ khóa "Bài chòi Hội An" sẽ có hàng loạt kết quả bài viết, hình ảnh, video… với hàng triệu lượt người truy cập. 

Đại diện Trung Quốc tham luận
Đại diện Trung Quốc tham luận

Một ví dụ khác về tính hiệu quả của việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể để phát triển du lịch là bảo tồn và phát huy di sản Ví, Giặm Nghệ An (một tỉnh thuộc miền Trung củ Việt Nam). Ngay sau khi Ví, Giặm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, công tác bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ đã được UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao quan tâm đẩy mạnh. Trong đó nhiệm vụ xây dựng, phát triển hệ thống câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm và truyền dạy dân ca Ví, Giặm trên địa bàn tỉnh Nghệ An được xác định là việc làm thiết thực, tiên quyết cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm trên địa bàn tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã thành lập được gần 140 CLB dân ca Ví, Giặm tại 21 huyện, thị xã, với gần 3.000 hội viên, 42 nghệ nhân dân gian, 52 nghệ nhân ưu tú, 1 nghệ nhân nhân dân. Đặc biệt, tại các huyện miền núi như Tương Dương, Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn, ngoài các đặc trưng văn hóa của dân tộc Thái, Thổ, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu,... các địa phương này cũng thành lập các CLB dân ca Ví, Giặm. Đây là tiền đề để gìn giữ, bảo tồn đồng thời khai thác được các giá trị văn hóa đặc sắc của mỗi địa phương trong phát triển du lịch cộng đồng.

Tại Gia Lai, trong 20 năm qua, tỉnh Gia Lai đã có nhiều cố gắng trong việc góp phần giữ vững cam kết với UNESCO trong việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bằng nhiều hành động cụ thể, đơn cử như việc ra đời của mô hình "Cồng chiêng cuối tuần – Thưởng thức và Trải nghiệm" (CCCT). Bên cạnh mục đích bảo tồn, quảng bá văn hóa địa phương, những người thực hiện chương trình cũng xác định rõ mục đích thu hút du khách về làng xem cồng chiêng. Và để làm điều này, họ mang cồng chiêng về phố tổ chức sinh hoạt định kỳ. 

Đoàn Việt Nam chụp ảnh cùng ông Fang Ning (áo trắng), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Quốc gia Tp Nam Ninh (Trung Quốc)
Đoàn Việt Nam chụp ảnh cùng ông Fang Ning (áo trắng), Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nghệ thuật Quốc gia Tp Nam Ninh (Trung Quốc)

Cồng chiêng, nhạc cụ, trang phục, đạo cụ được các nghệ nhân sử dụng trong chương trình “Cồng chiêng cuối tuần – Thưởng thức và Trải nghiệm” đều là dạng nguyên bản, đúng với truyền thống, cơ bản không có yếu tố hiện đại, cách tân. Để sinh hoạt luôn đổi mới và hấp dẫn người xem, bộ phận tổ chức đã đặt ra nguyên tắc: Mỗi đội không biểu diễn quá một lần trong tháng và xây dựng chương trình theo hướng đa dạng, tăng cường tương tác với khán giả.

Mỗi đêm diễn ra, thu hút hàng nghìn lượt du khách và người dân tham dự, Hàng nghìn lượt người xem đã truyền tải hình ảnh đất nước, con người Gia Lai, trong đó có văn hóa cồng chiêng ra khắp đất nước và thế giới. 

UBND tỉnh Gia Lai cũng vừa phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Gia Lai giai đoạn 2023 – 2025. Đề án đã xác định rõ mục tiêu hướng tới bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của di sản Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh Gia Lai, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, xu thế hội nhập quốc tế và gắn với phát triển du lịch địa phương. Qua đó quảng bá rộng rãi về Không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai đến bạn bè trong và ngoài nước.

Có thể nói, với nỗ lực của các địa phương có di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và thế giới, ngành du lịch đã và đang góp phần đặc biệt quan trọng trong việc khôi phục, bảo tồn, gìn giữ và phát triển các di sản phi văn hóa phi vật thể của dân tộc, nâng văn hóa dân tộc lên một tầm cao mới. Nhờ sự liên kết với du lịch nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã làm sống dậy và được đề cao trên thị trường nghệ thuật quốc tế như múa rối nước, hát dân ca Quan họ, hát Ả đào, hát Chầu văn, Hát Xoan, Nhã nhạc cung đình Huế, dân ca các miền, nghệ thuật múa dân gian các dân tộc thiểu số như múa sạp Mường, múa Xòe Thái...

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể gắn với du lịch là hướng đi mà tất cả các tỉnh, thành Việt Nam đã và đang tiến hành, đẩy mạnh.

Đại biểu đoàn Việt Nam chụp ảnh lưu niệm sau tham luận
Đại biểu đoàn Việt Nam chụp ảnh lưu niệm sau tham luận

PV

Thực hành Then được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Thực hành Then được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.